Phải nắm được từ gốc

30/05/2013 18:50

(Baonghean) - Nghệ An là một tỉnh có diện tích đất trồng lúa lớn, sản lượng hàng năm lên tới hơn 900.000 tấn lúa nên nhu cầu về lúa giống là rất lớn. Trong vài năm qua, đã xuất hiện những vấn đề xung quanh chất lượng giống lúa, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lương thực của tỉnh và trực tiếp là đời sống của người nông dân. Trước thực tế đó, công tác quản lý chất lượng lúa giống cần được các cơ quan chức năng tiến hành nghiêm ngặt hơn, khắt khe hơn để tránh lặp lại những hiện tượng như vừa qua.

Hiện toàn tỉnh có có trên 106.200 ha đất trồng lúa, hàng năm đạt khoảng hơn 900.000 tấn. Để gieo cấy số diện tích trên, mỗi năm tỉnh ta cần khoảng 5.000 tấn giống lúa thuần và 1.500 tấn giống lúa lai.

Để đạt được kế hoạch sản lượng đề ra thì một yếu tố chính quyết định là chất lượng lúa giống. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình trạng một số giống lúa khi đưa vào sản xuất đã nảy sinh vấn đề như tỷ lệ nảy mầm thấp, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… xuất hiện khá nhiều. Vụ hè thu năm 2009, một số diện tích cấy giống lúa Q.ưu 1 tại huyện Diễn Châu có hiện tượng nảy mầm kém. Bước sang vụ xuân 2010, người dân các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn lại “kêu cứu” về giống lúa lai “Khải phong số 1” không mọc rễ và bị thối trên nương mạ. Cũng trong vụ xuân 2010, người dân các huyện như Đô Lương, Hưng Nguyên… tố giác một công ty chào bán giống lúa AC5 nguyên chủng không có giấy tờ hợp lệ. Rồi đến vụ đông xuân năm 2013, người dân trên địa bàn huyện Hưng Nguyên vẫn tiến hành gieo cấy giống lúa IR1820; mặc dù, ngành Nông nghiệp không đưa vào cơ cấu nhưng việc không chấp hành chủ trương đã tạo tiền lệ xấu.

Mới đây nhất là việc hơn 3.000/10.000 ha lúa BC15 trên địa bàn toàn tỉnh có tỷ lệ hạt lép từ 40-70%, không cho thu hoạch. Đây là giống lúa của Tổng Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình. Nguyên nhân được Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT xác định là do giống lúa mẫn cảm với thời tiết lạnh đột ngột và do thời tiết bất thuận ở giai đoạn trổ bông làm giảm khả năng thụ phấn, dẫn đến tỷ lệ kết hạt kém.



Cánh đồng lúa BC15 vụ xuân 2013 ở xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu)
hạt lép, mất trắng.

Tuy đã khuyến cáo đây là giống lúa mẫn cảm với thời tiết, nhưng nhà sản xuất lại không giải thích rõ nó mẫn cảm thế nào, cụ thể ra sao và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây từng thời điểm cụ thể để người dân có biện pháp phòng trừ, chọn lọc. Trong số giống lúa BC15 dân sử dụng, thì công ty chỉ cung ứng được trên 30 tấn giống, tương đương 30% diện tích, 70% diện tích còn lại chủ yếu bà con lấy giống BC15 bằng cách lựa chọn từ “thóc thịt”. Do người dân tự để lại gieo cấy sợ rằng sẽ không đảm bảo chất lượng. Từ đây, đặt ra yêu cầu về quá trình giám sát, kiểm tra giống của bà con trước khi gieo cấy, hạn chế việc người dân sử dụng giống kém chất lượng, phá vỡ cơ cấu mùa vụ, giảm năng suất và sản lượng.

Tất cả những vấn đề trên cho thấy, công tác quản lý giống lúa hiện nay còn nhiều điều đáng nói. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có rất nhiều doanh nghiệp và các đại lý tổ chức sản xuất, cung ứng và kinh doanh lúa giống. Để đưa một giống lúa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp ngoài việc phải chấp hành các thủ tục, điều kiện theo các pháp lệnh, Quyết định về giống cây trồng của Bộ NN&PTNT thì còn phải chấp hành theo Quyết định 67/2009/QĐ-UBND ngày 27/7/2009 về việc ban hành quy định về quản lý chất lượng giống cây trồng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định trên thì tất cả những giống lúa chưa được công nhận thì khi vào tổ chức khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp phải báo cáo với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về địa điểm, quy mô, thời gian, ký hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm, sản xuất thử trước khi tiến hành. Kết quả khảo nghiệm, sản xuất thử phải báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT vào cuối vụ thu hoạch.

Trung tâm giống cây trồng được giao nhiệm vụ theo dõi, và tham gia đánh giá kết quả khảo nghiệm. Và nếu mất mùa hoặc bị thiệt hại mà nguyên nhân do giống thì đơn vị sản xuất giống phải đền bù sản lượng cho người dân. Đối với những giống được công nhận là giống lúa quốc gia nhưng chưa sản xuất trên địa bàn tỉnh thì phải xây dựng mô hình để sản xuất thử. Sau khi có báo cáo đánh giá qua các vụ, Sở NN&PTNT mới đưa vào cơ cấu giống lúa cho các huyện tham khảo, lựa chọn. Quy định cụ thể là thế nhưng trong thực tiễn vẫn còn nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra.

Hàng năm, Sở NN&PTNT có tổ chức đoàn kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp, đại lý sản xuất, kinh doanh giống lúa trên địa bàn tỉnh về hồ sơ thủ tục giống và việc thực hiện các quy định về kinh doanh giống. Sở chỉ kiểm tra đột xuất khi có đơn thư hoặc phản ánh của người dân về chất lượng của giống lúa tại các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra chưa phát hiện được sai phạm nào về chất lượng giống. “Sở ban hành cơ cấu các loại giống trong đề án sản xuất đầu vụ, các địa phương thông qua đó tùy thuộc vào tình hình thực tiễn để đưa ra cơ cấu giống phù hợp từ 4-5 loại giống. Việc địa phương liên kết, mua giống của doanh nghiệp, đơn vị nào là quyền của địa phương đó, Sở không có quyền can thiệp. Nhưng khi có sự việc xảy ra thì Sở lại là đơn vị đi kiểm tra, đánh giá và có thông báo cuối cùng. Đây là vấn đề rất khó trong việc quản lý giống lúa trước khi đưa vào sản xuất” - ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Một vấn đề nữa là hiện nay, hầu hết các giống lúa đều được các doanh nghiệp, đơn vị ngoại tỉnh sản xuất, cung ứng nên công tác quản lý là thường gặp nhiều khó khăn. (Chỉ một số giống lúa như VTNA2, AC5… được sản xuất trên địa bàn tỉnh). Bên cạnh đó, tỉnh ta có đặc điểm nhiều vùng sinh thái nên khi chọn một giống lúa nào phù hợp với vùng này nhưng lại khó khăn đối với vùng khác”. Thực tế ấy đòi hỏi các cơ quan chức năng có trách nhiệm cần có những biện pháp nhằm quản lý tốt hơn chất lượng nguồn lúa giống. Nếu cần, có thể đề xuất những kiến nghị với Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng hệ thống danh mục những giống lúa cho phù hợp với từng địa phương, nhằm tránh những hệ quả không đáng có xảy ra.


Bài, ảnh: Phạm Bằng

Mới nhất
x
Phải nắm được từ gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO