Ông đồ Nghệ "đại náo" làng thơ Thủ đô

14/09/2015 07:24

(Baonghean) - Nốt năm nay, hoặc cũng có thể là thêm năm nữa, nghe nói thầy Tân sẽ vào Vũng Tàu ở cùng con để yên bề tĩnh dưỡng tuổi già (và cũng chưa biết chừng sẽ chuyển qua nghề… trông cháu). Điều đó cũng có nghĩa, Hà Nội tới đây sẽ thiếu đi một lớp học tiếng Anh “vô tiền khoáng hậu”, là kỷ niệm đẹp trong không ít cuộc đời sinh viên của bao thế hệ: Lớp đông tới hàng trăm người, nhưng tuyệt nhiên im phăng phắc khi chất giọng Nghệ của thầy vang lên. Và phàm là học trò Nghệ (đồng hương của thầy), hay học trò nghèo nói chung sẽ được thầy Tân miễn học phí, với lời hẹn: Sau này đi làm, nếu có, trả thầy…

“Mới” như thầy “Tân”!

Cộng đồng Facebook (FB), ghi nhận một tài khoản đặc biệt: Hội những người học tiếng Anh thầy Thái Bá Tân. Nhưng khi click chuột vào đấy, bạn sẽ thấy không chỉ những bài giảng tiếng Anh, mà còn cả những… bài giảng Phật giáo. Hóa ra thầy Tân còn là một Phật tử. Học trò thầy Tân, khi trên lớp hay trên FB, vì thế mà được thầy chỉ bảo cả những triết lý sống. Và cách dạy của thầy thì đến là dễ ngấm! Người từng một thời nổi tiếng với những bản dịch thơ Nga, đặc biệt là thơ Pushkin, tới khi dạy học sinh, bèn tung ngay “của nhà giồng được”: “Thơ hóa” tất tật mọi điều muốn nói, bằng thể thơ 5 chữ sở trường, mà họa có nhắm mắt, hoặc che đi tên tác giả, thì cũng biết thừa đó là thơ của ai.

Hình đại diện trên trang cá nhân của ông thầy dạy tiếng Anh hay nức tiếng này lại là hình ảnh một mái đầu hoa râm bên cây vĩ cầm. Hoàn toàn không phải là “diễn” mà ai quen thầy Tân đều biết thầy đặc biệt mê nhạc cổ điển. Trên những tháng ngày bận bịu, khi đứng lớp, khi làm thơ, khi… rao bán sách “nhà trồng được” (gồm hơn 70 tập sách thơ dịch, thơ sáng tác, truyện ngắn, sách tiếng Anh, sách Phật giáo… đã xuất bản), thầy Tân thậm chí còn dành thời gian thu đĩa những bản nhạc mà người chơi không ai khác là thầy. Từng trót phải lòng nhạc cổ điển từ những năm tháng sinh viên theo học tại Trường ĐH Ngoại ngữ Moscow (khoa phiên dịch tiếng Anh), thầy mày mò tập chơi đủ mọi nhạc cụ: violon, saxophone, piano…Trang cá nhân thu hút gần 63 nghìn người theo dõi của ông thầy 66 tuổi này vì vậy còn có cả những bản nhạc say lòng người mà thầy muốn qua đó truyền cảm hứng sống tới mọi người, đặc biệt là lớp trẻ.

Âm nhạc là một trong những niềm đam mê của thầy Thái Bá Tân.
Âm nhạc là một trong những niềm đam mê của thầy Thái Bá Tân.

Lớp “học nghèo” của “thần Tây”

“Thầy Tân”, nói lái sẽ là “thần Tây”, cũng là cách nhiều bạn trẻ gọi vui ông thầy dạy tiếng Anh đặc biệt vui tính và mát tay của mình. Một lớp tiếng Anh kỳ lạ, được mở tại ĐH Bách Khoa (có khi là ĐH Xây Dựng), hiện diện bền bỉ ở Hà Nội suốt 25 năm qua như một kỳ tích của ông đồ Nghệ: lớp mở cửa hàng ngày (trừ Chủ nhật), bắt đầu từ 18h, trung bình thu hút 300 học viên, ít nhất là 200 và đỉnh cao là… 500 (nhiều người thậm chí đã đi làm vẫn thích quay lại lớp học thời sinh viên của mình), khiến mỗi chiếc bàn bình thường chỉ dành cho 2 người, thì nay oằn lưng gánh từ 3 - 4 người. Và chủ yếu là… ngồi bệt. Chậm chân thì thậm chí còn chỉ biết… vắt vẻo bên cửa sổ suốt gần 2 giờ đồng hồ. Học trò thầy vì thế nói vui, học lớp thầy Tân không chỉ để luyện tiếng Anh mà còn giúp… rèn thể lực, nếu như không muốn “trâu chậm uống nước đục” (ý bảo chỗ ngồi hẻo).

Vậy mà kỳ lạ thay, khi chất giọng Nghệ ấm áp của thầy cất lên, thì bằng ấy con người (chủ yếu là các bạn trẻ im phăng phắc), nuốt lấy từng lời giảng của thầy. Hà Nội trước giờ không thiếu các trung tâm tiếng Anh lớn với những lời mời chào hấp dẫn như giáo viên bản ngữ, giáo trình quốc tế hay bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới… nhưng nhiều người cho biết, sau khi thử, họ lại chỉ muốn được quay lại với lớp học của “thần Tây”. Không hẳn vì học phí rẻ, gần như không bao giờ biết tăng học phí, thậm chí có thể nợ cho đến khi… ra trường, đi làm, “có thì trả thầy sau”… mà còn vì ở đó, họ không những được học tiếng Anh mà còn bao nhiêu bài học cuộc sống khác được thầy khéo léo lồng ghép trong đó, và chuyển tải sinh động bằng cái giọng tếu táo tự trào, đặc thù ở ông đồ Nghệ lắm chữ, hay chuyện. Đại loại: “Vợ chồng tôi nói thật/ Thích trẻ con cực kỳ/Xưa trục trặc kỹ thuật/Chỉ sinh một baby”, nên mới quyết xui con: “Vứt mẹ cái kế hoạch/ Dân số và gia đình/ Đàn bà là phải đẻ/Đẻ nhiều nó mới xinh”…

Nếu ai đó còn nghi ngờ giới trẻ, có lẽ nên thử một lần đến với lớp học của thầy Tân. Vì ở đó, họ sẽ được chứng kiến một không khí ham học thực sự, với hàng trăm người trẻ hăng say cầu tiến - điều ngày càng hiếm thấy ở chốn giảng đường, và cũng chính điều này đã truyền lửa đam mê cho những ai đang cảm thấy mệt mỏi rệu rã trên con đường mưu sinh, học vấn…

Hẳn là chỉ duy nhất ở lớp thầy Tân là tồn tại khái niệm “học nghèo” và những dòng quảng cáo ấm áp thế này: “Thầy phát miễn phí tài liệu học hàng ngày… Nghèo không có tiền thì học nghèo một thời gian. Có thể mua thẻ để không, lúc nào học, ai học cũng được, đang học dở, nhường cho người khác cũng được. Ai đột nhiên cần tiền, có thể mang thẻ chưa ghi tên đến lớp, thầy bán hộ đúng giá đã mua. Hoặc có thể đổi thẻ lấy sách của thầy. Sướng chưa?...”.

“Học nghèo” là khái niệm “độc quyền” của thầy Tân, để chỉ những học sinh không có tiền mua thẻ mà thầy cho nợ đến khi… đi làm (số này dễ chừng phải chiếm đến 1/2 lớp học trung bình 300 học viên ấy), kèm “lời dọa”: “Sau này giàu, đừng quên thầy là được”. Thầy bảo: “Không có tiền thì cứ đến học nghèo, miễn đừng nói dối quên thẻ…”. Lại nữa, có những hôm, không nhân một dịp nào cả, thầy bỗng tặng thẻ cho… một người béo, một người gầy nhất lớp, hoặc một người cười tươi, hay chính là một người không có tiền mua thẻ…

Lớp học của thầy Tân, vì thế mà luôn rộn tiếng cười, dù ẩn sau đó là giọt nước mắt biết ơn và cảm động của những người học trò nghèo, và cả giọt nước mắt thương trò của ông thầy già vui tính…

Báo Nghệ An xin giới thiệu một số bài thơ 5 chữ dí dỏm, dung dị, bình dân nhưng chứa đựng những bài học cuộc sống sâu sắc của nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân. Thơ năm chữ của ông tựa như những lời nói chuyện hàng ngày nên có người gọi đó là “khẩu thơ”.

239

Niềm tin như tờ giấy.

Trót một lần vò nhàu,

Sẽ rất khó vuốt lại

Phẳng phiu như lúc đầu.

Cũng thế, trong giao tiếp,

Trót một lần lỡ lời.

Ta sẽ phải hối hận.

Mà có khi suốt đời.

259

Có thể chưa đạt tới

Cái đích ta đang cần.

Nhưng khi ta cứ bước,

Nghĩa là ta đến gần.

Quan trọng là phải bước.

Không quan trọng ngắn dài.

Hôm nay chưa đến được,

Ta sẽ đến ngày mai.

265

Một người nhìn thế giới

Ở độ tuổi năm mươi

Giống hệt như trước đó,

Ở độ tuổi hai mươi,

Thì rõ ràng người ấy

Đã lãng phí của mình

Những ba mươi năm tuổi,

Cố tình hay vô tình.

Nói câu này triết lý,

Muhammad Ali,

Cựu vô địch đánh bốc,

Muốn nhắc ta điều gì?

Thời gian là tài sản

Quý giá nhất trên đời.

Không sử dụng đúng đắn,

Ta khó lớn thành người.

267

Lời nói có trọng lượng.

Ai cũng biết điều này.

Vậy lựa lời mà nói,

Để nói đúng, nói hay

Một người rất có thể

Đau khổ hoặc tươi cười

Sau khi nghe anh nói.

Nhớ nhé, hãy lựa lời.

Nguyên Lê

Mới nhất

x
Ông đồ Nghệ "đại náo" làng thơ Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO