Phải thoát 'tư duy biên chế'
(Baonghean) - Ban Chỉ đạo và các tổ giúp việc xây dựng đề án vị trí việc làm đã chủ động vào cuộc sớm và triển khai hướng dẫn xây dựng đề án với quyết tâm cao. Thế nhưng, bởi đây là lần đầu tiên thực hiện trong các cơ quan đảng và tổ chức chính trị - xã hội, nên quá trình triển khai không tránh khỏi lúng túng...
Nhận diện khó khăn
Theo đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, bước đầu triển khai xây dựng Đề án Vị trí việc làm (VTVL) gặp không ít khó khăn. Trong đó, cái khó đầu tiên là tư tưởng “níu giữ biên chế” vẫn còn “giằng co”. Nhiều đơn vị có tâm lý muốn tăng hoặc chí ít giữ nguyên biên chế, dẫn đến thống kê, mô tả công việc không đúng thực tế; xác định biên chế thiếu khoa học; thậm chí một số địa phương còn hoài nghi về sự cần thiết xây dựng đề án nên chưa thật sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Chưa kể trong quá trình triển khai xây dựng và thẩm định đề án, do sự lúng túng, thiếu nhất quán trong phương pháp, cách làm, cách hiểu, nhiều vấn đề không thuộc thẩm quyền của đơn vị xây dựng đề án, dẫn đến phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần. Một số cơ quan, đơn vị còn nhầm lẫn trong xác định VTVL, số lượng người làm việc, cơ cấu ngạch...
Khó thứ hai trong xây dựng đề án là vừa phải đảm bảo 3 nguyên tắc theo Hướng dẫn 04 của Ban Tổ chức Trung ương (xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, có tính ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; góp phần và là cơ sở để tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39...), vừa phải đảm bảo tính khoa học. Trong khi đó, thực trạng bố trí, sử dụng cán bộ, công chức không đúng chuyên ngành đào tạo, năng lực của từng cán bộ khác nhau cũng đã gây khó khăn, ảnh hưởng trong việc phân nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; xác định khung năng lực...
Cán bộ, công chức Thị ủy Cửa Lò trao đổi thực hiện công tác chuyên môn. Ảnh: Thu Giang |
Khó thứ ba là sản phẩm công việc của cơ quan Đảng và tổ chức đoàn thể không dễ định lượng, vừa phải xây dựng đồng thời danh mục VTVL và cơ cấu ngạch công chức, vừa phải xác định biên chế cụ thể mà chưa có quy định công thức tính chung... Vì thế, nhiều đơn vị dễ bị xoáy trong vòng luẩn quẩn, thiếu định hướng, chưa thoát ly cái cũ để xây dựng “Ngôi nhà VTVL” mới.
Rà soát bất cập
Thực tế quá trình rà soát để xây dựng đề án tại các địa phương, Ban chỉ đạo xây dựng đề án việc làm đã phát hiện một số tồn tại trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Như huyện Con Cuông đã chỉ rõ trong khối MTTQ và các đoàn thể vẫn còn tình trạng một nhiệm vụ không có tổ chức nào chịu trách nhiệm chính, nhưng khi báo cáo kết quả thì nhiều đơn vị nhận đó là thành tích của mình.
Một số công việc giữa ban tổ chức và văn phòng huyện ủy còn chồng chéo. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, dành thời gian cho việc kiêm nhiệm quá nhiều. Một số cá nhân thống kê công việc chưa rõ, sản phẩm không cụ thể, điều hành công việc nội bộ cơ quan, đơn vị còn nhiều vướng mắc như: Phân công cho cán bộ, công chức chưa hợp lý, một số công việc không ai chịu trách nhiệm chính; quản lý thời gian, hiệu quả lao động kém, tình trạng hành chính hóa trong các tổ chức chính trị xã hội vẫn xảy ra.
Là một trong những người trực tiếp tham mưu xây dựng Đề án VTVL tại địa phương, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương Nguyễn Công An cũng cho rằng: “Việc mô tả công việc cụ thể của các tổ chức đoàn thể khó vì có cả việc “không tên”, có những việc phát sinh từng thời điểm chứ ko lặp đi lặp lại trong ngày, trong tuần, trong tháng nhưng qua rà soát cũng nắm bắt được những cái chưa phù hợp, thiếu khoa học trong phân công công việc để có sự điều chỉnh, sắp xếp hợp lý”.
Một số địa phương kiến nghị trong thực hiện tinh giản biên chế, xây dựng khung VTVL nên tính đến các yếu tố như mật độ dân cư, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp dưới, số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, phân loại thành các nhóm vùng đặc thù, vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bằng… để có sự bố trí hợp lý, tránh giao chỉ tiêu theo kiểu cào bằng.
Yên Thành là một trong những địa phương không đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế đúng như yêu cầu là 10% đến năm 2021 mà chỉ xây dựng tỷ lệ giảm khoảng 7% trong tổng số biên chế được giao và lộ trình tinh giản biên chế thực hiện từ năm 2019 - 2021. Lý giải về điều này, ông Phan Huy Hải - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành cho biết: “Huyện có số đơn vị hành chính lớn gồm 38 xã, thị trấn; dân số đông (gần 280.000 đến năm 2021 dự kiến 300.000), có 87 tổ chức cơ sở đảng với gần 12.000 đảng viên (dự kiến đến năm 2021 hơn 13.000), thuộc diện lớn thứ 3 toàn tỉnh.
Đồng thời, đây cũng là địa bàn có nhiều vùng đặc thù, vì vậy các cơ quan đảng, mặt trận, các đoàn thể và trung tâm bồi dưỡng chính trị phải có bộ máy đủ số lượng, chất lượng cán bộ công chức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị và căn cứ trên tình hình thực tế tại địa phương thì mức giảm theo đề xuất là phù hợp”. Bên cạnh đó, so với tổng số biên chế được giao, huyện còn thiếu 5 định biên. Do đó, lộ trình của huyện dự kiến từ năm 2017 đến 2018 vẫn tuyển dụng 5 chỉ tiêu còn thiếu và từ năm 2019 đến 2021 mới bắt đầu thực hiện tinh giản để công chức được tuyển dụng có thời gian tiếp cận công việc, dần thay thế các vị trí được tinh giản - ông Hải cho biết thêm.
Tổng số VTVL trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp của Đảng trên địa bàn được xác định là 158 vị trí, trong đó có 36 VTVL kiêm nhiệm chuyên môn. Tính chung toàn tỉnh (bao gồm cả khối hành chính và khối sự nghiệp), dự kiến đến năm 2021, tỷ lệ tinh giản biên chế là 14,74%. |
Quyết tâm trước xu thế tất yếu
Theo đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy: “Việc triển khai xây dựng Đề án VTVL, thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan đảng và tổ chức chính trị - xã hội tuy khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm. Bởi, đây chính là cơ hội để chúng ta tập hợp, rà soát toàn bộ các văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị so với thực tiễn. Qua đó, có cơ sở dữ liệu khoa học về tổ chức bộ máy và biên chế chính xác.
Đồng thời, phát hiện những bất cập trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị như chưa thống nhất về số lượng cấp phó của người đứng đầu, số lượng cấp phó của các đơn vị trực thuộc, về định biên và những công việc chồng chéo, trùng lặp hay bỏ sót giữa các phòng/bộ phận; đánh giá chính xác về năng suất, thời gian lao động và chất lượng tham mưu của tập thể và cá nhân…”.
Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành Đề án VTVL cấp tỉnh và trình Ban Tổ chức Trung ương thẩm định cùng với Đề án VTVL của 38/38 huyện, thành, thị, cơ quan, đơn vị. Nếu được phê duyệt, Đề án VTVL sẽ có tính khả thi bước đầu như: Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng phòng, bộ phận để tránh chồng chéo, sắp xếp lại bộ máy các phòng, giảm được số lượng cấp phòng; xác định rõ tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn cho từng VTVL và các chức danh cụ thể; Xác định rõ bản mô tả công việc của từng vị trí; Đánh giá và phân loại cán bộ hàng tháng, năm chính xác và có cơ sở thuyết phục; từ đó, việc tinh giản biên chế thuận lợi, bảo đảm thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho BTV Tỉnh ủy xác định lộ trình phù hợp trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hàng tháng theo mức độ hoàn thành công việc; thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức theo VTVL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, quản lý dữ liệu về công tác xây dựng Đảng.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo quy định "ra 2 vào 1". Tuy vậy, điều quan trọng nhất là các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải thoát khỏi tư duy “níu giữ biên chế” và xác định việc xây dựng Đề án VTVL, tinh giản biên chế là xu thế tất yếu để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.
Khánh Ly - Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|