Ông Trump ra quyết định bất lợi cho Elon Musk
Chính sách hỗ trợ tới 7.500 USD tín dụng thuế khi người Mỹ mua xe điện sẽ chấm dứt từ 30/9, theo đạo luật mới được Quốc hội nước này thông qua.
Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua Luật chi tiêu công và giảm thuế (OBBBA), được mệnh danh là 'dự luật to đẹp' do Tổng thống Donald Trump đề xuất.
Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất của đạo luật này là việc chấm dứt hoàn toàn các chính sách ưu đãi xe điện từ thời Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden, tạo ra những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp ôtô Mỹ.

Theo chính sách hiện hành, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện có thể được hưởng khoản tín dụng thuế lên đến 7.500 USD cho xe mới và 4.000 USD đối với xe cũ. Đây là một trong những động lực chính thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện trong những năm gần đây.
Chính sách tín dụng thuế xe điện trị giá 7.500 USD đã có lịch sử phát triển dài từ năm 2008. Ban đầu, chương trình được thiết kế với giới hạn ở mức 200.000 xe cho mỗi nhà sản xuất, nhằm khuyến khích các hãng xe đầu tư vào công nghệ xe điện mà không tạo ra gánh nặng ngân sách quá lớn.
Tuy nhiên, theo quy định mới được thông qua, chương trình ưu đãi xe điện này sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 30/9 tới. Khoản tín dụng 4.000 USD dành cho xe điện cũ, một chính sách từng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số xe xanh trong những năm qua, cũng sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.

Trước đó, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát cũng đã thông qua một đề xuất gây tranh cãi về việc áp phí thường niên 250 USD đối với chủ sở hữu xe điện nhằm bù đắp chi phí bảo trì hạ tầng giao thông. Lý do đưa ra là xe điện không sử dụng xăng nên không đóng góp vào thuế xăng dầu được dùng để bảo trì đường bộ.
Tuy nhiên, khoản phí này đã bị loại bỏ trong bản luật chính thức được Quốc hội thông qua, có thể do áp lực từ các nhóm vận động và lo ngại về phản ứng của cử tri sử dụng xe điện.
Tác động đến ngành công nghiệp xe điện
Việc hủy bỏ chính sách ưu đãi được dự báo sẽ có tác động sâu rộng đến toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện tại Mỹ. Các nhà sản xuất xe điện như Tesla, GM, Ford và nhiều hãng khác có thể sẽ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và giá bán để duy trì sức cạnh tranh.

Đồng thời, các nhà cung cấp pin, linh kiện và dịch vụ sạc xe điện cũng có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nhu cầu thị trường giảm. Điều này có thể làm chậm quá trình phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện trên toàn quốc.
Liên minh Điện khí hóa, một nhóm vận động ủng hộ xe điện, đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc bãi bỏ ưu đãi này. Tổ chức cho rằng động thái của chính quyền Trump sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của ngành EV Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ trên thị trường xe điện toàn cầu.
Khi xe điện ngày càng chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường ôtô toàn cầu, tương lai ngành giao thông rõ ràng thuộc về điện hóa. Dự luật này đồng nghĩa với việc Mỹ nhường lại vai trò dẫn dắt cho Trung Quốc, nhóm này cảnh báo trong một tuyên bố công khai.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard được công bố vào tháng 3 đã đưa ra dự báo đáng lo ngại về tác động của việc hủy bỏ chính sách này. Theo nghiên cứu, nếu khoản tín dụng thuế xe điện bị gỡ bỏ, tỷ lệ thâm nhập xe điện tại Mỹ đến năm 2030 có thể giảm 6%.
Tuy nhiên, động thái này cũng mang lại lợi ích về mặt tài chính cho chính phủ liên bang, giúp tiết kiệm khoảng 169 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Theo ông Dan Levy, chuyên gia phân tích thị trường ôtô tại Barclays, việc kết thúc tín dụng thuế xe điện trong vòng chưa đầy 3 tháng có thể dẫn đến một hiện tượng thú vị trong thị trường. Ông dự báo sẽ xuất hiện làn sóng mua trước hạn từ người tiêu dùng nhằm tận dụng chính sách thuế trước khi nó hết hiệu lực.
Việc nới cả cây gậy lẫn củ cà rốt sẽ khiến tốc độ chuyển dịch sang xe điện ở Mỹ chậm lại, ông Levy nhận định. Sau giai đoạn mua sắm tăng đột biến, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự sụt giảm doanh số đáng kể trong thời gian tiếp theo.
Lợi ích cho các nhà sản xuất xe xăng
Ngoài việc xóa bỏ ưu đãi xe điện, đạo luật mới còn mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà sản xuất ôtô truyền thống khi bãi bỏ hình phạt đối với các hãng không đạt chuẩn tiết kiệm nhiên liệu theo quy định CAFE (Corporate Average Fuel Economy).

Thay đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hãng sản xuất thêm nhiều xe chạy xăng mà không phải lo lắng về các khoản phạt.
Trong những năm qua, nhiều hãng xe lớn đã phải trả tiền phạt lớn do không đáp ứng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu. Năm ngoái, công ty mẹ của Chrysler - tập đoàn Stellantis - đã phải nộp phạt 190,7 triệu USD vì không đáp ứng các tiêu chuẩn trong giai đoạn 2019-2020.
Tập đoàn Stellantis cũng từng bị phạt gần 400 triệu USD trong giai đoạn 2016-2019 với lý do tương tự. General Motors (GM) cũng không thoát khỏi các khoản phạt, đã phải thanh toán 128,2 triệu USD tiền phạt cho các năm 2016-2017 do không đạt được các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu quy định.
Việc bãi bỏ các hình phạt này được coi là một món quà lớn cho ngành công nghiệp ôtô truyền thống, cho phép họ tập trung vào sản xuất các loại xe có lợi nhuận cao hơn mà không phải lo lắng về các ràng buộc về tiêu thụ nhiên liệu.