Phấn đấu dạy nghề cho trên 18 nghìn lao động nông thôn
(Baonghean.vn) - Chiều 15/9, UBND tỉnh tổ chức Họp ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ, nhằm đánh giá kết quả thực hiện đề án năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Lê Xuân Đại –Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Sau hơn 4 năm thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ sở dạy nghề và người lao động về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề đã được nâng lên. Cơ bản hoàn thành việc hướng dẫn và triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; tổ chức đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho trên 33 nghìn lao động nông thôn, trên 13 nghìn cán bộ công chức cấp xã, đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra hàng năm. Số lao động nông thôn qua có việc làm sau học nghề là trên 24 nghìn người, đạt tỷ lệ 72%; đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, xây dựng được một số mô hình dạy nghề có hiệu quả.
Đồng chí Lê Xuân Đại kết luận tại hội nghị |
Tính riêng năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 toàn tỉnh đã mở được 394 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; tổng số lao động nông thôn được học nghề theo QĐ 1956 là 12.687 người (nâng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo từ 68% cuối năm 2010 lên 72% năm 2013). Kinh phí phân bổ hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề trong hai năm 2013 – 2014 là trên 270 tỷ đồng. Đã xây dựng được một số mô hình dạy nghề và dạy nghề có địa chỉ sử dụng cho lao động nông thôn có hiệu quả cho 683 học viên với tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80% như: mô hình trồng nấm ở Yên Thành, chăn nuôi lợn ở Thanh Chương, mây tre đan Nghi Lộc; may công nghiệp sửa chữa xe máy ở Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu… Nhiều lao động được học nghề đã áp dụng kiến thức vào sản xuất tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn những tồn tại như: việc triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương còn chậm, đặc biệt là vùng miền núi, dân tộc thiểu số còn thiếu đồng bộ; một số nghề đạo tạo chưa phù hợp, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Vẫn còn một số lớp, cơ sở dạy nghề còn chạy theo số lượng. Một số lao động học xong không phát huy được nghề đã được học hoặc chỉ làm được một thời gian, thời vụ. Sự phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các địa phương, sở, ngành, tổ chức xã hội… trong việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề còn hạn chế. Năng lực đào tạo của một số cơ sở dạy nghề còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị… đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, giám sát của một số Ban chỉ đạo cấp huyện, xã chưa được thường xuyên, liên tục.
Từ những đánh giá kết quả đã đạt được, ban chỉ đạo cũng đã đề ra nhiệm vụ cụ thể trong năm 2014 và 2015: dạy nghề cho 18.500 lao động nông thôn, số lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt tỷ lệ 75% trở lên. Tổ chức nhân rộng một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với khoảng 1.700 người (tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình này tối thiểu đạt trên 85%). Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho 450 cán bộ công chức cấp xã, bồi dưỡng cho 7.500 lượt cán bộ công chức cấp xã.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Đại ghi nhận những kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới, tập trung vào những nội dung chính: cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về đạo tạo nghề; tăng cường tuyên truyền về tư vấn học nghề;. Đề nghị Sở Lao động TB &XH có dự báo sát hơn về các lĩnh vực nghề, thông qua đào tạo nghề, người lao động có thể tham gia vào các lĩnh vực khác hoặc xuất khẩu lao động. Chú trọng điều tra, khảo sát toàn diện nhu cầu học nghề của lao động từ đó xây dựng chiến lược lâu dài về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.
Tập trung nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh. Hướng tới công tác đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, có các tiêu chí cụ thể số lượng chất lượng, có cơ cấu tổ chức để thực hiện, đánh giá. Đặc biệt, cần rà soát lại các cơ sở dạy nghề về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, ngoài chức năng nhiệm vụ của Sở Lao động TB&XH với vai trò là cơ quan thường trực thì các thành viên của ban chỉ đạo cần bám sát vào địa bàn phụ trách tăng cường kiểm tra theo chương trình.
Tin, ảnh: Đinh Nguyệt