"Phai màu" thổ cẩm
(Baonghean.vn) - Đã có thời nghề dệt thổ cẩm hồi sinh tại nhiều làng bản trên một vùng rộng lớn các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... Nhưng chuyện về những làng nghề thổ cẩm mới đó nay đã thành... chuyện cũ !
Tâm huyết gọi nghề
Mọi chuyện khởi phát từ một dự án đầu tư cho việc khôi phục lại nghề truyền thống các vùng dân tộc thiểu số xứ Nghệ của một quỹ phi chính phủ (OXPAM - Hong Kong). Khi đó cái mà người ta nghĩđến đầu tiên thấy rằng cần phải khôi phục đó là nghề dệt thổ cẩm. Đó là "đặc sản" của các dân tộc xứ Nghệ mà nhiều nhất là đồng bào Thái.
Với bà "mế" này, dệt thổ cẩm là công việc thường xuyên từ thời tấm bé.
Khi nguồn vốn của OXPAM về như thổi một luồng sinh khí vào việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm, người ta bắt đầu suy nghĩ về những hoa văn độc đáo nhất (người Thái gọi là "ừa") trong đó có những hoa văn chỉ còn lại trong trí nhớ của người già như: hoa dâu, hoa thuốc lá, hươu, nai... và tất nhiên những "nghệ nhân" dệt thổ cẩm được tôn vinh như là những người gìn giữ vốn cổ của ông bà. Những khung dệt xe kéo sợi đang "im ngủ" nhiều năm được đưa ra lau đi lớp mạng nhện, sửa sang lại để... tái sử dụng.
Nhờ sự vào cuộc của các cơ sở dạy nghề, trong đó có trường dạy nghề miền núi đóng tại thị trấn Con Cuông thì ở các huyện Con Cuông, Tương Dương bắt đầu xuất hiện những lớp dạy nghề dệt thổ cẩm. Ngày ấy chị Lương Thị Tín, Lương Thị Lai ở bản Yên Thành (Lục Dạ - Con Cuông) được biết đến như là những nghệ nhân, những "cô giáo" truyền nghề thổ cẩm của ông bà lại cho thế hệ trẻ. Chị Lương Thị Lai đã dày công soạn một tài liệu học tập cho các lớp dạy nghề thổ cẩm của mình và tổ chức được hàng chục lớp tại trường dạy nghề miền núi và các thôn bản ở Lục Dạ, Môn Sơn.
Những năm 2008 - 2009, ở Con Cuông nổi lên chị Hà Thị Phượng Vân (vốn quê gốc Mai Châu - Hòa Bình, cũng là một "cái nôi" của nghề thổ cẩm) mở những lớp dạy nghề tại thôn Thủy Khê - Chi Khê đã thu hút được hàng chục học viên. Sự lạ mà cô gái Hòa Bình về làm dâu Con Cuông mang đến là khung dệt khổ rộng và mẫu mã thổ cẩm từ các dân tộc xứ Bắc. Thông thường khung dệt của bà con người Thái Con Cuông chỉ cho phép dệt những súc vải khoảng 50cm. Khung dệt cải tiến của chị Vân dệt được khổ vải rộng đến 1m. Qua đó có thể may những sản phẩm như áo, chăn. Trước đây những sản phẩm như chăn thêu của người Thái Con Cuông chủ yếu mua từ Lào.
Đầu ra - chuyện cũ nói mãi
Bẵng đi một thời gian, gần đây tôi ghé thăm gian hàng của HTX dệt may thổ cẩm Hải Vân tại thôn Thủy Khê - Chi Khê do chị Hà Thị Phượng Vân làm chủ nhiệm. Nhận thấy nét mặt kém phấn khởi của bà chủ nhiệm tôi gạn hỏi thì được biết, hiện nay tổ dệt của chị chỉ hoạt động cầm chừng. Các xã viên không có nguyên liệu nên sản phẩm không có là bao.
Tình hình tương tự cũng xảy ra với làng nghề dệt thổ cẩm bản Yên Thành. Đây là làng nghềđạt tiêu chí được sự bảo trợ của VQG Pù Mát vởi ý tưởng về làng du lịch cộng đồng. Bản nhỏ người Thái này cũng từng được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo thành một điểm đến của du khách với sản phẩm nòng cốt là thổ cẩm. Bà Lương Thị Lai, chủ nhiệm tổ dệt của bản Yên Thành cho biết, trước đây, bản có khoảng 60 hộ làm nghề nhưng nay chỉ còn hơn chục hộ còn khung dệt hoạt động thường xuyên.
Mặc dù các cấp chính quyền vẫn rất quan tâm, thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn nâng cao tay nghề. Lí do của tình trạng này được nhiều người làm nghề giải thích đó là vì hàng hóa không cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Ngoài những mặt hàng truyền thống như khăn chít đầu, váy, túi Thái, thỉnh thoảng có bán được cho bà con trong địa phương, còn những sản phẩm khác chỉ có những du khách họa hoằn lắm ghé thăm mua về làm quà.
Bà Lai cho biết người Thái trên địa bàn vẫn có nhu cầu mua những sản phẩm truyền thống phục vụ cho những dịp cưới hỏi vì con gái Thái đi làm dâu nhất thiết phải có váy mặc về nhà chồng. Nhưng nhu cầu đó không lớn và cũng không thường xuyên.
Khi vốn từ quỹ OXPAM không còn được rót vào các huyện miền núi Nghệ An thì những khoản đầu tư cho mua nguyên liệu và tổ chức hội chợ cũng chấm dứt. Những làng nghề vừa lập nên và mới hoạt động một vài năm mất đi một "đôi vai" nên rơi vào tình trạng lúng túng trong việc tổ chức sản xuất cũng như việc tìm kiếm bạn hàng. Từđó, các làng nghề thổ cẩm coi nhưđình trệ.
Kỳ vọng Hoa Tiến
Tuy nhiên, dường nhưđầu ra không phải là vấn đề gì lớn lắm đối với những người làm nghề lâu năm. Nhờđã được biết tiếng với sự khéo tay nên những khách hàng quen thuộc chủ yếu là bà con trong cùng vẫn tìm đến với họ. Bà Lô Thị Bình bản Sơn Hà (Tam Quang - Tương Dương) là một người như vậy. Những chân vay, khăn chít đầu, túi Thái của bà thường rất đắt hàng. Ông Phan Trung Kiên, Trưởng bản Sơn Hà cho biết: Tuy mới chỉ là làng có nghề với hơn chục hộ làm nghề nhưng không mấy ai ế hàng, vì họ nắm rõ nhu cầu của người dân trong vùng.
Thổ cẩm làng nghề Hoa Tiến tại hội chợ ở Hà Nội.
Những ngày áp Tết này, các nghệ nhân làng dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Châu Tiến - Quỳ Châu) đang hoàn thành những mũi thêu cuối cùng của năm cũ. Người Thái ởđây không bao giờđể dở công việc của họ qua Tết. Khung dệt cũng phải được lau chùi cẩn thận. Ra năm mới ráp lại và chuẩn bị dệt cho mùa lễ hội.
Hoa Tiến là một trong số rất ít các làng nghề thổ cẩm còn đứng được và chị em trong HTX nhỏ này có thu nhập khá ổn định, mặc dù chưa nhiều. Bà Sầm Thị Bích ở làng nghề Hoa Tiến cho biết: Làm nghề này khó trở nên giàu có lắm. Nó chỉ xuất phát từ sựđam mê thôi. Nhưng nó cũng góp phần tạo ra những khoản phụ thu cho chị em hay lam hay làm. Sau những giờ trên nương, trên ruộng, chị em lại ngồi thêu thùa, gia công các sản phẩm thổ cẩm kiếm thêm thu nhập. Còn bí quyết để sản phẩm của họ có được đầu ra thường xuyên chính là sự chịu khó tìm kiếm bạn hàng mỗi lần tham gia hội chợ.
Văn hóa tiếp thị của các "mế" làng nghề Hoa Tiến tưởng nhưđơn giản nhưng không phải dễ. Nó đòi hỏi sự kiên trì từ chính những nghệ nhân thổ cẩm khi tham gia các hội chợ. Tôi từng chứng kiến các bà "mế" ở làng nghề Hoa Tiến rất say sưa giảng giải về ý nghĩa của hoa văn thổ cẩm tại một hội chợở Hà Nội năm 2009. Chính sự chất phác của họđã gây cảm giác thú vị với nhiều người tham quan, trong đó có không ít khách nước ngoài. Có nhiều người trong số những vị khách ngoại quốc tại hội chợđó, sau này đã tìm đến làng nghề Hoa Tiến để tận mắt xem các nghệ nhân thao tác các cung đoạn để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm. Có lẽđó cũng là những kinh nghiệm quý đối với những làng nghề, nói như bà Lai ở bản Yên Thành thì đang ngắc ngoải. Bởi nhiều khi bí quyết cho một lối đi chỉ thật giản dị mà thôi(!)
Hữu Vi