Phật giáo Việt Nam và hành trình thực hiện khát vọng tự do

Huệ Anh 07/09/2019 09:23

(Baonghean) - Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hệ thống các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo suốt mấy thập kỷ qua. Đó còn là cơ sở để Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng cuộc đấu tranh giành lấy quyền độc lập, tự do, quyền sống của con người.

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Mùa Thu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa chúng ta đã tròn 50 năm. Nhưng tư tưởng, tình cảm cùng những di sản tinh thần mà Người để lại vẫn mãi mãi là những định hướng, chỉ dấu soi đường để cả dân tộc nắm tay nhau thực hiện những điều tâm nguyện cao cả: “Làm cho đất nước thống nhất, độc lập, dân tộc được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” - như Người hằng mong muốn. Trên con đường đầy chông gai ấy, nhân dân Việt Nam luôn có Phật giáo đồng hành.

Nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tự hào về những di sản mà Người để lại cho muôn đời sau. Không chỉ đến khi Người viết Di chúc, mà chính thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ của mình, Bác Hồ đã là tấm gương về sự hy sinh cống hiến tuyệt đối cho lý tưởng độc lập, tự do của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc - nguồn cội sức mạnh vô bờ của cách mạng Việt Nam.

Lễ Vu Lan ở một ngôi chùa trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Hải Vương
Trên lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, là một lãnh tụ, Người thấu hiểu vai trò, vị trí của tôn giáo trong cuộc sống của mỗi người dân và những tác động của tôn giáo đối với đời sống xã hội, cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà mấy chục triệu dân nô lệ lầm than vừa đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng giành lấy từ tay thực dân phong kiến. Bởi vậy, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9/1945, Người đã nói: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố Tín ngưỡng tự do, Lương - Giáo đoàn kết”.

Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hệ thống các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo suốt mấy thập kỷ qua. Đó còn là cơ sở để Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng cuộc đấu tranh giành lấy quyền độc lập, tự do, quyền sống của con người.

Hơn 100 phật tử đã hành hương từ TP Vinh và các địa bàn lân cận để được về chùa Từ Hiếu mong được đảnh lễ sư thầy Thích Nhất Hạnh, nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh tư liệu

Kế thừa truyền thống yêu nước, thương dân của dân tộc, phát huy yếu tố tích cực của quan điểm nhập thế của Phật giáo Đại thừa du nhập vào nước ta từ hàng nghìn năm trước, trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động, Phật giáo Việt Nam đã mở rộng cửa chùa để đón những giá trị mới mang tính thời đại mà không đóng cửa tu thân, mặc cho ngoài kia, dân tộc mình, đồng bào mình bị giày xéo dưới gót giày xâm lược của thực dân đế quốc.

Có thể khẳng định rằng, khát vọng tự do, độc lập của Hồ Chí Minh đã tác động đến từng ngóc ngách nghĩ suy, hành động của mỗi người. Đất nước một ngày chưa thoát khỏi ách xâm lăng của ngoại bang là một ngày đồng bào ta chưa được sống yên vui. Mấy mươi năm 2 miền Bắc - Nam cách chia, cùng với lực lượng cách mạng, Phật giáo miền Nam đã sẵn sàng nhập thế, tham gia tranh đấu và hy sinh vì mục tiêu cao cả ấy.

Từ ngày lễ báo hiếu của Phật giáo, Lễ Vu Lan đã trở thành sự kiện quen thuộc với nhiều người, mang ý nghĩa sâu sắc về tấm lòng biết ơn, đạo lý hiếu thảo của người phương Đông. Ảnh: Hồ Chiến
Lịch sử Việt Nam sẽ không bao giờ quên hình tượng “Trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức”- trái tim đã không cháy vì được mang trong thân hình một đấng xả thân cho Đạo pháp, vì dân tộc mà đấu tranh trực diện với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đòi quyền tự do tôn giáo, chấm dứt mọi sự đàn áp, bắt bớ của kẻ gian ác, nguyện cầu cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Thật đáng trân trọng, khi đã xác định biến nhục thân của mình làm ngọn lửa đấu tranh cho Phật pháp, Hòa thượng vẫn luôn từ bi, độ lượng với nhà cầm quyền lỗi lầm, khi viết trong tâm thư trước lúc tự thiêu: “Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt… trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa”.

Cài hoa tại Lễ Vu Lan ở chùa Diệc (thành phố Vinh). Ảnh: Hải Vương
“Ngọn lửa thiêng” và “Trái tim bất diệt” của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã có sức lan tỏa rất lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời khẳng định cho thế giới biết về cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào Phật giáo và phong trào cách mạng Việt Nam. Đó cũng chính là tinh thần yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, tự do tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam.

Những nhà sư tạm gác kinh kệ lên đường tòng quân, những phật tử rời bỏ giảng đường vào bưng biền kháng chiến, những tổ chức hội đoàn do các tu sĩ thành lập và hoạt động trong các đô thị lớn; chùa chiền thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng… là những đóng góp xứng đáng của những người con Phật cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam mùa Xuân năm 1975.

Phát huy tinh thần đoàn kết

Đất nước hòa bình, thống nhất, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã thực hiện nguyện vọng thống nhất 9 hệ phái Phật giáo trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Giáo hội duy nhất đại diện cho tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước với phương châm hoạt động là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới.

Chùa Cổ Am (Diễn Minh - Diễn Châu) luôn thu hút đông đảo du khách và phật tử về thăm quan. Ảnh tư liệu Huy Thư

Gần 40 năm sinh hoạt dưới một mái nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng bào phật tử cả nước luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết. Dưới ánh sáng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, Phật giáo Việt Nam phát triển không ngừng và ngày càng giữ vị thế xứng đáng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc và sự phát triển của Phật giáo thế giới.

3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ VESAK là 3 lần Phật giáo Việt Nam chứng minh cho cả thế giới biết đến một đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp; dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, rằng: tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho con người luôn là mục tiêu hướng đến của Phật giáo Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập.

Toàn cảnh chùa Đại Tuệ (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu
Đặc biệt, với Đại lễ VESAK 2019 vừa được tổ chức tại Trung tâm tâm linh Ba Chúc - Hà Nam, một lần nữa, cái tên Việt Nam đã có dịp tỏa sáng, được đón nhận trân trọng từ những người yêu chuộng hòa bình. VESAK 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo Việt Nam; là cơ hội truyền bá thông điệp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho nhân loại về tinh thần tự do, hòa bình, hòa hợp, tiến bộ và phát triển.





Mới nhất

x
Phật giáo Việt Nam và hành trình thực hiện khát vọng tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO