Phật giáo và sứ mệnh đồng hành xây dựng hòa bình

Huệ Anh 10/05/2019 11:44

(Baonghean) - Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải trải qua những mất mát đau thương từ những cuộc chiến tranh. Quá trình đó, Phật giáo Việt Nam đã chứng kiến những nỗi đau ấy và luôn đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực ngăn chặn chiến tranh, chung tay xây dựng cuộc sống hòa bình, an lạc.

Hướng tới cuộc sống hạnh phúc

Chiến tranh là điều mà tất cả những người yêu cuộc sống yên bình không bao giờ mong muốn. Bởi nó đã gây nên sự khổ đau, chết chóc và bất hạnh cho bao người vô tội. Lịch sử nhân loại đã ghi lại nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt mà không ít quốc gia đã trải qua. Ngăn ngừa được chiến tranh để nhân loại được sống hòa bình đâu chỉ là việc của những nhà tư tưởng, những lãnh tụ quốc tế mà còn là của tất cả các tổ chức xã hội, tôn giáo và những người yêu chuộng hòa bình.

Nhiều hoạt động của Phật giáo hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình.
Nhiều hoạt động của Phật giáo hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình.
Giáo lý nhà Phật dạy con người nuôi tâm từ bi, thực hành hạnh thương yêu con người cùng chúng sinh và thực hiện cuộc sống bất bạo động để ngăn ngừa chiến tranh, xây dựng thế giới hòa bình an lạc. Đó là một trong những vấn đề cốt lõi mà Đức Phật đã đề ra từ hơn 25 thế kỷ trước. Triết lý Phật giáo không hướng con người đến quyền lực, giàu sang, danh vọng được đánh đổi bằng chiến tranh và cướp đoạt. Bởi chiến tranh, cướp đoạt khởi nguồn từ tâm bất an của kẻ gây chiến.Từ đó gây ra sự bất an cho người bị xâm lược, bị cướp đoạt.

Để giải quyết tận gốc, Phật giáo hướng con người nỗ lực tu học để nâng cao nhận thức và thực hành hạnh từ bi –hỉ xả mà giác ngộ, tự nhận ra mình, biết hành động vì xã hội.

Thế giới Phật giáo hướng tới là thế giới của sự đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa con người với con người, là thế giới của tình yêu thương trân trọng nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, cùng hướng tới hạnh phúc.

Phật tử Nghệ An thực tập thiền hành. Ảnh: Đức Anh
Phật giáo quan niệm, con người muốn làm nên sự nghiệp thì phải có trí tuệ và giác ngộ. Chỉ có những gì do trí tuệ và từ lao động chân chính làm ra mới đáng trân quý; những gì có được bằng thủ đoạn, tranh đoạt thì sớm muộn cũng tiêu tan. Vì lẽ ấy, Phật giáo hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình phát triển với nỗ lực lao động của mỗi con người trong sự tự giác và khả năng của họ để góp phần xây dựng, phát triển xã hội an lạc cho mọi người.

Xây dựng thế giới hòa bình cùng phát triển

Đó chính là lý do vì sao Liên hợp quốc công nhận ngày Tam hợp của Đức Phật (ngày sinh, ngày thành đạo, ngày nhập Niết bàn vào ngày Trăng tròn tháng 5, tương đương ngày Rằm tháng Tư âm lịch - VESAK) là Ngày hội văn hóa tôn giáo của thế giới. Đó là sự vinh danh Đức Phật, khẳng định tư tưởng giáo lý của Đức Phật phù hợp với đường lối của Liên hợp quốc, phù hợp xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ, chung tay xây dựng thế giới hòa bình - hữu nghị - cùng phát triển.

Tuy vậy, nhân loại chưa bao giờ bình yên, thế giới vẫn đang hằng ngày hằng giờ đối mặt với những cuộc xung đột lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo. Nhiều dân tộc vẫn tiếp tục hứng chịu những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra. Trẻ em tử vong vì chiến tranh và những hậu quả của nó gây ra như nạn đói, bệnh viện và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, không được chăm sóc y tế và vệ sinh, không tiếp cận được với nguồn viện trợ. Ngoài ra, các em còn đối mặt với nguy cơ bị giết hoặc bị tàn tật, bị các nhóm vũ trang chiêu mộ, bắt cóc hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục.

Đại đức Thích Định Tuệ chủ trì buổi lễ cung nghinh đức tượng Phật tại khuôn viên Chùa Đức Hậu - TP Vinh. Ảnh: Đức Anh
Lòng tham và sự ham muốn của một bộ phận những người sân hận là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu, gieo rắc hậu quả tang thương khôn lường cho người vô tội. Trước bối cảnh ấy, thế giới có nhiều cách tác động để ngăn ngừa, giải quyết xung đột, chiến tranh.

Một trong những giải pháp đó là đề cao tư tưởng hòa bình, hữu nghị của đạo Phật, giáo dục và hướng con người hành động vì sự bình yên, hạnh phúc, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu chung cho xã hội văn minh. Chỉ có xây dựng thế giới hòa bình, an lạc mới mong con người hết sân hận, tham lam. Cội nguồn của chiến tranh cũng không còn để phát tác.

Tiếp tục truyền thống nhập thế, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, sau 2 lần đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) năm 2008 và 2014, năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã chấp thuận để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đăng cai Đại lễ VESAK 2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Nhiều diễn đàn xoay quanh chủ đề này sẽ được tổ chức như: “Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục”; “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trong đó, phần nội dung cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm sẽ nhận được sự chia sẻ của các chức sắc tôn giáo, nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước về tầm quan trọng, ảnh hưởng từ các hoạt động có trách nhiệm của Phật giáo hướng tới sự phát triển giữa các cộng đồng dân cư…

Việt Nam lần thứ ba đăng cai Đại lễ Phật đản Vesak 2019
Việt Nam lần thứ ba đăng cai Đại lễ Phật đản Vesak 2019. Ảnh: ngaynay.vn

Khoảng 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự Đại lễ VESAK 2019 tại Việt Nam. Trong đó có nhiều vị tăng vương, tăng thống, lãnh đạo giáo hội, nhà nghiên cứu. Bà Armida Salsiah - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng lãnh đạo nhiều nước như: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal... dự kiến tham dự sự kiện này. Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu sẽ là diễn giả chính của Đại lễ. Khoảng 20.000 người là đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, phật tử Việt kiều tiêu biểu, đồng bào phật tử, nhân dân cả nước sẽ tham dự sự kiện tôn giáo đặc biệt này.

VESAK 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo. Đại lễ là cơ hội gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo, truyền bá thông điệp của Đức Phật cho nhân loại về hòa bình, hòa hợp, tiến bộ và phát triển.

Mới nhất
x
Phật giáo và sứ mệnh đồng hành xây dựng hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO