Ông đồ Nghệ Văn Như Cương và những giai thoại khó quên

10/10/2017 10:10

(Baonghean.vn)- Nhiều người ở Nghệ An còn nhắc mãi những giai thoại khó quên về PGS Văn Như Cương.

PGS Văn Như Cương vừa nằm xuống sau 80 năm sống trên cõi tạm. Ông quê ở xã Quỳnh Đội, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An một địa danh có rất nhiều người con nổi tiếng. Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Năm 1959, ông là 1 trong 8 cán bộ khoa Toán, Văn của, Đại học Sư phạm Hà Nội có nhiệm vụ xây dựng Phân hiệu Sư phạm Vinh (sau này là Đại học Vinh).

 Thầy Văn Như Cương và vợ ngày cưới 30/6/1961 -Ảnh tư liệu của gia đình
Thầy Văn Như Cương và vợ ngày cưới 30/6/1961. Ảnh tư liệu của gia đình

Ông đồ Nghệ về trường nữ sinh Trưng Vương thực tập thì gặp cô học trò. Hai bên cảm mến nhau. Tình yêu cứ thế nảy nở giữa thầy giáo nghèo và cô gái Hà thành theo năm tháng. Năm 1961, sau khi cô Oanh tốt nghiệp, thầy Cương xin bố mẹ đôi bên cho phép cưới nhau. Đằng sau tấm ảnh cưới, ông tếu táo khoe với các đồng nghiệp khoa Toán: "Theo ý Chúa, bọn mình sẽ cưới nhau vào tối ngày 30/6 tại Vinh. Cậu mừng cho bọn mình nhé". Nhiều người thắc mắc:

- Cậu theo đạo à?

Ông tưng tửng trả lời:

- Ừ, đạo tử tế.

Đó cũng chính là nếp sống của ông và gia đình cho đến tận cuối đời. Năm 1971, sau khi bảo vệ thành công luận án PTS tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) ông trở về lại công tác tại khoa Toán, trường Đại học sư phạm Hà Nội 1. Được ít lâu, ông được biệt phái vào dạy bộ môn Hình Học, trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh).

Ba tôi (PGS.TS Nguyễn Quý Dy) một đồng nghiệp của ông kể lại, có lần đi từ Hà Nội vào Vinh bằng xe đạp, đến Quỳnh Lưu, thèm thuốc lá quá, ông là người bạn đồng hành vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Ông nói bằng tiếng Nga, được ông bạn cùng đi dịch lại:

- Đây là đồng chí chuyên gia quân sự Liên Xô, phụ trách tên lửa bắn máy bay Mỹ. Để làm việc đêm, chúng tôi cần mua 1 ít thuốc lá cho đồng chí chuyên gia.

Thấy ông râu dài, nói tiếng Nga như gió, cô mậu dịch viên vội chạy đi báo cáo cửa hàng trưởng và sau đó đã duyệt bán cho đồng chí chuyên gia 1 tút Tam đảo bao bạc. Trước khi rời cửa hàng, ông giơ tay chào:

- Kha-rô-sơ, kha-rô-sô (tốt, tốt).

Những ngày dạy học ở Vinh, ông ăn cơm tập thể. Khi có bạn ngoài Hà Nội vào công tác, ông báo thêm cơm ở bếp ăn tập thể, ông tếu đùa:

- Xin thưa với các ông, mấy bà cấp dưỡng trường Vinh này là những người giỏi tiếng Nga nhất.

Nói đoạn, ông cầm cặp lồng dẫn khách xuống bếp ăn tập thể. Thấy mọi người xếp hàng đông, các bà cấp dưỡng chia cơm mới nhẹ nhàng:

- Cất-bát-ra- giúp (Các- vác-gia- vút, tiếng Nga là Tên ông là gì?)

Mọi người đang ngớ ra, chưa hiểu mô tê gì thì ông khẽ đáp lại:

-Me-nhia-ra-vút Cương (tên tôi là Cương).

Cả khách lẫn chủ đều ồ lên bởi lối hài hiện đại của ông đồ Nghệ có một không hai của xứ Nghệ.

Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh tại Hà Nội, đây là trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đất nước mở cửa, đổi mới. Tất cả bắt đầu bằng con số không tròn trĩnh: không trường, không lớp, không bàn ghế! Ông quan niệm: "Đã là người thầy thì chỉ cần có trò, có lớp là có thể đứng giảng bài được. Cái quan trọng nhất là làm việc ở môi trường nào mà mình có thể phát huy hết khả năng và được đánh giá đúng...".

Bằng quyết tâm, ông đã tạo dựng nên thương hiệu trường Lương Thế Vinh như ngày nay. Bao năm nay trường PTTHDL Lương Thế Vinh thực hiện... 3 không: Không họp hành; Không bầu bán; Không khen thưởng.

Thầy giáo Đặng Gia Mẫn một thầy giáo dạy Toán tại Lương Thế Vinh kể lại, có mùa tuyển sinh trường Lương Thế Vinh đã chiều muộn mà một bà mẹ và cậu học sinh cứ tần ngần mãi trước của phòng thầy Cương. Ông bước ra hỏi lý do, bà mẹ thành thật:

- Mẹ con cháu đi hơn 300 km ra thi vào trường nhưng kết quả cháu thiếu 0,5 điểm, nên buồn mà không muốn về.

Ông mời vào phòng và đích thân kiểm tra trình độ của cậu học trò nghèo. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, ông nói:

- Trường hợp này tôi quyết định đặc cách 0,5 điểm, do bố cháu là thương binh, cháu lại vừa phải mưu sinh, vừa đi học. Có điều vào trường phải cố lên nhé.

Một quyết định rất Văn Như Cương.

Thầy Văn Như Cương và các học trò, đồng nghiệp trường Vinh -Ảnh: Đặng Gia Mẫn
Thầy Văn Như Cương và các học trò, đồng nghiệp trường Vinh. Ảnh: Đặng Gia Mẫn

PGS Văn Như Cương còn nổi tiếng với giai thoại nuôi lợn nổi tiếng ở xứ Nghệ. Chuyện là vào những năm trước đổi mới, kinh tế quá khó khăn, nhiều cán bộ, công chức, giáo viên phải nuôi lợn một cách lén lút. Khi đó, PGS. Văn Như Cương ở nhà tầng Quang Trung và nuôi thêm lợn. Khi đội kiểm tra đến phê bình "TS. Văn Như Cương nuôi lợn" thì ngay lập tức ông giáo dạy Toán phản pháo "Các anh nói sai rồi, không phải T.S Văn Như Cương nuôi lợn mà lợn nuôi TS. Văn Như Cương".

Giai thoại này đến nay nhiều người vẫn nhắc mãi như để nhớ về một thời kỳ bao cấp khó khăn.

Hôm nay, ông đã về với ông bà, tổ tiên nhưng những giai thoại của ông đồ Nghệ còn sống mãi trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò.

An Thanh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ông đồ Nghệ Văn Như Cương và những giai thoại khó quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO