Phân biệt cảm lạnh, cảm cúm để điều trị hiệu quả

23/10/2017 09:20

(Baonghean.vn) - Cảm lạnh hay cảm cúm đều có những triệu chứng tương tự nhau, đó là một chuỗi các biểu hiện như ho, sốt, nghẹt mũi hay đau nhức,…Tuy nhiên, nguyên nhân của bệnh là khác nhau, mức độ nguy hiểm và cách chữa trị vì thế cũng không giống nhau.

Dựa vào những biểu hiện bên ngoài cơ bản nhất ta có thể nhận định đó là bệnh cảm lạnh hay cảm cúm.

Biểu hiện cảm lạnh

Đau họng là dấu hiệu đặc trưng khi bị cảm lạnh. Ảnh minh họa.
Đau họng là dấu hiệu đặc trưng khi bị cảm lạnh. Ảnh minh họa.

Dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thông thường là đau họng. Triệu chứng này thường đi kèm là bệnh viêm họng. Sau 1-2 ngày, chúng có thể biến mất sau đó là triệu chứng khác, như: sổ mũi, nghẹt mũi, nước mũi trong chảy nhiều.

Nếu cảm lạnh ở mức độ nặng nước mũi có thể chuyển thành màu vàng hoặc xanh, dịch mũi đặc nếu bị nhiễm trùng.

Đối với trẻ em còn có thể thấy sốt nhẹ.

Cơ thể bứt rứt, khó chịu nhưng vẫn có thể thực hiện những công việc hằng ngày một cách bình thường.

Biến chứng khi bạn mắc cảm lạnh có thể là: nghẹt mũi và viêm tai giữa,…

Cảm lạnh thường chỉ kéo dài trong khoảng 1 tuần, bệnh cũng có thể lây lan cho người khác.

Biểu hiện cảm cúm

Người bị cảm cúm thường sốt cao. Ảnh minh họa.
Người bị cảm cúm thường sốt cao. Ảnh minh họa.

Nếu như đối với cảm lạnh, biểu hiện sốt là dấu hiệu phụ để nhận biết bệnh thì với cảm cúm đó là đặc điểm chính của bệnh.

Người bị cảm cúm thường sốt cao từ 38-39 độ C kèm theo mệt mỏi toàn thân và đau nhức cơ thể, sổ mũi. Triệu chứng bệnh thường dồn dập và đột ngột, tăng nhanh chóng trong khi cảm lạnh thường tiến triển chậm và dễ chữa khỏi bằng các chế độ chăm sóc đúng cách.

Cảm cúm rất dễ dàng lây lan cho người khác hơn là cảm lạnh, bởi vậy bạn cần thực hiện các biện pháp phòng chống lây bệnh cho người khác.

Bệnh cảm cúm không có thuốc đặc trị do virus gây ra mà thường được chỉ định các loại thuốc nhằm điều trị triệu chứng.

Cảm cúm thông thường sẽ thường tự khỏi sau khoảng 5 - 7 ngày, tuy nhiên nếu bệnh càng tiến triển nặng thêm kèm theo các biểu hiện khác như: sốt liên tục, đau khi nuốt, đau đầu và tắc mũi không khỏi, khó thở, buồn nôn,…Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay, vì đôi khi đây có thể là những chủng cúm nguy hiểm hơn.

Cách ngừa cảm lạnh và cảm cúm ngày lạnh

Rửa tay: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị sử dụng nước ấm và xà phòng rửa tay trong 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước, nước rửa tay diệt khuẩn có thể thay thế.

Không chạm vào mặt: Vi trùng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, vì vậy khi bạn ra ngoài và về nhà, bạn không biết khi nào bạn đã tiếp xúc với vi trùng. Để giữ gìn sức khỏe, tránh chạm tay vào mũi, miệng và mắt cho đến khi rửa tay thật sạch.

Bổ sung vitamin D: Vitamin D đóng vai trò rất lớn trong việc giúp cơ thể thoát khỏi bệnh tật. Mùa đông đang cận kề, nếu không thể phơi mình dưới ánh nắng, hãy chọn các loại thực phẩm giàu vitamin D, bao gồm lòng đỏ trứng, cá, ngũ cốc, nước cam, sữa và sữa chua.

Mật ong sẽ làm dịu cơn ho và có thể giúp ngừa bệnh tật. Ảnh minh họa.
Mật ong sẽ làm dịu cơn ho và có thể giúp ngừa bệnh tật. Ảnh minh họa.

Làm dịu họng với mật ong: Nếu cảm thấy bị ho hoặc ngứa họng, hãy thử một muỗng canh mật ong. Mật ong sẽ làm dịu cơn ho và có thể giúp ngừa bệnh tật.

Uống đủ nước: Uống nhiều nước rất quan trọng, và đặc biệt trong mùa lạnh và mùa cúm. Nước giúp giữ đẩy độc tố ra khỏi cơ thể và các tế bào của bạn sẽ đầy ắp những chất dinh dưỡng quan trọng nhờ uống đủ nước.

Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp cơ thể đổ mồ hôi, tăng lưu lượng máu và ôxy trong máu và giúp tăng khả năng của cơ thể tránh khỏi bệnh tật.

Giảm căng thẳng: Căng thẳng, đặc biệt là các loại căng thẳng kinh niên, có thể tàn phá hệ miễn dịch của chúng ta. Nếu khó giảm căng thẳng, bạn có thể đối phó với căng thẳng một cách hiệu quả hơn nhờ tập yoga hoặc đi bộ./.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Phân biệt cảm lạnh, cảm cúm để điều trị hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO