Phát hiện đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động quy mô lớn

07/04/2014 09:23

(Baonghean) - Với những chiêu thức hết sức tinh vi, vẽ ra viễn cảnh đổi đời từ xuất khẩu lao động ở các nước Hàn Quốc, Canada…, Ngô Thu Lý (1983) và Giáp Văn Trung (1978) cùng trú tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang đã cấu kết cùng với Chu Ngọc Lâm 1982 trú tại xã Tiến Thành, Yên Thành (Nghệ An) lừa đảo người dân quê nhẹ dạ, cả tin ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An chiếm đoạt số tiền trên 7 tỷ đồng. Các đối tượng vừa bị Công an huyện Yên Thành bắt tạm giam để điều tra, làm rõ...

Giả danh cán bộ cao cấp để lừa đảo

Quá trình điều tra ban đầu của cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành xác định, từ tháng 6/2013, Ngô Thu Lý tự xưng đang công tác tại Thanh tra Chính phủ, còn Giáp Văn Trung là một cán bộ đang làm việc ở một cơ quan cao cấp ở Hà Nội. Cả 2 vào Nghệ An móc nối với Chu Ngọc Lâm ở Tiến Thành - Yên Thành thiết lập đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động.

Là người địa phương Chu Ngọc Lâm được giao nhiệm vụ tìm kiếm và vận động những người có nhu cầu xuất khẩu lao động. Để đánh lừa người dân, chúng đã làm giả nhiều giấy tờ, hồ sơ, con dấu của Việt Nam, Hàn Quốc, Canada… tất cả đều có chữ ký và con dấu. Hướng dẫn người dân làm các thủ tục hồ sơ như phô tô giấy chứng minh nhân dân, làm phiếu tư pháp, hộ chiếu và nạp 100 ảnh chân dung, yêu cầu người đi xuất khẩu lao động phải đặt cọc số tiền ban đầu là 7.000 USD cho Công ty CP Thương Mại - Phương Đông có trụ sở tại Hà Nội. Chúng còn mượn hội trường của UBND xã Tiến Thành giới thiệu Ngô Thu Lý là “Thanh tra Chính phủ”, Hoàng Tiến Minh làm ở Bộ Ngoại giao, Hoàng Thanh Tùng nhân viên Công ty điện tử Sam Sung, Hàn Quốc. Thu tiền của người lao động bọn chúng đều có các phiếu thu với lời hứa là trong vòng 3 tháng sẽ “bay” nếu người lao động không đi được thì công ty sẽ hoàn trả lại chi phí. Ngoài ra, chúng còn “khịa” rằng mỗi lao động phải đóng thêm 3000 USD “tiền bỏ trốn”.

Đối tượng Ngô Thu Lý và Giáp Văn Trung bị tạm giam tại Công an Yên Thành.
Đối tượng Ngô Thu Lý và Giáp Văn Trung bị tạm giam tại Công an Yên Thành.

Tuy nhiên, qua nhiều đợt, các lao động vẫn không được xuất ngoại khiến nhiều hộ dân bức xúc yêu cầu Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung, Chu Ngọc Lâm phải đưa ra lý do. Để trấn an dư luận các đối tượng giải thích “Sở dĩ chậm bay là do có đối tượng Lê Thành Công ở xã Đức Thành (Yên Thành) tố giác với Bộ Công an chuyến bay này người lao động sang Hàn Quốc sẽ bỏ trốn nên phải dừng lại. Ngoài ra, chúng còn gian manh khi vin vào sự kiện máy bay MH 370 của Malaysia mất tích, bị khủng bố nên các chuyến bay tiếp vẫn còn phải trì hoãn. Trước sự phản ứng dữ dội của người lao động, các đối tượng trên đã đưa ra lời hứa cuối cùng ngày 6/3/2014 các lao động đều được “bay” nhưng đó chỉ là lời hứa suông. Tổng cộng đường dây này đã lừa 37 người với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Ngày 7/3/2014, Công an huyện Yên Thành tiếp nhận được đơn tố cáo của ông Đặng Đình Tam trú Nghĩa Phúc, Tân Kỳ về đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động. Thượng tá Phạm Xuân Khánh, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết: Xác định đây là đường dây lừa đảo XKLĐ quy mô lớn, Công an Yên Thành đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra, lập Chuyên án số 314 LĐ. Ngày 12/3, Tổ công tác trực tiếp ra Hà Nội để xác minh đối tượng cầm đầu đường dây đưa người đi lao động nước ngoài là Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung. Công an đã xác định rõ thân nhân lai lịch của các đối tượng. Ngô Thu Lý đã đăng ký tạm trú tại xóm 3, Mễ Trì, Từ Liêm (Hà Nội) và Giáp Văn Trung tạm trú tại ngõ 381/60, Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cả 2 đối tượng này đều không có nghề nghiệp. Công an huyện Yên Thành đã có mặt nơi đăng ký tạm trú nhưng các đối tượng trên đều không có mặt.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 27/3, Công an huyện Yên Thành đã bắt khẩn cấp Ngô Thu Lý và Giáp Văn Trung trong khi các đối tượng đang hoạt động tại địa bàn Nghệ An. Tại cơ quan Công an, Ngô Thu Lý tỏ ra rất lỳ lợm, thị nói rằng mình đang mang thai và dọa sẽ kiện cơ quan công an vì bắt người trái luật. Trước thủ đoạn của Lý, CQĐT đã đưa thị đi kiểm tra và kết quả Ngô Thu Lý không mang thai. Tuy nhiên, Lý kiên quyết chối tội, cho rằng mình bị oan ức, thị chỉ là môi giới chứ không phải chủ mưu, số tiền trên đã được chuyển cho chị Huyền người Nghệ An (lấy chồng Hàn Quốc) và chị Thủy làm ở Đại sứ quán Hàn Quốc đóng tại Việt Nam. Cơ quan điều tra xác minh là không có chị Thủy làm việc ở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Đối tượng Huyền, Lý khai nhận mới gặp nhau được một lần uống nước tại Ngã Tư Sở chứ không biết Huyền địa chỉ cụ thể ở đâu. Đến thời điểm này Công an Yên Thành mới thu hồi được trên 500 triệu đồng trả cho 2 nạn nhân của đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động, Công an Yên Thành đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thu Lý (31 tuổi) và Giáp Văn Trung (36 tuổi, cùng trú huyện Tân Yên, Bắc Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Cả làng “ôm” nợ

Chiều muộn, chúng tôi về làng biển Xuân Bắc, xã Diễn Vạn (Diễn Châu), hỏi đến các gia đình vừa bị các đối tượng lừa đi XKLĐ sang Hàn Quốc và Canada, ai cũng nhiệt tình chỉ lối: “Mong các chú viết báo, cơ quan chức năng vào cuộc để sớm giúp người ta lấy lại được tiền từ những kẻ bất lương. Họ đều là nông dân, phần lớn là tiền vay, khổ lắm, dừ lấy chi mà trả nợ?” Qua những đoạn đường đất nhỏ, hẹp, chúng tôi vào nhà chị Hoàng Thị Hồng, chồng là Phạm Ngọc Tâm, 1 trong 9 gia đình là nạn nhân của đường dây lừa đảo. Chị Hồng buồn bã: “Nhà tui có 3 người con. Phạm Thị Xuân là con gái đầu (SN 1995). Năm ngoái, cháu vừa tốt nghiệp THPT, không có việc làm, chú Lâm (đối tượng Chu Ngọc Lâm – PV) đến nhà nói rằng, sắp tới có mấy suất đi XKLĐ sang Hàn Quốc, nếu anh chị đồng ý cho cháu đi thì khẩn trương làm hồ sơ và nộp tiền cho em. Vì Lâm làm ở xưởng sản xuất tăm hương trong xóm đã lâu, lâu nay ăn ở với mọi người cũng tốt, nên gia đình hoàn toàn tin tưởng”.

Trong xóm Xuân Bắc còn có 5 trường hợp là anh em, họ hàng của gia đình chị Hồng, anh Tâm được Lâm môi giới đi XKLĐ. Tin lời Lâm, kỳ vọng được “đổi đời” sau khi con em mình được đi XKLĐ sang Hàn Quốc và Canada, mỗi gia đình đã vay mượn 120 triệu đồng nộp cho Lâm. Đầu tháng 3/2014, nghe tin đường dây tuyển người đi LĐXK của Lâm bị công an bắt, 9 gia đình của xã Diễn Vạn thất vọng đến tột cùng. Mỗi gia đình ôm một món nợ khổng lồ. Để có tiền nộp cho Lâm, họ đã thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, thậm chí phải vay nặng lãi của cá nhân. Gia đình chị Hồng, trong số 120 triệu đồng, có 70 triệu đồng là vay ngân hàng, 50 triệu đồng vay nặng lãi của người dân trong xã. Mỗi tháng gia đình chị Hồng phải trả tiền nặng lãi với số tiền 2,5 triệu đồng. Chị thở dài: “Cuộc sống gia đình dựa vào 6 sào ruộng lúa, 3 đứa con đang tuổi ăn học, chồng đi làm thuê nay việc này mai việc khác, lấy tiền mô mà trả được món nợ này. Bây giờ ngồi nghĩ đến món nợ đó mà không ăn, không ngủ được”.

Khốn khổ nhất có lẽ là trường hợp chị Phạm Thị Phục. Năm ngoái mẹ chị Phục bị bệnh ung thư, gia đình phải vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho bà. Bà mất, gia đình phải gánh khoản nợ khá lớn. Khi nghe Lâm môi giới đi XKLĐ sang Hàn Quốc, mấy chị em chị Phục vay mượn khắp nơi để lo cho đứa em là Phạm Văn Tưởng đi làm ăn, mong có tiền gửi về cho gia đình trả nợ. Nào ngờ, mắc bẫy lừa đảo, gia đình chị Phục phải gánh thêm món nợ lớn hơn.

Ngược lên xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, qua tìm hiểu được biết, Chu Ngọc Lâm sinh năm 1982, trong một gia đình ở xóm 8. Học hết THPT, Lâm không có việc làm ổn định. Sau nhiều năm vào miền Nam làm ăn bằng nghề tự do, Lâm về quê, góp vốn vào một xưởng sản xuất tăm hương tại xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Quen biết với các đối tượng Giáp Văn Trung và Ngô Thu Lý, từ tháng 8/2012, Chu Ngọc Lâm tuyển người đi XKLĐ sang Hàn Quốc và Canada. Những đối tượng mà Lâm nhắm đến là con em của những gia đình thân quen. Gia đình ông Nguyễn Hải Bích (71 tuổi) ở xóm 6A, xã Tiến Thành có vợ là bà Nguyễn Thị Xoan (61 tuổi) trước đây từng dạy Lâm, mẹ của Lâm là đồng nghiệp của bà Xoan.

Tháng 6/2013, thấy gia đình bà Xoan có con trai là Nguyễn Hải Hậu (SN 1991) chưa có việc làm, Lâm đến nhà gạ gẫm. Y tự xưng có quen biết với một số người làm việc ở Thanh tra Chính phủ và Bộ Ngoại giao hiện đang tuyển người đi LĐXK sang Hàn Quốc. “Lẽ ra không còn suất nào, nhưng do 1 người đăng ký đi, nhưng lại thi đậu đại học nên hủy không đi nữa. Gia đình có thể “chèn ngang” suất này. Lẽ ra, gia đình phải nộp lệ phí 15 nghìn USD, nhưng Công ty điện tử Sam Sung – Hàn Quốc cho vay 7 nghìn USD, sau khi sang Hàn Quốc làm rồi trả dần”. Nghe Lâm có lý, lại tin tưởng y là con cháu trong xã, quen biết từ lâu, nên gia đình bà Xoan vội vay 2.000 USD để nộp tiền cọc cho Lâm. Sau khi làm xong hồ sơ, gia đình bà Xoan vay thêm 5 nghìn USD nộp cho Lâm. Bà Xoan gạt nước mắt, nghẹn ngào: “Ông bà già, con cái lại khó khăn, nay ôm món nợ gần 150 triệu đồng, biết khi mô mà trả được đây”.

Không những người dân, mà ngay cả cán bộ xã là ông Đặng Xuân Ty - Phó Chủ tịch UBND xã và anh Trần Đình Cẩm, Phó công an xã Tiến Thành cũng bị các đối tượng này lừa đưa con đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Cả 2 gia đình anh Ty và anh Cẩm, mỗi gia đình nộp cho đối tượng Giáp Văn Trung 10.000 USD và 3 triệu đồng tiền Việt Nam.

Khát khao có việc làm, mong được “đổi đời”, không một chút cảnh giác, những người nông dân chân lấm tay bùn trở thành những nạn nhân của đường dây lừa đảo, nợ nần chồng chất.

Bài học cảnh giác

Đây không phải là vụ lừa đảo đi XKLĐ đầu tiên trên địa bàn huyện Yên Thành. Cách đây 7 năm (năm 2006) trên địa bàn huyện Yên Thành có 25 nông dân nghèo bị Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Cửu Long lừa đưa sang lao động tại Malaysia với số tiền 500 triệu đồng. Thế nhưng, chính quyền xã vẫn không cảnh giác trước những đối tượng lạ mặt lén lút vào địa bàn tuyển người đi XKLĐ bằng những chiêu bài lừa đảo tinh vi, đánh trúng tâm lý người dân. Ông Phạm Xuân Tuyết, Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho biết: “Vụ lừa đảo đi XKLĐ sang Hàn Quốc và Canada trên địa bàn xã Tiến Thành mà Công an huyện Yên Thành vừa phát hiện, bắt giữ, huyện không hề biết, vì các đối tượng này lén lút vào địa bàn hoạt động, không có sự can thiệp của chính quyền địa phương cơ sở”. Qua vụ việc này cho thấy, nếu cán bộ xã Tiến Thành cẩn trọng với những đối tượng này, kịp thời báo cáo lên chính quyền huyện và cơ quan chức năng để xác định rõ các cá nhân, tổ chức tuyển người đi XKLĐ, để tuyên truyền cho người dân, thì sẽ ngăn chặn được hành vi lừa đảo. Đây là bài học các địa phương cần rút kinh nghiệm.

Hiện nay, lực lượng lao động trẻ thiếu việc làm nhiều, giấc mơ đi xuât khẩu lao động mong được “đổi đời” là điều ai cũng mong muốn. Chính vì lẽ đó, nhiều đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, hạn chế về hiểu biết của người dân, lừa người đi XKLĐ để lấy tiền, hậu quả là người dân gánh chịu. Theo các cơ quan chuyên môn, để hạn chế tình trạng lừa đảo, chính quyền địa phương từ xã đến huyện cùng với các cơ quan chức năng như Sở LĐ-TB&XH, phòng LĐ-TB&XH huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về định hướng XKLĐ. Bên cạnh đó cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra định kỳ về hoạt động xuất khẩu lao động tại các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động; thanh, kiểm tra bất thường tại các doanh nghiệp XKLĐ khi nhận được thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân, từ các phương tiện thông tin đại chúng, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoặc chuyển hồ sơ tới cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng có dấu hiệu phạm tội theo Bộ luật Hình sự. Về phía doanh nghiệp XKLĐ: Cần công bố thông tin một cách công khai, minh bạch về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và nhất là chi phí đưa đi đối với từng thị trường; chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Về phía người lao động: Cần tỉnh táo, nắm bắt được thông tin chính xác. Khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, hãy liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, thông qua Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động địa phương và các công ty có chức năng XKLĐ, không đi qua môi giới, cò mồi.

Văn Trường - Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Phát hiện đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động quy mô lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO