Xã hội

Phật giáo Nghệ An - sáng mãi cùng quê hương - Bài 2

Nhóm phóng viên 20/12/2024 12:42

Với tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Nghệ An đã có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho quê hương, đất nước. Truyền thống “phụng đạo yêu nước, dấn thân hành đạo” đã và đang được các tăng ni, phật tử đoàn kết cùng với các tín ngưỡng, tôn giáo khác, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn, vì bình an, hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh của quê hương xứ Nghệ...

Emagazine_Baonghean.vn (3)
Emagazine_Baonghean.vn (3)

Bài 2:
Kiến tạo môi trường an lạc,
phụng sự chúng sinh

Phát huy tinh thần từ bi, cứu khổ của đạo Phật, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An và các chùa đã vận động tăng, ni, phật tử tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động thiện nguyện, các mô hình an sinh xã hội có hiệu ứng xã hội lớn. Qua đó, góp phần đưa hình ảnh Phật giáo xứ Nghệ đi vào quần chúng một cách thân thiện, gần gũi với những giá trị nhân văn sâu sắc.

Lan tỏa giá trị đạo đức cho giới trẻ

Đền chùa Gám là công trình kiến trúc tôn giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm tọa lạc tại làng Kẻ Gám (thuộc xã Xuân Thành) và nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái tâm linh Sông Dinh - Rú Gám, một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo, mang tính nghệ thuật độc đáo về nét đẹp văn hóa cổ của huyện Yên Thành.

ve-dep-co-kinh-cua-den-chua-gam.-anh-huy-thu.jpg
Vẻ đẹp cổ kính của đền - chùa Gám. Ảnh: Huy Thư

Ở Nghệ An, chỉ duy nhất ở huyện Yên Thành có đền và chùa cùng nằm trong một khuôn viên thoáng rộng. Cơ sở tín ngưỡng, tâm linh này từ nhiều năm nay là nơi sinh hoạt tâm linh và tu tập của hơn 30.000 phật tử trên địa bàn huyện.

Ngoài thực hiện công tác phật sự, nơi đây còn là địa chỉ làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp nhiều mảnh đời vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Ghé thăm chùa Gám (tên chữ là Chí Linh Tự) vào một chiều cuối Thu, chúng tôi bị thu hút bởi một cậu bé trong bộ trang phục màu xám, khuôn mặt lanh lợi, tóc ba chỏm đang thong thả đọc các lời răn của nhà Phật được khắc trên các bức đá trong khuôn viên thanh tịnh của chùa.

dai-duc-thich-tue-minh-dai-dien-tru-tri-chua-gam-xa-xuan-thanh-yen-thanh-giang-giai-loi-ran-cua-phat-cho-thanh-chau-cau-be-duoc-chua-nhan-nuoi.-anhkl.jpg
Đại đức Thích Tuệ Minh - đại diện Trụ trì Chùa Gám xã Xuân Thành, Yên Thành giảng giải lời răn của Phật cho Thành Châu - cậu bé được chùa nhận nuôi. Ảnh: T.N

Hỏi chuyện Đại đức Thích Tuệ Minh - đại diện Trụ trì chùa Gám, được biết cậu bé có pháp danh là Thành Châu được nhận nuôi trong chùa và đang theo học lớp 2 tại trường tiểu học trên địa bàn xã Xuân Thành từ 2 năm nay.

Thành Châu có hoàn cảnh khó khăn, một mình mẹ em buôn bán hoa quả ở khu vực sân vận động Vinh để nuôi 3 đứa con. Vì hoàn cảnh khó khăn nên 7 tuổi Thành Châu vẫn chưa vào lớp 1. Sau đó, có người xót thương hoàn cảnh đã chỉ dẫn cho mẹ Thành Châu mang em đến chùa Gám gặp Đại đức Thích Tuệ Minh xin gửi nương nhờ.

sinh viên tham gia đêm thiền trà %22 mắt thương nhìn cuộc đời%22 tại chùa Gám. Ảnh trang Phật giáo yên thành1
Sinh viên tham gia đêm thiền trà "Mắt thương nhìn cuộc đời" tại chùa Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: PGYT

Với tấm lòng từ bi, Đại đức Thích Tuệ Minh đã giang tay đón cậu bé vào chùa và tạo điều kiện cho cậu đến trường. “Việc cháu đến với chùa là một nhân duyên. Nhà chùa sẽ có trách nhiệm nuôi dạy cháu cho đến năm 18 tuổi, sau đó tuỳ duyên, nếu cháu có nguyện vọng theo con đường tu tập, thầy sẽ hướng dẫn cháu tu hành, còn cháu muốn ra xã hội, chùa sẽ tạo điều kiện cho cháu học một cái nghề để mưu sinh”- Đại đức Thích Tuệ Minh cho biết.

Cũng theo vị đại diện Trụ trì chùa Gám, trong hơn 10 năm qua, vấn đề an sinh lớn nhất mà nhà chùa quan tâm là lan toả giá trị tinh thần đạo đức cho giới trẻ thông qua việc mở các lớp dạy khóa tu mùa hè "Ươm mầm hoa sen; Ươm mầm đạo đức; Em về bên Phật; Hành trang vào đời", cùng với các CLB võ thuật, các lớp kỹ năng sống với sự tham gia của hàng nghìn bạn trẻ độ tuổi 6 đến 18. Riêng khoá Tu mùa hè, mỗi đợt tổ chức 3-4 khoá, mỗi khoá thu hút từ 500-560 em tham gia trong 7 ngày, ăn ở, sinh hoạt tại chùa hoàn toàn miễn phí.

Đại Đức Thích Tuệ Minh - đại diện Trụ trì Chùa Gám xã Xuân Thành, Yên Thành giảng giải lời răn của Phật cho Thành Châu - cậu bé được chùa nhận nuôi. Ảnh: KL
Sinh viên tham gia các hoạt động trải nghiệm xếp bản đồ đất nước tại chùa Gám, xã Xuân Thành, Yên Thành. Ảnh: PGYT

“Các khoá tu đều chú trọng giáo dục, nâng đỡ tinh thần cho giới trẻ theo 4 nội dung (Thượng tôn pháp luật, tôn quý đất nước, hiếu kính ông bà cha mẹ; tôn sư trọng đạo, sống tử tế với mọi người xung quanh), tuỳ theo từng lứa tuổi nhà chùa sẽ có hình thức và nội dung khác nhau, chú trọng phương thức thiền trong nhà Phật, chữa lành từ bên trong, giúp các em soi lại chính mình” - Đại đức Thích Tuệ Minh cho hay.

gioi-tre-tham-gia-khoa-tu-tai-chua-gam.-nguon-trang-phat-giao-yen-thanh.jpg
Giới trẻ tham gia khoá tu tại chùa Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Nguồn: PGYT

Ngoài các trường trong tỉnh còn có sinh viên các trường đại học ở Hà Nội về tham gia hoạt động trải nghiệm, tuỳ vào tình hình thực tế, nhà chùa thường xây dựng các chương trình tự vấn để các em trao đổi tâm tư, nguyện vọng, thảo luận một vấn đề xã hội quan tâm hoặc đang nóng trên mạng xã hội.

Qua đó, truyền tải những thông điệp giúp các em nhận thức một cách toàn diện về những giá trị cốt lõi của hạnh phúc, của tình thương yêu và sự tử tế. Như một nữ sinh viên ở Hà Nội sau khi tham gia đêm thiền trà “Mắt thương nhìn cuộc đời” tại chùa Gám mới đây đã bày tỏ “trân trọng và biết ơn quý chư thầy đã cho con cùng các bạn một khoá tu tập đầy ý nghĩa… giúp chúng con reset lại bản thân và tìm lại chính mình”.

phatgiaoghep 1Bản sao của Thiết kế không tên
Một số hình ảnh khoá tu dành cho giới trẻ tại chùa Gám. Ảnh: PGYT

Cùng với các hoạt động hướng về giới trẻ, chùa Gám còn triển khai nhiều chương trình an sinh khác như phối hợp với MTTQ huyện xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo, trung bình 1 năm làm được 5 nhà, với mức hỗ trợ từ 30- 50 triệu đồng/ nhà, hay mô hình Câu lạc bộ "Hương lúa tình quê"; chương trình Nồi cháo yêu thương tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành; "Quỹ giúp đỡ người nghèo" hỗ trợ gia đình phật tử vay vốn không lãi suất… Qua đó, lan toả những giá trị nhân văn, tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật.

Cõi thiêng của các liệt sĩ nhà báo cách mạng

Chùa Da (tên chữ là Âu Lạc) thuộc xã Hưng Lộc, TP Vinh không chỉ nổi tiếng linh thiêng với câu truyền miệng “Thánh Đền trìa, bụt chùa Da” mà hiện nay còn trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống; bởi nơi đây thờ tự 512 liệt sĩ nhà báo cách mạng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

dai-duc-thich-dong-tue-tru-tri-chua-da-xa-hung-loc-thanh-pho-vinh-cung-cac-phat-tu-ben-van-te-anh-linh-cac-nha-bao-liet-si-cach-mang.-anh-kl.jpg
Đại đức Thích Đồng Tuệ- Trụ trì Chùa Da, xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh cùng các phật tử bên văn tế anh linh các nhà báo liệt sĩ cách mạng. Ảnh: TN

Trò chuyện với chúng tôi bên ấm chè sen thơm ngát trong không gian trầm mặc, Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Da chia sẻ: Để tập hợp được danh sách, tư liệu 512 liệt sĩ nhà báo cách mạng, trong đó có 8 liệt sĩ quê ở Nghệ An, trước hết phải kể đến sự trăn trở, tâm huyết của nhà báo Trần Văn Hiền - Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Ông đã có hành trình đằng đẵng hơn 15 năm xuôi ngược Nam Bắc, lên rừng, xuống biển để tìm kiếm, chắp nối các thông tin nhà báo liệt sĩ ngã xuống khắp mặt trận, chiến trường từ năm 1947 cho đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam rồi phía Bắc.

Đến năm 2019, nhà báo Trần Văn Hiền hoàn thiện danh sách các liệt sĩ và danh sách này được đưa vào lưu tại Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tuy vậy, trong lòng nhà báo xứ Nghệ vẫn canh cánh không an, bởi phần lớn các nhà báo liệt sĩ đều không còn người thân, không ai thờ phụng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tặng kỷ niệm chương cho nhà báo Văn Hiền tại nơi thờ tự các nhà báo liệt sĩ tại chùa Da . Ảnh Thành Cường
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tặng kỷ niệm chương cho nhà báo Văn Hiền tại nơi thờ tự các nhà báo liệt sĩ ở chùa Da, xã Hưng Lộc, TP Vinh. Ảnh tư liệu: Thành Cường

“Qua những lần trò chuyện, thưởng trà, nhà báo Trần Văn Hiền có bày tỏ trăn trở ấy của mình, đồng thời đặt vấn đề về việc thờ phụng các liệt sĩ nhà báo tại chùa Da. Khi nghe vậy, tôi rất hoan hỉ và đồng ý ngay. Năm 2020, vào đúng dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7), đại lễ Cầu siêu rước bài vị các anh hùng liệt sĩ nhà báo cách mạng cả nước vào bàn thờ yên vị tri ân, hương khói muôn đời đã được tổ chức trang trọng tại ngôi chùa hơn 400 năm tuổi này”.

Cũng theo Đại đức Thích Đồng Tuệ: Hàng năm vào 2 ngày 21/6 và 27/7 chùa đều làm lễ cầu siêu cho các nhà báo liệt sĩ, riêng năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với chùa tổ chức đại lễ cầu siêu quy mô lớn, với sự tham dự của các đại biểu Trung ương và địa phương để tri ân các nhà báo liệt sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

phatgiaoghep 2Bản sao của Thiết kế không tên
Linh thiêng lễ tưởng niệm các liệt sĩ nhà báo tại chùa Da (TP Vinh). Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong mạch chuyện cùng chúng tôi, nhà báo Nguyễn Văn Hiền cho hay, bản thân ông lúc đang làm việc tại Báo Nghệ An đã tranh thủ các chuyến công tác sưu tầm thông tin từ các đồng nghiệp, đồng thời đề nghị Hội Nhà báo các tỉnh, thành phối hợp, cung cấp thông tin các nhà báo đã hy sinh và cả người thân của họ. Từ đó, tập hợp hàng trăm câu chuyện xúc động, tư liệu quý về các liệt sĩ nhà báo đã ngã xuống trên các chiến trường.

Và cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom” của ông được xuất bản cũng ghi lại những câu chuyện xúc động đó. Cùng với các di vật như bút, máy ảnh, sổ… cuốn sách chính là nguồn tư liệu quý cho những du khách, phật tử muốn tìm hiểu về chân dung các liệt sĩ nhà báo cách mạng khi về chùa Da.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thực hiện nghi thức truyền đăng tại lễ cầu siêu tri ân các liệt sĩ nhà báo tại chùa Da. Ảnh tư liêu Thành Cường
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thực hiện nghi thức truyền đăng tại lễ cầu siêu tri ân các liệt sĩ nhà báo tại chùa Da. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Nhà báo Trần Văn Hiền cũng bày tỏ, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi các liệt sĩ nhà báo cách mạng được đưa về thờ tự ở cõi thiêng này, bởi “Đất lộc đa rền vang trống thiêng thời Xô viết/ Chùa Âu Lạc rạng ngời tâm Phật vững đường tu”.

Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Tọa lạc tại xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, chùa An Thái có từ lâu đời và đến thời Trần Minh Tông (1324 -1329) được tu sửa với quy mô lớn. Về học thuyết âm dương, ngôi chùa tọa lạc ở giữa thế “tứ linh hội chầu”, là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được giếng cổ linh thiêng được đào vào năm 1024, triều đại Vua Lý Thái Tổ, niên hiệu Thiên Thành.

lanh-dao-uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-nghe-an-va-huyen-quynh-luu-tai-le-ra-mat-mo-hinh-diem-ton-giao-bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-doi-voi-chua-an-thai.-anh-mai-hoa.jpg
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu tại lễ ra mắt mô hình điểm tôn giáo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với chùa An Thái. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Trải qua bao binh đao khói lửa và những thăng trầm của lịch sử, chùa An Thái đã bị mai một dần. Đến năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định chấp thuận phục hồi ngôi chùa này.

Cũng từ đây, các hoạt động phật sự, hoằng dương chánh pháp được Trụ trì Đại đức Thích Minh Hải và tăng ni, phật tử dày công gây dựng và phát triển. Từ một ngôi chùa trên vùng đồi núi trọc nay cây cối xanh tươi, hoa thơm bốn mùa, không gian xanh - sạch - đẹp khiến ai vào chùa cũng bị níu chân.

Đại đức Thích Thanh Minh – thay mặt Trụ trì Thích Minh Hải cho biết: Để có được khuôn viên như hiện nay, nhà chùa đã nhận được sự chung sức đồng lòng các phật tử, nhân dân trên địa bàn. Nhiều phật tử phát tâm tình nguyện cung tiến ngày công, cây giống xanh hoá cảnh quan, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường.

phatgiao.png
Việc xanh hoá cảnh quan, bảo vệ môi trường tại Chùa An Thái xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu có sự tham gia tích cực của tăng ni và các phật tử. Ảnh: Khánh Ly

Điển hình là phật tử Phạm Thị Mai Khoa, SN 1965, nữ nhà thơ từng sinh sống, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng là nàng dâu xứ Nghệ. Trò chuyện với chúng tôi, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu chia sẻ, bà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau đó chuyển vào Nam, là cán bộ Sở Giao thông vận tải nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Chồng bà là người xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Năm 2020, theo nguyện vọng của mẹ chồng muốn được sống những ngày cuối đời ở quê hương, vợ chồng nhà thơ Mai Khoa đưa mẹ về xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) phụng dưỡng. Nhân duyên của bà với chùa An Thái nơi “trời trong veo, nước trong veo” bắt đầu từ đó.

Vốn là người yêu cây cối, am hiểu về cây, khi lui tới chùa, thấy các bà, các chị thường gom rác để đốt rác, nhà thơ Mai Khoa bàn với các sư thầy trao đổi với phật tử băm rác, ủ làm phân xanh để bón cây. Bên cạnh đó, bà tự mở vườn ươm ở nhà với hơn 40 loại cây cảnh, cây ăn quả các loại, rồi cùng các phật tử khác và nhân dân tự gánh đất, trồng hàng trăm cây đinh lăng, nhất chi mai, dâm bụt lấy từ vườn ươm của gia đình tạo cảnh quan xanh và hình thành nên những con đường hoa sinh động ở chùa An Thái. Bà còn khuyến khích các phật tử không lạm dụng, đốt đồ vàng mã tránh lãng phí và bảo vệ môi trường.

viec-xanh-hoa-canh-quan-bao-ve-moi-truong-tai-chua-an-thai-xa-quynh-long-huyen-quynh-luu-co-su-tham-gia-tich-cuc-cua-tang-ni-va-cac-phat-tu.-anhkl3.jpg.jpg
Việc xanh hoá cảnh quan, bảo vệ môi trường tại chùa An Thái, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu có sự tham gia tích cực của tăng ni và các phật tử. Ảnh: KL

Từ những phật tử tích cực, tận tâm như bà Phạm Thị Mai Khoa, phong trào xanh hoá làm đẹp khuôn viên trong nhà, ngoài ngõ được lan toả trên địa bàn xã Quỳnh Long, nơi chùa An Thái đứng chân.

Tháng 6 năm 2024, chùa An Thái được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An chọn làm mô hình điểm “Tôn giáo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

lanh-dao-cac-nganh-doan-the-cap-tinh-va-huyen-quynh-luu-cac-chuc-sac-chuc-viec-cac-ton-giao-to-chuc-trong-cay-xanh-trong-khuon-vien-chua-an-thai.-anh-tu-lieu-mai-hoa.jpg
Lãnh đạo các ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện Quỳnh Lưu, các chức sắc, chức việc các tôn giáo tổ chức trồng cây xanh trong khuôn viên chùa An Thái. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Ngay sau lễ ra mắt mô hình điểm, Ban tổ chức đã triển khai cho nhân dân và các phật tử ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực bãi biển, trồng 2.700 cây dổi, 5 cây tùng la hán quanh khu vực chùa, lan toả những thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình trong rất nhiều mô hình an sinh xã hội, đồng hành cùng sự phát triển của quê hương mà các cơ sở phật giáo, tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện. Qua đó, giáo dục cho tăng, ni, phật tử về những giá trị văn hóa, đạo đức, triết lý nhân văn sâu sắc của Phật giáo, quy tụ nhân tâm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện Quỳnh Lưu, các tổ chức tôn giáo, tín đồ đã ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực bãi biển xã Quỳnh Long. Ảnh tu lieu Mai Hoa
Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện Quỳnh Lưu, các tổ chức tôn giáo, tín đồ đã ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực bãi biển xã Quỳnh Long. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Những hoạt động này cũng cho thấy đạo Phật luôn đề cao tinh thần đạo và đời hoà hợp. Đó cũng là yếu tố nội tại để tín đồ tự nguyện khởi tâm công đức và bản thân mỗi tăng ni đều giác ngộ được trách nhiệm và bổn phậnPhục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”, để "cho đi là còn mãi"…

Phật giáo Nghệ An - sáng mãi cùng quê hương - Bài 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO