Ốp chợ Saliut - mồ hôi và nước mắt một thời của người Việt ở Nga

Võ Hoài Nam 08/01/2018 21:22

Những ai đã ở Moscow vào những năm 1990 hẳn không thể quên các ốp Saliut, nơi hàng chục nghìn người Việt đã lăn lộn mưu sinh để kiếm từng đồng rúp quý báu.

Ốp Saliut 2, nguyên là ký túc xá của trường đại học Giao thông Đường sắt Moscow, được người Việt thuê lại làm nơi sinh sống, làm ăn.

"Ốp" là cách những người Việt sang Nga theo chính sách hợp tác lao động từ những năm 1980 về trước gọi tắt từ "obseriche", khu ký túc xá dành cho công nhân, sinh viên… của các cơ quan, nhà máy bỏ không. Họ thuê lại những nơi này không chỉ để ăn ở, sinh hoạt mà còn bán buôn, tập kết hàng hóa từ bến cảng và các nguồn khác đổ về. Các ốp Saliut 1, 2, 3, 4, 5 thuộc trung tâm thương mại Bến Thành ở Moscow là nơi đã chứng kiến bao thăng trầm, buồn vui của một thế hệ người Việt.

Ốp Saliut 1 hình thành vào khoảng năm 1992. Ốp Saliut 2 vốn là ký túc xá dành riêng cho sinh viên các nước thuộc trường đại học Giao thông Đường sắt, được người Việt thuê lại vào cuối năm 1993, đầu 1994 nhằm mở rộng địa bàn vì ốp 1 quá chật chội. Khi ốp 2 trở nên quá tải do lượng người ngày một đông thì ốp 3 và 4 ra đời, cách đó chỉ một km. Ốp Saliut 5 được thành lập cuối cùng.

Hàng hóa mà người Việt bán cho người dân Nga tại 5 ốp này chủ yếu là quần áo nhập các ốp khác như đôm 5 mới, ốp Zil mới, ốp Búa Liềm, Nago, chợ sân vận động Luznhichsky... Ngoài ra, có một vài chủ hàng đánh hàng bằng container từ Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ về bán.

Người Việt ở Nga có câu nói vui: "Ở đâu có 3 người Việt Nam với cái mẹt hàng trên tay thì ở đó thành chợ rồi!". Thời kỳ này, Liên Xô đang ở dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng hóa được bao cấp bằng chế độ tem phiếu. Trong khi đó, người Việt lại buôn bán đủ loại hàng từ chai rượu, tới thỏi son, mành tre trúc tới quần bò, áo gió, áo phông, giày thể thao, áo khoác Nato, đồng hồ điện tử, vàng, đôla Mỹ… thượng vàng hạ cám không thiếu thứ gì.

Họ bán buôn tại các phòng ở khoảng 16, 20 m2. Dân Nga đến mua hàng về dùng và cả bán buôn lại ở khu chợ nhỏ của họ. Những dòng người, rồi hàng hóa cứ ùn ùn, xe ôtô đủ loại, xe Tiar đồ sộ, dài ngoẵng chở các container hàng hóa đi vào thành phố. Dân từ các nơi xa đổ về lấy hàng sỉ nườm nượp.

Ôp Saliut vào những năm 1990.

Khi nước Nga hậu Liên Xô bước vào thời kỳ cải tổ những năm 1990, cuộc sống của ngay chính người dân bản địa vô cùng khó khăn. Hàng hóa thiếu thốn, tỷ lệ thất nghiệp cao, ngân hàng vỡ nợ, nhà máy phá sản, nhiều gia đình phải bán đồ trong nhà để cầm cự qua ngày. Nạn mại dâm, cướp bóc, thậm chí giết người trở nên khó kiểm soát, các băng đảng mafia mọc lên như nấm sau mưa. Chính trị bất ổn, kinh tế sa sút, tham nhũng hối lộ trầm trọng khiến xã hội Nga phân chia sâu sắc. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh với người Chechnya làm hao tổn của Nga không ít sức người, sức của.

Trong hoàn cảnh đó, người Việt Nam tự lập bằng chính đôi bàn tay và trí óc của mình, trở thành nguồn cung cấp hàng hóa lớn và trực tiếp cho người tiêu dùng Nga. Ngoài số ít sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại các trường đại học, phần lớn người Việt là những người sang Nga theo chính sách hợp tác lao động giữa hai nước và ở lại không về. Một số người thậm chí đã về nhà nhưng gặp khó khăn nên lại bươn bả quay trở lại Nga.

Thuở đó, chỉ có người Việt Nam bán buôn, còn người Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Arab, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi... chưa tham gia. Do đó, nhiều người Việt bán buôn bắt đầu giàu có lên nhanh chóng. Không ít người tích lũy được tiền mua đất đai, bất động sản ở Việt Nam và tại Nga, gửi nhà băng, sắm xe cộ, nhà cửa, đồ đạc quý giá. Họ đưa con cái sang du học, sinh sống định cư tại Nga. Luợng người Việt sang Nga làm ăn tăng chóng mặt.

Ốp Saliut 1 và 2 hoạt động hiệu quả, người Việt đổ về sinh sống tại hai nơi này đông đúc, tới vài nghìn cư dân. Hầu hết các phòng dùng gác xép để ngủ, phía dưới làm nơi bán hàng. Giá mua lại phòng để bán hàng có khi tới cả trăm nghìn đôla Mỹ, cũng là do người Việt tự mua và bán cho nhau.

Những người bán áo da giàu nhất trong dân bán hàng. Cả tầng 3 của ốp Saliut 2 là của những người bán hàng da. Tiền mua phòng, tiền vốn nhập hàng, tiền thuê phòng trả cho ban quản trị, tiền sinh hoạt của gia đình, con cái… đều trông vào những mặt hàng bán buôn.

Cộng đồng người Việt kiếm sống ở đây cũng rất đa dạng, từ dân lao động, du lịch, đến sinh viên, nghiên cứu sinh, công chức, quan chức, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ, ca sĩ, bác sĩ, dược sĩ. Họ làm đủ nghề, từ tham gia ban quản trị ốp, mở nhà hàng đến đánh hàng, mở công ty, đến bốc vác, dọn vệ sinh cũng không nề hà, nhưng bán hàng vẫn là chủ yếu.

Quầy hàng tươi sống trong ốp.

Không bán buôn vải vóc, áo quần, giày dép, mũ mão, túi xách hay hàng tạp hóa, họ còn mở các quán ăn. Có một dạo cả tầng 5 gồm mấy chục phòng của ốp Saliut 2 là mấy chục nhà hàng ăn uống. Nhà nào cũng treo biển đủ các màu sắc hoặc đơn giản là chữ đen nền trắng nghuệch ngoạc lấp lửng trước cửa phòng: Cơm, phở, bún, chả, giò, tiết canh, lòng lợn, trứng vịt lộn... Ngoài các đầu bếp bất đắc dĩ, cũng có rất nhiều nhà hàng chuyên nghiệp, thuê đầu bếp ở Việt Nam sang. Cả ốp sực nức mùi dầu mỡ, kho, rán, nướng, mắm tôm, cơm tám đặc trưng kiểu Việt.

Đặc biệt, hàng tươi sống như thịt thà, cá mú, rau quả, bánh trái, hương hoa, miến măng, mộc nhĩ… được đưa từ Việt Nam sang làm cho cuộc sống của bà con dù xa quê mà vẫn cảm thấy như rất gần. Các dịch vụ khác như chăm sóc y tế, cắt tóc, may vá, chụp ảnh, làm giấy tờ, bán sách báo, băng đĩa ca nhạc, video, karaoke…cũng nhộn nhịp. Nếu ốp Saliut 1 phong phú một thì ở ốp Saliut 2 phong phú mười, vì số phòng ốc nhiều gấp 4 lần và dĩ nhiên số lượng người cũng gấp 4.

Các ốp thường hoạt động đến nửa đêm mới tĩnh lặng nhưng 4, 5 giờ sáng đã rục rịch vì phải mở cửa sớm để phục vụ dân từ các thành phố xa lên hoặc ngay trong Moscow và ngoại ô đến lấy hàng. Một khu chung cư vốn là nơi ăn ở sinh hoạt của các gia đình bỗng chốc trở thành một khu chợ náo nhiệt.

Tuy nhiên, mỗi khi có tiếng loa từ ban quản trị báo động có cảnh sát hay OMON (đặc nhiệm), ban liên ngành hoặc đội kiểm dịch, phòng cháy chữa cháy, cơ quan nhập cư, hộ khẩu, thuế vụ tới kiểm tra là lập tức cả khu ốp như vỡ chợ! Tiếng đóng cửa phòng bán hàng rào rào, sào khua hàng loạn xạ, tay quơ hàng nháo nhào, chân chạy rầm rầm, hơi thở gấp gáp, mắt nhìn dáo dác, tiếng người to nhỏ, lạc giọng, mất bình tĩnh, huyên náo cả ốp. Người thủ thế nín thở trong phòng, kẻ hoảng hốt tháo chạy ra đường vì sợ bị kiểm tra giấy tờ tùy thân, hàng hóa, thuế má. Có nhiều đợt lực lượng kiểm tra làm mạnh tay nên các chủ hàng thiệt hại lớn.

Không chỉ chú trọng kinh doanh, lo tổ chức nơi ăn chốn ở cho bà con, ban quản trị của trung tâm thương mại Bến Thành cũng rất quan tâm tới đời sống sinh hoạt của người Việt trong các ốp. Bà con được thưởng thức những đêm biểu diễn ca nhạc miễn phí ngay tại ốp với dàn nghệ sĩ nổi tiếng mời từ hải ngoại hay các đoàn văn hóa văn nghệ trong nước sang. Trung tâm thương mại Bến Thành cũng lập được một đội văn nghệ riêng với nhiều ca sĩ "cây nhà lá vườn" nhằm phục vụ bà con trong các ốp mỗi dịp xuân về Tết đến hay lễ lạt. Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nga thì tổ chức những đêm thơ.

Ngoài ra còn có các hội bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền được thành lập và thi thố với các ốp khác hay các cơ quan, trường đại học khác có người Việt Nam. Có những lần tổ chức cho đội nhà về Việt Nam thi đấu hay sang các nước Đông Âu giao hữu với bạn.

Những người góp phần gây dựng nên ốp Saliut 1, 2, 3, 4, 5.

Các ốp chợ Saliut 1, 2, 3, 4, 5 là nơi cung cấp hàng hóa quan trọng bậc nhất từ năm 1992 đến 2007 cho toàn nước Nga. Nhờ các ốp này, hàng chục nghìn người Việt, thậm chí là cả người Nga, có công ăn việc làm ổn định, như khuân vác, bảo vệ, tham gia ban quản trị, luật sư. Mô hình ốp chợ đã được nhân lên không chỉ trong phạm vi liên bang Nga mà còn lan tỏa ra cả châu Âu, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống và làm ăn.

Vào thời kỳ sau năm 2000, chính trị nước Nga đi vào ổn định, kinh tế khởi sắc khi giá dầu thế giới tăng cao, đồng rúp trở nên có giá so với đôla Mỹ. Việc mở cửa thông thương với phương Tây cũng ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế thị trường của Nga, từ đó khiến nhu cầu hàng hóa bắt đầu bão hòa. Siêu thị cao cấp do người Nga và phương Tây đầu tư vào Nga ồ ạt. Thị trường ốp chợ với hàng hóa bình dân, khiêm tốn, đành lui vào hậu trường nhường chỗ cho các siêu thị.

Năm 2007, chính quyền Moscow quyết định xóa sổ một loạt khu ốp ở 19 điểm trên toàn thành phố nên toàn bộ các ốp của người Việt phải đóng cửa. Trong số các cư dân Việt Nam, người trở về quê hương, người đến các thành phố xa làm ăn, người tản ra khu chợ Vòm đang lên. Tuy nhiên, tới năm 2009, khu chợ này cũng đóng cửa vĩnh viễn, nhường chỗ cho khu chợ mới.

Ngày nay, những ai từng sống ở các ốp chợ Saliut 1, 2, 3, 4, 5 vẫn thường nhắc lại những kỷ niệm cũ với bao lưu luyến và thi thoảng dành chút thời gian rảnh rỗi quay lại nơi từng cưu mang, gắn bó với họ, nơi họ đã đổ bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu. Phần nhiều cư dân của các ốp còn ở lại Nga và thế hệ con cái của họ sinh ra, lớn lên tại đây lại tiếp bước cha mẹ học hành, làm việc.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Ốp chợ Saliut - mồ hôi và nước mắt một thời của người Việt ở Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO