Pháp để ngỏ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân tại châu Âu
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 13/5 (theo giờ địa phương) cho biết, ông sẵn sàng thảo luận về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của nước này tới các địa điểm khác ở châu Âu.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TF1 của Pháp vào tối 13/5, Tổng thống Macron lưu ý rằng, Mỹ hiện đã bố trí máy bay mang vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Những điều kiện Pháp đặt ra
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Macron nêu rõ việc mở rộng khả năng răn đe hạt nhân của Pháp sang các nước châu Âu khác sẽ phải tuân theo những điều kiện nhất định. Ông nhấn mạnh rằng, Pháp cường quốc hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu, sẽ không chi trả cho an ninh của các nước khác và năng lực quốc phòng của chính nước Pháp phải được duy trì nguyên vẹn.
Ông Macron cũng khẳng định quyền kiểm soát cuối cùng đối với việc sử dụng vũ khí sẽ hoàn toàn thuộc về Tổng thống Pháp.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Pháp sở hữu khoảng 280 đầu đạn hạt nhân vào năm 2024. Quân đội nước này có khả năng tự chủ phóng chúng từ tàu ngầm hoặc sử dụng máy bay chiến đấu để thả từ trên không.
Anh cũng là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân với khoảng 225 đầu đạn dự trữ. Tuy nhiên, chương trình tàu ngầm hạt nhân Trident của Anh có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống của Mỹ và phụ thuộc vào Mỹ trong việc bảo trì. Điều này làm dấy lên "những lo ngại về tính độc lập của Trident", theo viện nghiên cứu Chatham House của Anh.
Phản ứng từ các nước châu Âu
Hồi tháng 3, Tổng thống Macron đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán với các đồng minh châu Âu về các vũ khí hạt nhân của Pháp có thể giúp bảo vệ châu Âu.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc Đức có thể là nơi đặt vũ khí hạt nhân của Pháp. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Macron tại Paris vào tuần trước, ông nhấn mạnh rằng điều này "hoàn toàn không phải là sự thay thế cho đảm bảo hạt nhân mà Mỹ hiện đang cung cấp cho châu Âu". Ông Merz trước đây cũng từng nhấn mạnh rằng Đức "không thể và không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình". Hiện có tới 20 vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được bố trí tại một căn cứ không quân của Đức.
Ba Lan, Đan Mạch và Litva trong những tháng gần đây cũng cho biết họ để ngỏ khả năng này. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hồi tháng 3 cho biết Ba Lan đang "thảo luận nghiêm túc" với Pháp về việc được bảo vệ bởi vũ khí hạt nhân của Pháp.
Mối quan tâm ở Đông Âu có liên quan chặt chẽ đến nỗi lo sợ về các hành động tiếp theo của Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Macron tỏ ra thận trọng để không làm gia tăng căng thẳng với Moskva.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 13/5, ông cũng nói rằng Pháp không muốn khơi mào "Chiến tranh Thế giới thứ ba" vì cuộc chiến ở Ukraine. "Chúng ta phải giúp Ukraine nhưng chúng ta không muốn khơi mào một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ ba", ông Macron nói. "Chiến tranh phải chấm dứt và Ukraine phải ở trong tình thế tốt nhất có thể để đi vào đàm phán".