Ông Đinh La Thăng xin 'nhận trách nhiệm người đứng đầu' vụ 800 tỉ
Bị cáo Đinh La Thăng xin "nhận trách nhiệm" vụ PVN mất trắng 800 tỉ đồng, dù luôn khẳng định chủ trương, quy trình góp vốn vào OceanBank không sai.
Ông Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn tại phiên tòa |
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội chiều 20-3 về việc trách nhiệm trong chủ trương góp vốn của Tập đoàn dầu khi (PVN) vào Ngân hàng OceanBank, ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT PVN - nói xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
Mặc dù không biết nhưng tôi xin nhận trách nhiệm!
Ông Đinh La Thăng khẳng định như thế khi nói về trách nhiệm đối với việc đầu tư góp vốn lần thứ 3 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào OceanBank.
Ông Thăng nói ở lần góp vốn thứ nhất và thứ 2 là hoàn toàn đúng pháp luật và đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, ở lần góp vốn thứ 3 (vi phạm điều 55 Luật các tổ chức tín dụng) thì ông Thăng nói hoàn toàn không biết việc đầu tư góp vốn này bởi ông ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Thắng.
"Mặc dù bị cáo không biết, không biểu quyết, bị cáo tôn trọng ý kiến của anh Thắng và cũng không nghe anh Thắng báo cáo. Về việc hôm qua hai nhân chứng khẳng định có chuyển báo cáo cho bị cáo biết thì bị cáo khẳng định không biết, vì nếu biết thì bị cáo đã cho dừng việc góp vốn lại rồi. Không đầu tư góp vốn lần thứ 3 nữa".
Tuy nhiên, ông Thăng cũng nói dù không biết nhưng bị cáo xin nhận trách nhiệm người đứng đầu thay cho tất cả các anh Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Xuân Sơn, Phan Đình Đức…
"Các cơ quan đều xác nhận việc đầu tư của OceanBank là hiệu quả, đúng pháp luật ở lần 1 và 2. Riêng việc đầu tư lần thứ 3 thì bị cáo không biết" - ông Thăng khẳng định.
Không ai có ý kiến gì về việc góp vốn
Ông Thăng khẳng định khi Ngân hàng Hồng Việt không được thành lập, một ban trù bị ngân hàng với hàng trăm con người cùng cơ sở vật chất đã đầu tư, trụ sở bàn ghế..
"Chúng tôi đứng trước thách thức lớn về việc tìm được ngân hàng phù hợp. Tất cả các yêu cầu cho thấy PVN chỉ được mua cổ phần với giá đã được quy định. Để xử lý tồn tại của Ngân hàng Hồng Việt, chúng tôi khẩn trương quyết định".
Ông Thăng khẳng định Ngân hàng Đại Dương mới chấp nhận tất cả các yêu cầu của PVN đưa ra thì ông Thăng mới báo cáo HĐQT xem xét thông qua sau khi nghe báo cáo sơ bộ về OceanBank.
Trước câu hỏi của luật sư về việc các tổng công ty, tập đoàn nhà nước khi đó đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ không, ông Thăng khẳng định: "Cả bị cáo và tập đoàn phải tuân thủ các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Chính phủ. Bởi nếu có vấn đề gì thì đã có các cơ quan nhà nước có ý kiến. Các cơ quan nhà nước không ai có ý kiến gì".
Về những thứ làm được sau khi góp vốn vào OceanBank ngoài số cổ tức được chia là 244 tỉ, ông
Thăng cũng khẳng định về quyết định đầu tư thì phải có lợi và xử lý những bất cập còn tồn tại. Việc góp vốn của PVN đã giúp cho OceanBank phát triển mạnh.
"Như vậy, đóng góp của tập đoàn dầu khí đã góp phần nâng tầm của Ngân hàng Đại Dương lên". Ông Thăng khẳng định.
Sau khi góp vốn thì các thông tin hoạt động Đại Dương đều có báo cáo của người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank và "báo cáo này cho thấy ngân hàng này được công nhận là ngân hàng bán lẻ tốt nhất trong hệ thống ngân hàng". Ông Thăng khai.
Nói về việc góp vốn này, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, thì cho rằng"do mong muốn được PVN góp vốn nên chúng tôi nhiệt tình quá".
Sai phạm của ông Đinh La Thăng trong khi ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank với Hà Văn Thắm |