Phản ứng của Việt Nam về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Hoàng Lê 02/08/2018 21:43

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến, cũng như các nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/8 về việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây công bố tầm nhìn Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến, cũng như các nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực, góp phần vào mục tiêu này”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters

Với câu hỏi của phóng viên liệu Việt Nam có tham gia Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng, việc tham gia phải đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia.

Trước đó, phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ ngày 30/7 trước chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ đầu tư 113 triệu USD vào Sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đây được xem là một trong những bước đi thực tế đầu tiên nhằm triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tháng 11/2017 tại Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam. Nội dung cốt lõi của chiến lược này nhằm khẳng định sự ưu tiên cao của Washington, dù dưới bất kỳ chính quyền nào, với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Với chiến lược này, Tổng thống Donald Trump muốn truyền tải thông điệp, dù rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song Mỹ vẫn coi trọng đầu tư tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.

Theo vov.vn
Copy Link
Phản ứng của Việt Nam về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO