Ông Trump có 'bó tay' trước Triều Tiên?

06/07/2017 10:15

Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1 tuyên bố "sẽ không có chuyện" Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới Mỹ.

Khi đó, có hai điều ông không đánh giá hết: Bình Nhưỡng đã tiến gần thế nào đến mục tiêu đó, và giới hạn các lựa chọn để ngăn cản tham vọng này ra sao.

Mỹ, Triều Tiên, tên lửa Triều Tiên, Donald Trump, Kim Jong Un, tình hình Triều Tiên mới nhất
Ảnh: Daily Express

Ngày 4/7, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mỹ đã xác nhận điều này, chứng tỏ chính quyền ông Kim Jong Un đã tiến thêm một bước nữa trong chương trình phát triển vũ khí.

Giới chuyên gia đánh giá Bình Nhưỡng đã vượt ngưỡng bằng một tên lửa có khả năng tấn công tiềm tàng tới tận Alaska.

Việc chính quyền ông Kim Jong Un liên tiếp thử tên lửa cho thấy mục tiêu chế tạo được một vũ khí mang đầu đạn hạt nhân bắn tới Mỹ không phải là chuyện xa vời. Nhưng với Tổng thống Trump và đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ thì dấu mốc kỹ thuật ngày 4/7 báo trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược trong tương lai.

Nếu Triều Tiên đạt tới khả năng tấn công tới Mỹ, thì như cựu Bộ trưởng Quốc phòng William J. Perry nhận định mới đây, mọi tính toán sẽ thay đổi. Lo lắng không còn dừng ở chuyện Triều Tiên sẽ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu vào Bờ Tây, mà là cấp độ "chí tử" sẽ thế nào.

Và nếu ông Kim có khả năng trả đũa tiềm tàng thì viễn cảnh này sẽ định hình mọi quyết định của Tổng thống Trump cùng các thế hệ lãnh đạo Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh của Washington trong khu vực.

Các tên lửa tầm trung của Triều Tiên từ lâu đã đủ sức bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Giới chức tình báo Mỹ tin rằng chúng còn có khả năng mang đầu nổ hạt nhân. Và vụ thử mới nhất chứng tỏ Mỹ có nguy cơ nằm trong "tầm ngắm".

Ngày 4/7, Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson kêu gọi "hành động toàn cầu" và thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "thực hiện các biện pháp mạnh hơn" đối với Bình Nhưỡng. Ông tuyên bố Mỹ sẽ xem xét những nước cung cấp sự hỗ trợ về kinh tế hoặc quân sự cho Triều Tiên.

Theo NY Times, Tổng thống Trump vẫn còn thời gian để hành động. Bởi, những gì Triều Tiên đạt được hôm 4/7 khi người Mỹ mừng ngày Quốc khánh đúng là một bước đột phá nhưng chưa thể hiện được tầm vóc hạt nhân của nước này.

Có lẽ vì vậy mà Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra "ranh giới đỏ" ngăn bước Bình Nhưỡng. Ông thậm chí không nhắc lại chính sách mà Tổng thống George W. Bush đề ra tháng 10/2006 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên: Buộc Triều Tiên chịu trách nhiệm toàn bộ nếu chia sẻ công nghệ hạt nhân với bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào.

Vậy Tổng thống Mỹ hiện đang có trong tay những lựa chọn nào?

Chính sách ngăn chặn xưa nay là: Hạn chế khả năng mở rộng ảnh hưởng của kẻ thù, như Mỹ từng làm với Liên Xô. Nhưng cách này không giải quyết được vấn đề mà đơn thuần là "sống chung với lũ".

Ông Trump có thể sẽ tăng cường cấm vận, tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, và tăng tốc chương trình không gian mạng để vô hiệu hóa các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nhưng nếu kết hợp đe dọa và kỹ thuật mà thành công thì Triều Tiên đã không thể thực hiện vụ thử ngày 4/7, vì biết rõ nó sẽ dẫn tới cấm vận gắt gao hơn, sức ép quân sự lớn hơn và hoạt động ngầm mạnh hơn.

Đến nay, tham vọng của Tổng thống Trump trong việc thuyết phục Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên đã biến thành nỗi thất vọng. Mới đây, ông thậm chí nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ tự xử lý bài toán này.

Theo NY Times, ông chủ Nhà Trắng còn có thể theo đuổi một biện pháp khác: tấn công quân sự phủ đầu nếu Mỹ phát hiện Triều Tiên sắp phóng tên lửa đạn đạo – có thể là loại tiềm tàng tầm bắn tới Bờ Tây.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đây không phải là một ý tưởng hay. Lý do rất đơn giản, sau 11 năm phát triển, Triều Tiên đã chế tạo được rất nhiều tên lửa, thuộc nhiều loại, để giành lợi thế. Thời gian qua, nước này đã bắn thử một thế hệ mới tên lửa dùng nhiên liệu rắn, dễ giấu trong hang động và nhanh chóng vào vị trí tấn công.

Triều Tiên còn một loại vũ khí khác: Hỏa pháo triển khai dọc biên giới Vùng phi quân sự sẵn sàng bắn phá thủ đô Seoul, thành phố có khoảng 10 triệu dân và là mọt trong những trung tâm kinh tế sầm uất nhất châu Á.

Rõ ràng, có một rủi ro lớn mà Triều Tiên dám chắc Tổng thống Mỹ không thể mạo hiểm. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận trên chương trình "Face the Nation" của đài CBS rằng, "xung đột ở Triều Tiên có thể sẽ là kiểu chiến tranh tồi tệ nhất trong đời người".

Một lựa chọn khác nữa mà tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề cập ở Washington cuối tuần trước: Đàm phán. Cách này sẽ bắt đầu bằng việc đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để đối lấy việc Mỹ nhất trí hạn chế hoặc dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Từ lâu, Chủ tịch Trung Quốc đã hối thúc cách tiếp cận này và đặc biệt vào ngày 4/7, ông nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc gặp ở Moscow.

Tuy nhiên, đàm phán cũng chứa đựng rủi ro. Nó giúp Triều Tiên và Trung Quốc đạt được mục đích hạn chế sự tự do hành động của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, và theo thời gian sẽ làm xói mòn khả năng ngăn chặn quân sự của liên minh Mỹ - Hàn.

Nhưng đến nay, nhà lãnh đạo Kim Jong Un không tỏ vẻ quan tâm đến việc từ bỏ sức mạnh hạt nhân. Bởi, Bình Nhưỡng tin rằng chương trình vũ khí nguyên tử là chìa khóa để Mỹ không thể gây hại cho Triều Tiên.

Theo Vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Ông Trump có 'bó tay' trước Triều Tiên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO