Ông giáo già và tâm nguyện gieo chữ

07/05/2013 18:12

(Baonghean) - Tôi nhận ra ông lão râu tóc bạc phơ, ánh nhìn hiền hậu với biết bao gửi gắm trong bức ảnh “Trao truyền” (đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung 2012) của NSNA Quang Dũng từng góp mặt ở trang bìa Báo Nghệ An số Xuân 2010, mà NSNA Sỹ Minh chụp những tấm gương “Học tập và làm theo Bác”. Tôi đã lặn lội tìm lên đến vùng sâu Khe Bai, Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) quyết tìm nhân vật trong ảnh. Ở Nghĩa Đàn, ông được nhiều người nhắc tới là “ông giáo già trồng chuối khuyến học”

(Baonghean) - Tôi nhận ra ông lão râu tóc bạc phơ, ánh nhìn hiền hậu với biết bao gửi gắm trong bức ảnh “Trao truyền” (đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung 2012) của NSNA Quang Dũng từng góp mặt ở trang bìa Báo Nghệ An số Xuân 2010, mà NSNA Sỹ Minh chụp những tấm gương “Học tập và làm theo Bác”. Tôi đã lặn lội tìm lên đến vùng sâu Khe Bai, Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) quyết tìm nhân vật trong ảnh. Ở Nghĩa Đàn, ông được nhiều người nhắc tới là “ông giáo già trồng chuối khuyến học”

Trở trăn cùng con chữ

Ông lão râu tóc bạc như cước chạm tuổi 80 ấy không có cái an nhàn vui hưởng tuổi già mà bận bịu với đống hồ sơ, sổ sách trong văn phòng Hội Khuyến học huyện Nghĩa Đàn. Tiếp chúng tôi, ông khoe: “Hôm qua tôi vừa đi vào xã Nghĩa Thọ về, đó là một trong những xã phong trào học tập đang yếu. Tôi đi suốt, chẳng hôm nào ở nhà, cả thứ 7 lẫn Chủ nhật. Trưa tôi cũng ở lại cơ quan luôn, chỉ có mỗi buổi tối về ăn cơm với bà nhà thôi”. Sức làm việc “đáng nể” của một cụ già đã quá tuổi thất thập chỉ có thể giải thích bằng lý do đam mê và tâm huyết đến cùng với công việc mình đang làm.

Ông Nguyễn Nghĩa Hợi bắt đầu câu chuyện về những ký ức tuổi thơ nghèo khó mà ham học; về suốt 30 năm gắn bó với bục giảng, với bao thế hệ học trò, trải qua nhiều cương vị trong nghề. Điều khiến ông “nặng lòng” nhất suốt những tháng năm ấy là những lần ông phải chứng kiến học trò bỏ học giữa chừng. Không ít lần, thầy giáo Hợi đứng lặng, nắm chặt đôi tay bất lực của mình khi thấy nhiều đôi mắt khát khao con chữ đành phải nói lời chia tay với thầy cô, bè bạn. Những đôi mắt ấy theo ông cả trong giấc ngủ. Ông như thấy chúng đang nuối tiếc, buồn bã và cả cầu xin nữa...

Năm 1989, ông giáo Hợi đến tuổi hưu. Phải rời xa trường lớp, tâm nguyện “được gieo chữ” vẫn không dứt trong ông. Ông nhận thấy mình phải bắt tay vào những công việc đã ấp ủ từ lâu mà chưa có thời gian để thực hiện, ấy là công tác khuyến học. Ông ngược xuôi lên xã, xuống huyện để xin thành lập Hội Khuyến học. Thời điểm này, đời sống của bà con xã nghèo vùng sâu Nghĩa Hội còn quá nhiều khó khăn, lo cho đủ ba bữa cơm hàng ngày đã khó, “mấy ai có đầu óc, thời gian đâu mà lo chuyện khuyến học xa vời”; nhiều người dù hiểu được cái tâm của ông giáo già nhưng cũng đành lắc đầu...



Ông Nguyễn Nghĩa Hợi

Từ 50 ngàn đồng đến... 25 ngàn cây chuối

Đề nghị với xã lập Hội Khuyến học và tự nguyện bỏ tiền túi 50 nghìn đồng (tương đương với 7 tạ thóc) để làm quỹ hội đầu tiên; thế nhưng, ý tưởng đành gác lại, ông Hợi đem số tiền mình định lập quỹ mua giấy bút tặng cho các em học sinh khó khăn và làm phần thưởng khuyến khích những em đạt danh hiệu học sinh giỏi trong vùng. Việc làm đó của ông giáo về hưu khiến không ít người ngạc nhiên.

Năm 1996, Trung ương Hội Khuyến học được thành lập, ông Hợi khấp khởi mừng thầm. Thế nhưng, mãi đến năm 2003, Hội Khuyến học Nghĩa Hội mới được thành lập, ông Nguyễn Nghĩa Hợi được bầu làm Chủ tịch Hội. Vậy là sau hơn 10 năm chờ đợi, thì đề xuất của ông đã thành hiện thực. Được làm trúng cái điều mình khát khao, ông nhiệt tình bắt tay vào công việc, mong muốn được tiếp tục làm điều gì đó cho học sinh, thay đổi nhận thức trong nhân dân đối với sự học. Ông đã đi đến từng gia đình, vận động đóng góp mỗi hộ 5 nghìn đồng để gây quỹ, góp lại cũng được gần 7 triệu đồng. Mừng lắm, nhưng cầm số tiền trên tay, ông suy nghĩ: Người dân đóng góp cũng chỉ đến một mức độ nào đó, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm cũng có hạn, làm cách nào để có thể phát triển được quỹ khuyến học, để giúp đỡ thật nhiều học sinh? Trăn trở mãi, cuối cùng, ông nghĩ đến việc trồng chuối để tạo quỹ khuyến học lâu dài.

Sáng kiến này đưa ra, lập tức gặp ngay sự phản đối của nhiều người. Ai cũng nghĩ, thà nộp 5 nghìn, 10 nghìn “tiền ngay thóc thật” còn được việc, chứ trồng chuối thì đến bao giờ, có ai quản lý, có thu được tiền về hay không? Nhưng ông giáo già vẫn tin tưởng với quyết định của mình. “Tôi chọn trồng chuối, bởi vì cây chuối dễ tìm, thu hoạch thường xuyên, dễ trồng, hợp với đất Nghĩa Đàn, lại chỉ mất tiền giống có một lần, những lần sau đã có cây con đẻ ra ở xung quanh gốc cây mẹ. Hơn nữa, trồng chuối là việc rất đơn giản, người già, người mù cũng có thể chăm được cây chuối. Trồng cây chuối, là để tận dụng quỹ đất của gia đình, đồng thời, nhìn đến cây chuối trong vườn mà nhắc nhở đến việc chăm lo con cái học hành”.

Nói và làm, ông Hợi đã xin một miếng đất trống trong trụ sở UBND xã Nghĩa Hội, phát quang, đào hố và huy động thanh niên trồng thử nghiệm 150 cây chuối làm mẫu. Sau đó, ông vận động đến từng gia đình, trước hết là vận động các cụ trong Hội Người cao tuổi, mỗi cụ trồng một cây giúp cho các cháu học hành. Vậy là 800 cụ thì đã trồng được 800 cây. Các gia đình, có thể trồng cây chuối như là một hình thức làm kinh tế, tạo nguồn thu nhập, nhưng phải bỏ riêng ra một cây, lấy tiền bán chuối của cây đó để nộp vào quỹ khuyến học của xóm, của xã. Còn thừa bao nhiêu, thì có thể nộp vào quỹ khuyến học của dòng họ, dùng mua sách vở, đồ dùng phục vụ học tập cho con, cháu, chứ không được lấy tiền từ cây khuyến học để mua thịt, mua cá, mua rượu…

Những cây chuối bắt đầu lớn lên, phủ xanh bãi đất trống quanh trụ sở UBND xã Nghĩa Hội, mọc thêm nhiều cây con nữa trong từng hộ gia đình. Dần dần, người dân bắt đầu thấy những lợi ích thu về từ cây chuối nhiều hơn cả mong đợi, những quả chuối đã đổi về sách bút, áo quần cho con em mình tới lớp. Từ phản đối, giờ đây, ai nấy đều đã đồng tình, ủng hộ sáng kiến có phần “lạ đời”, nhưng lại rất thực tế và hiệu quả của thầy Hợi.

Đến năm 2008, huyện Nghĩa Đàn chia tách, ông Nguyễn Nghĩa Hợi được “điều” lên làm Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Nghĩa Đàn mới. Vậy là “được dịp” ông đã đem sáng kiến trồng chuối khuyến học nhân rộng ra cả huyện. Vẫn như cách làm khi còn ở Hội Khuyến học xã Nghĩa Hội, ông vận động các cụ trong Hội Người cao tuổi trước. Người già làm gương cho con cháu học tập, và người già còn làm được, thì tại sao người trẻ lại không làm? Hội người cao tuổi có 13.000 cụ, ai chưa trồng thì bắt đầu trồng, ai trồng rồi, thì trích một cây cho khuyến học. Vậy là cả huyện đã có 13.000 cây chuối để làm quỹ, khuyến khích, giúp đỡ các cháu học sinh học giỏi, hoặc có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Từ đó đến nay, tổng số cây chuối dành cho khuyến học của huyện Nghĩa Đàn đã lên tới 25.000 cây.

Chắp cánh những ước mơ

Không chỉ vận động xây dựng quỹ bằng trồng chuối, mà hiện nay tùy vào đặc điểm riêng của từng xã, ông Nguyễn Nghĩa Hợi phát động nhiều hình thức xây dựng quỹ như: kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng thêm những “Ống tre mét khuyến học”, “Lợn đất khuyến học”, thực hiện tốt dòng họ khuyến học, tháng khuyến học, tết khuyến học…. Khi Hội Khuyến học tỉnh có chủ trương chuyển tiền mừng tuổi sang tiền khuyến học, ông Hợi là người đã nhiệt tình ủng hộ, áp dụng ngay trong gia đình mình, và coi đó là một sáng kiến rất hay. Ông vui vẻ kể về ví dụ “chuyển đổi” tại gia của mình: “Tôi có 7 đứa cháu, trước cũng mừng tuổi, nhưng giờ chuyển sang tiền khuyến học, mỗi năm 2 lần, vào đầu năm mới và tổng kết năm học. Mừng tuổi thì bằng nhau, nhưng chuyển sang tiền khuyến học lại khác. Đứa nào học giỏi thì được thưởng nhiều tiền hơn, đứa nào kém thì thưởng ít. Trẻ con, chúng nó kiểu chi cũng ngồi so sánh với nhau, rồi từ đó thấy không bằng anh/chị/em mà cố gắng phấn đấu cho bằng, cho hơn”.

Nhờ những hoạt động tích cực không ngừng của ông Hợi, mà công tác khuyến học được chú trọng, nhận thức của người dân đối với việc học được nâng cao rất rõ. Xã nào làm khuyến học tốt, thường xuyên, thì xã đó việc học sinh bỏ học, ở lại lớp ít hơn, tỉ lệ học sinh đỗ ĐH, CĐ cao hơn. Em Hà Văm Nam, dân tộc Thái ở xã Nghĩa Lạc, gia đình có 8 anh em, bố mất sớm, rất khó khăn, những tưởng phải bỏ học. Nhờ xã động viên kịp thời, năm học vừa qua, Nam đã cố gắng học và đạt giải 3 tiếng Anh cấp huyện. Hai chị em Nguyễn Thị Quỳnh Trúc và Nguyễn Hoàng Phúc ở xã Nghĩa Trung, mẹ bỏ đi, sống cùng với bà ngoại già yếu. Nhờ có sự quan tâm kịp thời của thầy Hợi, của Hội Khuyến học, nhà trường, Hội giáo xứ mà giờ 3 bà cháu đã có mái nhà chắc chắn để ở, 2 cháu được giúp đỡ yên tâm tiếp tục học hành.

Ông Hợi bảo, giờ đây, phong trào khuyến học của Nghĩa Đàn đã có nền tảng, ông đã tìm được người và sắp tới sẽ “chuyển giao” công việc ở Hội Khuyến học để mình nghỉ. Thì ra, ông giáo già mấy năm qua một mình đảm nhận tới 4 “chức”, tham gia hoạt động ở cả Hội Khuyến học, Hội Giáo chức, Hội Người cao tuổi, và Hội Văn học, nghệ thuật huyện Nghĩa Đàn. Mà công việc nào cũng tân tâm, tận lực. Bao nhiêu năm qua, ông còn sưu tầm, truyền dạy hàng trăm câu dân ca, ví dặm xứ Nghệ cổ, sáng tác thêm nhiều lời mới để ca ngợi quê hương, đất nước… Và “dắt lưng” thêm tài ghi-ta, thổi tiêu, đánh đàn Organ, đàn nhị… vừa biểu diễn, vừa “trao truyền” và tìm kiếm những tài năng dân ca trong huyện.

Con người như ông Hợi, gần 80 năm tuổi đời, 40 năm tuổi đảng, làm việc không ngừng nghỉ với bao tâm huyết cho con người, mảnh đất quê hương, đã trở thành “vốn quý” đặc biệt ở huyện miền Tây bắc xứ Nghệ. Năm 2011, ông Nguyễn Nghĩa Hợi đã vinh dự được biểu dương tại hội nghị sơ kết 2 năm cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh Nghệ An.


Bài, ảnh: Vinh - Lài

Mới nhất
x
Ông giáo già và tâm nguyện gieo chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO