Ông Trump ký sắc lệnh mới về biến đổi khí hậu
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh mới về biến đổi khí hậu, hướng đến việc hạn chế các quy định về phát thải của Mỹ và hiệp định khí hậu toàn cầu.
Vây quanh bởi các thợ mỏ than, tổng thống Donald Trump (giữa) ký sắc lệnh Độc lập Năng lượng tại trụ sở Cơ quan Bảo vệ Năng lượng ở Washington DC. Ảnh: AFP |
Ông Trump ngày 28/3 đã ký sắc lệnh xem xét lại một số di sản về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm Barack Obama, tuyên bố sẽ chấm dứt "những nguyên tắc giết chết công ăn việc làm" này.
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), như AFP đưa tin, tổng thống Trump đã ra lệnh xem lại các giới hạn phát thải của các nhà máy điện than đốt và bỏ bớt những hạn chế liên bang về sản xuất than.
Ông Trump tuyên bố các biện pháp mới dự báo trước "một kỷ nguyên mới cho ngành năng lượng và sản xuất than cũng như tạo ra nhiều việc làm". Các thợ mỏ than đã có mặt khi ông Trump ký sắc lệnh này.
Quan điểm của ông Trump về khí hậu cũng tương đồng với nhiều thành viên đảng Cộng hòa. Theo Gallup, khoảng 68% người Mỹ tin rằng biến đổi khí hậu là do con người gây ra. Tuy nhiên chỉ khoảng 40% thành viên đảng Cộng hòa nói rằng họ lo lắng về điều này.
Ngành công nghiệp than của Mỹ từ lâu đã suy yếu cùng với khí đốt tự nhiên, năng lượng tái tạo giá rẻ, địa chất phức tạp làm cho ngành nhiên liệu này ngày càng ít sinh lợi hơn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, năm 2008 có 88.000 thợ mỏ than ở nước này. Tuy nhiên, ngày nay số lượng thợ mỏ than đã giảm khoảng 25%.
Trước động thái trên của ông Trump, một số chuyên gia và các nhóm môi trường cảnh báo rằng sắc lệnh này có thể mở đầu cho một nỗ lực nhằm phá hoại các mục tiêu đã được sự đồng thuận của quốc tế theo Hiệp định Khí hậu Paris.
Giảm phát thải từ các nhà máy điện than đốt là một trong những cam kết chính để cắt giảm lượng khí thải carbon của Mỹ xuống 26% - 28% vào năm 2025. "Nó sẽ khiến Mỹ hầu như không thể đạt được mục tiêu đã đề ra" - chuyên gia về khí hậu Bob Ward của Trường Kinh tế London chia sẻ.
Ngoài ra một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng lợi ích kinh tế của việc từ bỏ kế hoạch Năng lượng sạch của ông Obama sẽ bị hạn chế. "Theo tôi sắc lệnh cũng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều. Việc cắt quỹ EPA và bãi bỏ các quy định của nó sẽ không làm cho ngành công nghiệp than quay trở lại" - giáo sư James Van Nostrand của ĐH West Virginia nhận định.
Hiện chính quyền ông Trump vẫn chưa nói liệu họ có rút khỏi Hiệp định Paris hay không. "Việc chúng tôi ở lại hay không vẫn đang được thảo luận" - một quan chức cấp cao của chính quyền nói với hãng AFP.
Theo Tuổi trẻ
TIN LIÊN QUAN |
---|