Phấn đấu trở thành trường trọng điểm Quốc gia
Ngày 25-4-2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Sau 10 năm đổi tên, Trường Đại học Vinh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đổi mới toàn diện, vững chắc trên mọi lĩnh vực và khẳng định được vai trò là trung tâm khoa học, đào tạo của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Ngày 25-4-2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Sau 10 năm đổi tên, Trường Đại học Vinh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đổi mới toàn diện, vững chắc trên mọi lĩnh vực và khẳng định được vai trò là trung tâm khoa học, đào tạo của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Một buổi dạy học bằng giáo án điện tử ở trường Đại học Vinh
ĐH Vinh là trường đại học đầu tiên của cả nước được Chính phủ cho phép thực hiện mô hình chuyển từ đào tại đơn ngành sang đa ngành, mở đầu cho xu hướng đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Từ năm 2001, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát triển và hoàn thiện các ngành đào tạo sư phạm, Đại học Vinh đã mở rộng và phát triển hàng chục mã ngành ngoài sư phạm trên các lĩnh vực: kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin...
Đến nay, Nhà trường đã đào tạo nhiều bậc học, ngành học khác nhau với 10 chuyên ngành tiến sĩ, 28 chuyên ngành thạc sĩ; 43 ngành kỹ sư, cử nhân. Ngoài ra còn đào tạo học sinh trung học phổ thông với 5 môn chuyên (Toán, Vật lý, Hoá học, Tin học, Tiếng Anh). Hiện nay toàn trường có khoảng 34.000 học sinh, sinh viên, học viên, tăng 50% so với năm 2001.
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm học 2007-2008, nhà trường đã chuyển phương thức đào tạo từ niên chế học phần sang học chế tín chỉ, đánh dấu sự hội nhập của nhà trường với hệ thống giáo dục đại học trên thế giới.
Công tác tuyển sinh có những cải tiến quan trọng, tạo nên sự nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng. Các chương trình đào tạo được phát triển theo hai hướng nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng với tổng số 2.714 đề cương chi tiết học phần. Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng dễ điều chỉnh và cập nhật, có khả năng thích ứng cao đối với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Đại học Vinh cũng là 1 trong 10 trường đại học được Hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia công nhận là trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Song song với hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Vinh đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Trong 10 năm qua, cán bộ của Trường đã thực hiện 24 đề tài cấp nhà nước, 203 đề tài cấp bộ, 1.857 đề tài cấp cơ sở.
Giai đoạn 2001-2011, nhà trường đã gửi 91 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 88 công trình đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ và 25 công trình đạt Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC. Trường cũng đã tổ chức được 102 hội nghị, hội thảo khoa học cấp trường, khu vực, quốc gia và quốc tế.
Đến nay, đã có hơn 1.000 lượt lưu học sinh Thái Lan, Trung Quốc, Lào... tốt nghiệp đại học và sau đại học tại ĐH Vinh. Hiện tại, có hơn 300 lưu học sinh nước ngoài đang theo học đại học và sau đại học tại trường. Trường đã hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với trên 40 cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, tổ chức khoa học trong nước và quốc tế, như:Mỹ, Đức, Ba Lan, Nga, Pháp, Niu Dilân, Nhật, Trung Quốc, Rumani, Hàn Quốc...
Nhờ vậy, nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ với 944 cán bộ, công chức, tăng 73% so với năm 2001. Trong tổng số 642 giảng viên, có 54 giáo sư, phó giáo sư, 4 giảng viên cao cấp, 117 tiến sĩ, 328 thạc sĩ, 133 giảng viên chính. Nhà trường đã huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư và nâng cấp trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành.
Sau 10 năm đổi tên, Đại học Vinh đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân, cán bộ quản lý giáo dục,... góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho các tỉnh Bắc miền Trung và cả nước. Hiện nay, nhà trường đang tập trung xây dựng Đại học Vinh trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước với tầm nhìn đến năm 2020 trở thành trường đại học trọng điểm, có một số ngành học đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Khánh Ly