Phân tích, làm rõ nguyên nhân 211 vụ cháy nổ ở Nghệ An trong 6 tháng qua

Thanh Phúc - Lâm Tùng 13/07/2019 11:22

(Baonghean.vn) - 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy dân sự, 71 vụ cháy rừng, 109 vụ cháy hệ thống điện, bãi rác, nhà dân. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chủ yếu do chập điện (chiếm 72%).

Sáng 13/7, UBND tỉnh họp sơ kết hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 6 tháng đầu năm 2019. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Ảnh: Lâm Tùng.

6 tháng, điều tra làm rõ nguyên nhân 24/31 vụ cháy

6 tháng đầu năm 2019, tình hình cháy trên địa bàn diễn biến phức tạp. Cụ thể, cháy ở khu vực dân sự xảy ra 31 vụ, làm 1 người chết, gây thiệt hại 6,71 tỷ đồng ; xảy ra 71 vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật làm 1 người chết, thiêu rụi hàng trăm hec-ta rừng.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy là do chập điện (72%); vi phạm quy định khi sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa (19%), nguyên nhân khác (9%); Cháy rừng chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió phơn Tây Nam thổi mạnh và thảm thực bì khô dễ bắt cháy.

Tình hình cháy nổ 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, 72% các vụ cháy có nguyên nhân là do chập điện. Ảnh: Tư liệu

6 tháng đầu năm, các thành viên Ban chỉ đạo đã quan tâm, phối hợp thực hiện tốt công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn, góp phần đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra công tác PCCC tại 2.545 cơ sở, phương tiện, lập 301 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt, nộp ngân sách Nhà nước 468,3 triệu đồng; Công an tỉnh và các cơ quan liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân 24/31 vụ cháy (đạt 77,4%).

Huy động 3.026 lượt CBCS, trên 10.000 lượt người của các lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia chữa cháy, trực tiếp cứu 21 người, ước tính giá trị tài sản cứu được hàng trăm tỷ đồng.

Công tác phòng cháy chữa cháy vẫn còn nhiều hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác PCCC vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là việc tham mưu của các thành viên Ban chỉ đạo có lúc chưa kịp thời, toàn diện; chưa sâu sát địa bàn, lĩnh vực được phân công; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành, các thành viên còn hạn chế.

Đại tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Lâm Tùng

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về PCCC chưa đa dạng, chưa phù hợp với từng đối tượng do đó hiệu quả mang lại chưa cao.

Công tác thanh, kiểm tra có lúc chưa nghiêm, chưa quyết liệt, còn mang tính hình thức nên dẫn đến việc các cơ sở sau kiểm tra vẫn cố tình chây ỳ không thực hiện.

Thực trạng đáng báo động hiện nay là tình trạng các cơ sở chuyển đổi công năng, tính chất sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh lưu trú, karaoke,… không đủ điều kiện về PCCC. Việc thực hiện các quy định về PCCC tại các khu chung cư nhà cao tầng; chợ, trung tâm thương mại còn sơ sài, lực lượng PCCC tại chỗ ở các điểm này kiêm nhiệm, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống khi có cháy nổ.

Công tác PCCC ở các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, chưa tuân thủ theo đúng quy định về lực lượng PCCC tại chỗ; bố trí phương tiện chữa cháy… tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ.


Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCC

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Lâm Tùng

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019, BCĐ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành thị tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH.

Tập trung tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, người đứng đầu trong công tác PCCC&CNCH; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC và phê phán những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCC.

Chữa cháy rừng ở Nam Kim (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu

Tăng cường quản lý nhà nước về PCCC; Rà soát, củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các đội PCCC dân phòng và cơ sở theo quy định của Luật PCCC, nhất là ở những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ cháy xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Hồng Vinh ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp tích cực của các thành viên ban chỉ đạo trong công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn. Song lưu ý các thành viên ban chỉ đạo cần nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém về công tác phòng cháy chữa cháy để kịp thời khắc phục.

Đặc biệt, trong các vụ cháy rừng, cần điều tra, làm rõ nguyên nhân gây cháy; đánh giá khách quan yếu tố con người với vấn đề này. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu vấn đề trích kinh phí để thu dọn thực bì, bảo vệ rừng trồng nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng.

Siết chặt việc nâng cấp, cải tạo thay đổi công năng đối với các cơ sở chuyển từ nhà ở sang kinh doanh để có chế tài xử lý phù hợp; việc thẩm định và nghiệm thu các điều kiện về PCCC phải chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, cần lưu ý đến vấn đề quá tải điện, hạ tầng lưới điện xuống cấp gây cháy nổ; Rà soát lại hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy; có quy định cụ thể về PCCC trong các khu công nghiệp và chú trọng công tác hậu cần trong công tác chữa cháy.


Mới nhất

x
Phân tích, làm rõ nguyên nhân 211 vụ cháy nổ ở Nghệ An trong 6 tháng qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO