Phải thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được thực thi công khai, minh bạch

vov.vn 14/05/2022 07:45

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng. Vì vậy phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực để đảm bảo quyền lực được thực thi công khai, minh bạch, đúng đắn.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành “Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”, chiều 13/5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng đề án đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm.

Tình trạng lạm quyền, tham nhũng vẫn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật

Phát biểu tạ cuộc tọa đàm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có vị trí rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là hoạt động thường xuyên sử dụng quyền lực Nhà nước, nhân danh Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nên phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, pháp luật về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là phát huy khá hiệu quả cơ chế kiểm soát bên trong và từ bên ngoài vào các hoạt động này.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, thực tiễn cho thấy, cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp; tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.

“Xuất phát từ thực trạng đó và yêu cầu xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, liêm chính, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đề ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Đây cũng là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” – ông Lê Minh Khái cho biết.

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại tọa đàm
Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực, nhất là tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực và những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các ý kiến cũng xác định những khâu còn yếu, những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn thiếu, chưa đồng bộ, đồng thời kiến nghị những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết...

Phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực

Kết luận tọa đàm, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng. Vì vậy, phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực để đảm bảo quyền lực được thực thi công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị tha hóa, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Kết quả tọa đàm cũng cho thấy, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là vấn đề rất cần thiết, thậm chí là cấp bách. Muốn kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng thật tốt thì trước hết phải kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

Cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vừa phải tuân theo cơ chế chung của kiểm soát quyền lực, vừa phải có đặc thù riêng trong hoạt động ở các lĩnh vực này. Đòi hỏi chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này phải rõ ràng, tổ chức bộ máy phải có tính độc lập tương đối trong thực hiện nhiệm vụ, phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính độc lập của các chức danh tư pháp.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại tọa đàm
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại tọa đàm.

Ông Phan Đình Trạc cũng nêu rõ, muốn kiểm soát quyền lực tốt thì phải công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Về phương thức kiểm soát quyền lực, phải kiểm soát từ bên trong, tức là trong nội bộ mỗi cơ quan và giữa các cơ quan tố tụng, thi hành án, giữa những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng; kiểm soát từ bên ngoài là kiểm soát của cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, MTTQ và các tổ chức chính trị, báo chí, nhân dân; kiểm soát từ quyền lực chính trị của Đảng.

“Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có tính đặc thù riêng, tính độc lập tương đối, dù kiểm soát theo phương thức nào cũng phải đảm bảo tính độc lập, tương đối trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan này” – ông Phan Đình Trạc lưu ý.

Trưởng ban Nội chính Trung ương kết luận, muốn kiểm soát quyền lực có hiệu quả thì phải đánh giá đúng thực trạng của cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, những sơ hở, khó khăn, vướng mắc, bất cập và nhận diện chính xác những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động này. Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ mục đích, phạm vi, nội hàm văn bản của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án./.

Phải thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được thực thi công khai, minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO