Pay Thị Dung - Niềm tự hào của người Thái
Với tổng điểm 3 môn 26 điểm, Pay Thị Dung nằm vào tốp 5 thí sinh có điểm cao nhất của trường ĐH Luật Hà Nội, và là học sinh có điểm thi khối C cao thứ nhì của trường THPT chuyên Phan Bội Châu...
Những năm học cấp 2, Dung là học sinh giỏi Văn của huyện, đạt giải Nhất tỉnh môn Văn. Được thầy cô, gia đình động viên, Pay Thị Dung nộp đơn thi vào lớp chuyên Văn trường THPT Phan Bội Châu. "Lúc thi, em chỉ nghĩ là để thử sức mình. Nhưng không ngờ em lại đậu với số điểm khá cao..." Vậy là cô học trò người Thái tạm biệt bản làng, bà con xuống Vinh trọ học. Với tâm lý lo lắng học lực của mình sẽ yếu hơn các bạn trong lớp, Dung đặt ra cho mình một kế hoạch học tập khoa học. Theo học khối C nhưng Dung lại học giỏi đều tất cả các môn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đạt loại giỏi với tổng điểm 53,5.
Phương pháp học của em với môn Lịch sử-bộ môn khó đạt điểm cao trong các kỳ thi, theo em, nếu chỉ học thuộc các sự kiện theo kiểu "học vẹt" thì sẽ rất khó nhớ, khó hệ thống và đặc biệt tốn nhiều thời gian. Em lập ra cho mình một cách học mới, đó là học theo sơ đồ tư duy. Nghĩa là các sự kiện lịch sử được "mã hoá" bằng các từ khoá, đi từ các chương, mục đến các sự kiện, chi tiết. Mỗi giai đoạn lịch sử em chỉ tóm tắt bằng những gạch đầu dòng trong một trang giấy. Còn với môn Địa lý, em học bằng Alát, hoặc tự vẽ lược đồ rồi điền các thông tin chi tiết vào." Theo Dung, học khối C không có nghĩa là phải học nhiều, không nhất thiết phải là "mọt sách" mới có hiệu quả. Điều đó được chứng minh bằng số điểm của em trong kỳ thi ĐH vừa qua: Văn: 8,5 điểm; Sử: 9.0 điểm và Địa lý: 8,25 điểm.
Không chỉ học giỏi, Pay Thị Dung còn là "cây bút" trẻ, là cộng tác viên của nhiều tờ báo tuổi hoa. Em từng tham gia các trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi; tham gia trại hè sáng tác toàn quốc năm học lớp 9, có nhiều tác phẩm đăng báo Thiếu nhi dân tộc, Báo Thiếu niên tiền phong...Truyện ngắn, tản văn của em viết về những con người miền núi hồn hậu, chất phác, bình dị, về nét văn hoá rất riêng của người Thái, là trăn trở, suy tư của cô bé 17 tuổi trước những vẻ đẹp văn hoá dân tộc đang bị mai một.
Thanh Phúc