Ông Troussier kiên định và linh hoạt như thế nào ở SEA Games 32?

Bùi Hoa 09/05/2023 11:28

(Baonghean.vn) - Ông thầy người Pháp rất kiên định với lựa chọn từ đầu đối với từng trụ cột, kiên nhẫn chờ đợi học trò tiến bộ qua từng trận đấu và nhận được kết quả ngày càng ưng ý.

Khá bất ngờ khi ông Phillipe Troussier tung ra sân một đội hình U22 Việt Nam gặp U22 Malaysia tương tự như trận ra quân gặp U22 Lào và phần lớn trận gặp U22 Singapore với Văn Chuẩn trong khung gỗ, bộ ba trung vệ Tiến Long, Quang Thịnh, Tuấn Tài; cặp wingback Minh Trọng, Văn Cường; bộ đôi tiền vệ trung tâm Thái Sơn, Đức Phú; bộ ba tấn công Văn Đô, Văn Tùng, Thanh Nhàn. Tất nhiên, U22 Việt Nam sẽ có điều chỉnh trong hiệp 2 với sự xuất hiện lần lượt của Văn Khang, Công Đến, Quốc Việt…

Nếu như trận ra quân, cặp tiền vệ trung tâm Thái Sơn - Đức Phú được đánh giá là “không đủ sức” đảm nhiệm tuyến giữa thì đến nay, mọi nghi ngại, lấn cấn đối với 2 nhân tố trẻ này đã tan biến. Đây chính là những cầu thủ “không phổi” với tầm hoạt động rộng, công suất cao, chạy không biết mệt mỏi với thống kê đường chạy 10-11 km trong từng trận đấu, không hề kém cạnh cầu thủ của Giải Ngoại hạng Anh. Chính hai nhân tố này đã góp phần phá lối chơi của đối thủ, bịt kín mọi khoảng trống lộ ra, không cho đối thủ khai thác, không cho đối thủ có thời gian để triển khai ý đồ tấn công theo bài bản vạch sẵn.

Cũng đến trận đấu thứ 3 quan trọng nhất ở vòng bảng của U22 Việt Nam mới thấy sự kiên định với cặp wingback Minh Trọng - Văn Cường. Họ là "ngòi nổ" thực sự dẫn đến các bàn thắng, nhất là trong trận đấu gặp U22 Malaysia không còn gì để mất, với sự xuất hiện bất ngờ của Minh Trọng: Cú sút khiến cầu thủ đối phương để bóng chạm tay trong vòng cấm, pha kiến tạo tuyệt vời để Văn Tùng bật lên đánh đầu găm bóng vào lưới đối thủ. Trận này, ở bên phía phải đối diện, Văn Cường cũng có cơ hội nhưng tiếc rằng cú sút của hậu vệ Sông Lam Nghệ An đi chệch cột dọc trong gang tấc.

Sự kiên định của ông thầy người Pháp từng bước mang lại niềm tin cho chính từng trụ cột, cho cả đội bóng, nhất là khi phải đối đầu với đối thủ mạnh. Văn Tùng sau 3 trận đấu đã ghi được 4 bàn thắng, trong đó có cú đúp hạ gục U22 Malaysia, là phần thưởng xứng đáng cho niềm tin của ban huấn luyện khi trước đó các học trò luôn im tiếng trước các đối thủ lớn nhỏ.

U22 Việt Nam lớn lên, vững vàng hơn trong từng trận đấu, không chỉ giành kết quả thắng liên tiếp 3 trận ở vòng bảng để có vé sớm vào bán kết, mà quan trọng là tạo dựng được niềm tin dù vận hành lối chơi mới với ông thầy mới không sao tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu.

Điều đáng nói về ông thầy mới trong trận thắng U22 Malaysia, bên cạnh sự kiên định vừa chứng minh ở trên là sự linh hoạt cần thiết của từng trận đấu, từng bối cảnh đặt ra. Trận đấu quan trọng thứ 3, trời mưa sân trơn khiến đội bóng không thể chơi kiểm soát bóng như thường lệ, càng không thể áp đặt thế trận khi đối thủ không còn đường lùi sau trận thua U22 Thái Lan trước đó đã dồn lên tấn công dồn dập. Nhưng U22 Việt Nam ngay từ pha phối hợp đầu tiên của trận đấu đã chơi bóng dài khác với thường lệ. Hai bàn thắng ghi được chóng vánh ở hiệp 1 cũng xuất phát từ các pha bóng dài, trong đó sự xuất sắc của Minh Trọng bên cánh phải là một dấu ấn bất ngờ, thú vị, pha chuyền dài của Tuấn Tài nhắc lại điểm mạnh vốn có của cầu thủ gốc Nghệ này vốn thể hiện nhiều lần trước đó. Cũng cần nói tới việc ông thầy sử dụng Đức Phú khi ở vị trí tiền vệ trung tâm, khi ở hậu vệ biên phải. Văn Cường chủ yếu chơi cánh phải quen thuộc nhưng khi cần lại sang trám vào cánh trái như cuối trận gặp U22 Malaysia cho thấy sự linh hoạt của ông thầy và sự đa năng của các trụ cột khi đội bóng có yêu cầu cụ thể.

Tất nhiên, U22 Việt Nam trong suốt hiệp 1 đã chơi pressing toàn diện khiến đối thủ lúng túng và phá sản lối chơi, hiệp 2 đã chủ động nhường sân để chơi phòng ngự - phản công y hệt thời ông Park Hang-seo và cũng mang lại thành công như mong đợi. Rất hay ở chỗ chính Văn Tùng mới là người thường xuyên tạo được áp lực lên hàng thủ đối phương với những màn thể hiện chói sáng vừa qua. Khi ông thầy thay thế hơi sớm mũi nhọn này đầu hiệp 2 trận gặp U22 Malaysia, rõ ràng người thay thế Văn Khang đầy tiềm năng nhưng không thể đạt được ý muốn mà ông thầy gửi gắm. Cũng không rõ vì sao Văn Trường, Xuân Tiến tiếp tục được “ém kỹ” đến thế trong trận đấu quan trọng này?

Khi U22 chắc chắn có vé vào bán kết, khi trận đấu cuối vòng bảng chỉ cách trận bán kết 2 ngày nghỉ, đương nhiên U22 Việt Nam phải toan tính, dưỡng sức cho các trụ cột. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhân tố dự bị lâu nay sẽ có cơ hội trong trận đấu gặp đối thủ mạnh nhất bảng U22 Thái Lan.

Về lý thuyết có vẻ như U22 Việt Nam chấp nhận thua sút đối thủ và không quan tâm ngôi nhất bảng? Nhưng biết đâu với tinh thần thoải mái, chưa phải mất nhiều sức lực trong các trận vừa qua, đội hình 2 U22 Việt Nam lại khiến “đội bóng vô đối” choáng váng, đánh mất mình như U22 Malaysia mới đây?

Rõ ràng, việc giành thắng lợi trước U22 Malaysia đã trút được gánh nặng tâm lý, chứng minh niềm tin, sức mạnh của thầy trò U22 Việt Nam sau quãng thời gian làm mới, thử nghiệm, sau những bước đi đầy kiên định và vô cùng linh hoạt của ông thầy người Pháp.

Hai đối thủ lớn nhất phía trước của U22 Việt Nam là U22 Thái Lan và U22 Indonesia chắc hẳn cũng giật mình trước vị “Phù thủy trắng” cùng Văn Tùng và đồng đội. Nên nhớ, U22 Thái Lan hùng hổ là thế mà cũng phải mất hơn 70 phút mới hạ gục được “những chú hổ” Mã Lai. Trong khi đó, U22 Việt Nam chỉ mất chưa đầy 10 phút đã “vào hang bắt được hổ” và sau 35 phút đã khiến đối thủ 2 lần vào lưới nhặt bóng! Chính U22 Việt Nam đang lần lượt chứng minh đâu mới là “hổ” thực sự đấy thôi?

Mới nhất
x
Ông Troussier kiên định và linh hoạt như thế nào ở SEA Games 32?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO