Ông "trùm" đường dây đánh bạc ngàn tỉ Nguyễn Văn Dương là ai?
Nguyễn Văn Dương được xác định là người cầm đầu đường dây đánh bạc ngàn tỉ, cấu kết với Phan Sào Nam và "hợp đồng" chia cả 20% lợi nhuận với tướng Nguyễn Thanh Hóa để "bảo kê".
Cơ quan công an tiến hành khám xét nhà ông Hóa tối 11/3. Ảnh nhỏ: ông Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: G.Long |
Theo Công an tỉnh Phú Thọ, tính đến ngày 12/3, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh đã khởi tố 74 bị can, trong đó tạm giam hơn 30 bị can để điều tra vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.
Trong số những bị can, có ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao - bị khởi tố về tội "tổ chức đánh bạc".
Với kết quả điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định đường dây đánh bạc quy mô lớn này đã hoạt động từ năm 2014, do Nguyễn Văn Dương (khi đó là chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu.
Lộ đường dây đánh bạc "khủng" từ vụ lừa đảo
Tháng 5/2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo của bà Võ Minh P. (trú P.Nông Trang, TP Việt Trì, Phú Thọ) về việc bị một đối tượng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo bà. Bà P. đã bị đối tượng này lừa gửi hơn 100 thẻ điện thoại với số tiền hơn 50 triệu đồng.
Ngay lập tức, Công an Phú Thọ lập ban chuyên án để điều tra.
Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra (CQĐT) xác định đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà P. là Lê Văn Huy (21 tuổi, trú tại Quảng Trị).
Một nguồn tin cho biết Huy đã hack và xâm nhập được vào tài khoản mạng xã hội của một người cháu bà P. đang sinh sống ở nước ngoài. Huy "chat" và nhờ bà P. mua thẻ điện thoại rồi gửi số thẻ cho mình.
Sau nhiều lần gửi cho Huy, bà P. sinh nghi nên liên lạc với người cháu để hỏi cụ thể. Lúc này bà P. mới biết mình bị lừa nên trình báo công an.
Khoảng tháng 7/2017, Công an Phú Thọ bắt Lê Văn Huy để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình đấu tranh Huy khai sử dụng số thẻ lừa đảo được đổi ra tiền ảo để đánh bài trực tuyến qua cổng game bài Rikvip.
Tiếp tục điều tra mở rộng, CQĐT lần ra dấu vết của đường dây đánh bạc xuyên quốc gia này do Nguyễn Văn Dương cầm đầu.
Nguyễn Văn Dương là ai?
Ông Nguyễn Văn Dương (43 tuổi) là chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) được thành lập vào tháng 9-2011 với số vốn ban đầu là 20 tỉ đồng.
Tháng 4/2017, công ty này được trao giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với 3 nhóm dịch vụ gồm: dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ ví điện tử; dịch vụ thu hộ, chi hộ trong thời hạn 10 năm
Trước đó, ông Dương từng làm chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC, công ty này từng là một thành viên trong liên danh nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn.
Thời điểm thực hiện dự án, UDIC là doanh nghiệp bỏ vốn chủ sở hữu nhiều nhất với tỉ lệ 38% (491 tỉ đồng).
Tuy nhiên do không đủ năng lực tài chính nên tháng 3/2017, Bộ GTVT đã ra văn bản thông báo về việc chấm dứt hợp đồng dự án của liên danh này. Sau đó, Bộ GTVT chấp thuận phương án tái cơ cấu của Công ty cổ phần đầu tư UDIC với sự tham gia của nhóm nhà đầu tư khác.
Một lãnh đạo Vụ đối tác công - tư, Bộ GTVT cho biết trong năm 2017, Công ty cổ phần đầu tư UDIC đã rút khỏi dự án đường cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn.
Chia 20% lợi nhuận cho tướng công an để "bảo kê"
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đường dây đánh bạc do Dương cầm đầu bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Chỉ một thời gian ngắn, đường dây này đã "vươn vòi" ra tận 13 tỉnh, thành trên cả nước với 25 đại lý. Máy chủ điều hành được đặt tại Hà Nội.
Ngoài ra còn có một máy chủ đặt tại nước ngoài để những "con bạc" không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng có thể tham gia "sát phạt". Số lượng người tham gia đánh bạc tăng chóng mặt lên đến hàng chục triệu tài khoản đăng ký.
Vì sao một đường dây đánh bạc với quy mô rất lớn tại sao ngang nhiên tồn tại suốt thời gian dài mà không bị triệt phá? Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an Phú Thọ đã phát hiện dấu hiệu có cán bộ trong ngành tham gia "bảo kê" cho đường dây đánh bạc.
Từ tài liệu trinh sát, CQĐT xác định ông Nguyễn Thanh Hóa mặc dù có vai trò là cục trưởng C50 nhưng không ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp mà còn có hành vi tiếp tay "bảo kê".
Theo đó, ông Hóa đã ký với Nguyễn Văn Dương một hợp đồng liên quan đến việc công ty của Dương được hoạt động.
Theo thỏa thuận, ông Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) sẽ được ăn chia 60% lợi nhuận từ đường dây đánh bạc, còn Dương hưởng 40% lợi nhuận.
Trong hợp đồng ông Hóa ký với Dương, vị nguyên cục trưởng này sẽ được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng.
Ngay khi bị bắt, Dương khai nhận đã được hưởng lợi khoảng 800 tỉ đồng. Tuy nhiên bị can Dương cũng khai chưa "chia" lợi nhuận cho ông Hóa. Còn ông Phan Sào Nam thì khai cho ông Hóa vay một số tiền và hiện chưa đòi.
Hiện CQĐT vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ những vấn đề này.
Bị can Phan Sào Nam |
Rửa tiền!
Trong số 74 người bị khởi tố, CQĐT xác định có một nhóm bị can có hành vi mua bán hóa đơn trái phép.
Hai bị can có vai trò chính trong nhóm tội này là bà Lê Thị Lan Thanh và Lưu Thị Hồng. Cả hai đều là lãnh đạo của một công ty tại Hà Nội.
Bà Hồng có hành vi giúp sức, còn bà Thanh có vai trò chỉ đạo trong việc mua bán hóa đơn trái phép để hợp thức dòng tiền hàng nghìn tỉ từ nguồn đánh bạc ra. Cả hai đã bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài ra có một nhóm bị can bị khởi tố về tội "rửa tiền". Hai bị can có vai trò chính là Phan Thu Hương và Đỗ Bích Thủy. Cả hai đều là người thân của ông Phan Sào Nam.
CQĐT xác định hai bị can này có hành vi "rửa tiền" từ nguồn tiền trong đường dây đánh bạc. Cụ thể sau khi được chia lợi nhuận, ông Nam đã gửi tiền vào nhiều tài khoản. Bà Hương và bà Thủy có hành vi rút một phần số tiền này ra để mua nhiều tài sản, trong đó có bất động sản.
Ban đầu CQĐT đã làm rõ bị can Hương đã dùng khoảng 150 tỉ, bị can Thủy sử dụng khoảng 130 tỉ để mua các tài sản khác.