Phải "kìm" được lãi suất đầu vào

08/09/2011 10:45

(Baonghean) - Ngày 26/8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì cuộc họp với 12 Ngân hàng thương mại (NHTM) hàng đầu Việt Nam về các giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011.

Đại diện các NHTM tham dự cuộc họp đều bày tỏ quyết tâm trong việc thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp điều hành hoạt động ngân hàng trong các tháng cuối năm 2011. Về lãi suất, các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm; và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17- 19%/năm từ giữa tháng 9/2011.

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực tế của thị trường và ý kiến của các NHTM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến kết luận về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt độngh ngân hàng trong 4 tháng cuối năm: Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ ổn định mức trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ 14%/năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17- 19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường...


Ngân hàng Nông nghiệp huyện Diễn Châu tích cực huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thống đốc ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã tìm hiểu một số chi nhánh NHTM trên địa bàn Nghệ An về vấn đề này. Ông Nguyễn Viết Đồng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, chia sẻ: Hội sở đang triển khai xây dựng lộ trình, từng bước giảm dần, chưa thể giảm sâu một lúc được vì mức huy động đầu vào đang cao. Chênh lệch lãi suất đầu vào- đầu ra thu hẹp lại, có những ngân hàng đang huy động lãi suất cao, nay điều chỉnh lãi suất cho vay xuống 17- 19%/năm sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Để thực hiện nghiêm túc chủ trương này, ngoài sự nỗ lực của các NHTM, thì từ phía các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước cũng phải vào cuộc như cung ứng vốn ra thị trường, khống chế một mức trần lãi suất nhất định để huy động một đầu vào đảm bảo. Đồng thời, kiểm soát được các ngân hàng huy động vượt trần để thống nhất mặt bằng chung huy động, giảm đầu vào, ắt sẽ giảm đầu ra. Đã đến lúc cũng phải thực hiện giảm lãi suất. Thời gian qua lãi suất cao, doanh nghiệp gặp khó khăn, kéo theo ngân hàng cũng khó khăn. Vấn đề then chốt nhất trong giai đoạn này là bằng mọi giá phải "kìm" được lãi suất đầu vào. Đầu vào thấp thì mới có đầu ra thấp. Cũng theo ông Nguyễn Viết Đồng, Ngân hàng Nhà nước nên khoanh vùng những ngân hàng thiếu khả năng thanh khoản để có sự cho vay hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản cho những ngân hàng này, nhằm tránh tình trạng một số ngân hàng thiếu vốn "vượt rào" huy động để thu hút khách buộc các ngân hàng khác cũng phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng, làm rối loạn thị trường.

Tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An, ông Hoàng Việt Hùng - Phó Giám đốc, cho biết: Ngày 29/8/2011, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có Thông báo số 892 quy định tập trung điều hành công tác tín dụng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là giảm lãi suất cho vay vào đầu tháng 9. Theo đó, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về mức 18%/năm, cho vay trung, dài hạn 19%/năm, mức giảm bình quân 2% theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ vào chỉ đạo của HĐQT, Ban lãnh đạo Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan khảo sát và đề xuất giảm lãi suất cho vay. Đồng thời ban hành Quyết định số 0337/QĐ-KHTH điều chỉnh lãi suất cho vay, cụ thể: Lãi suất cho vay ngắn hạn: đối tượng lĩnh vực được ưu tiên gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn 16,5%/năm; trường hợp xuất khẩu khác 18,5%/năm; cho vay thông thường khác 18,5- 19%/năm.

Ông Lê Thanh Phong - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bến Thuỷ, cho biết: Chi nhánh đã hạ lãi suất cho vay 2%, xuống 17- 18% đối với khách hàng xuất nhập khẩu, lương thực, nông nghiệp nông thôn. Tuy vậy, khi nào Ngân hàng Nhà nước có chủ trương thực sự về hạ lãi suất đầu vào cương quyết thì các NHTM mới hạ sâu lãi suất cho vay. Hiện tại, để thực hiện theo tinh thần đã cam kết thực sự khó, bởi còn phụ thuộc vào lạm phát. Từ nay đến cuối năm nếu lạm phát không xuống thì khó hạ lãi suất cho vay theo chủ trương. Về phía ngân hàng, chúng tôi luôn mong muốn hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay. Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc nghiêm túc, quản lý chặt chẽ lãi suất đầu vào để các NHTM tính toán giữa đầu vào và đầu ra, hạ lãi suất cho khách hàng. Trong giai đoạn này lãi suất lên cao, không chỉ khách hàng khó khăn mà ngân hàng cũng gặp khó, các khách hàng truyền thống bấy lâu nay bây giờ không tăng vay, do lãi suất cao, một số vay cầm cự hoạt động, doanh nghiệp nào thật sự cần thiết vốn mới vay. Khách hàng không dám vay và ngân hàng cũng không dám mạnh tay cho tăng trưởng dư nợ vì nguy cơ rủi ro cao. Sau đợt cạnh tranh về huy động vốn giữa các ngân hàng, bây giờ lại đến lúc các ngân hàng cạnh tranh nhau tìm khách hàng tốt để cho vay. Đó là thực tế khó đối với các hệ thống ngân hàng hiện nay!

Ngày 7/9/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN "về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng đô la Mỹ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài", yêu cầu: Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đúng mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ được quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN và Thông tư số 14/2011/TT-NHNN. Tự kiểm tra, phát hiện những vi phạm về mức lãi suất huy động đồng VIệt Nam và đô la Mỹ, chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của tổ chức tín dụng để xảy ra vi phạm, không chấp hành Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất huy động theo quy định tại Thông tư số 02/2011, Thông tư số 14/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng biện pháp xử lý: Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng. Người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng bị đình chỉ, miễn nhiệm không được đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tại chính tổ chức tín dụng đó trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm. Đồng thời hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bị xử lý...


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Phải "kìm" được lãi suất đầu vào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO