Phát huy hiệu quả vốn vay chính sách ở Quỳ Châu
(Baonghean) - Về bản Hội 3, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, hỏi về mô hình sản xuất, kinh doanh của chị Hà Thị Đào không ai không biết. Chị Đào là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Nông dân Bản Hội 3, xã Châu Hội; là gương sáng làm ăn giỏi nhờ vốn vay ngân hàng chính sách.
Bản Hội 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn và vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Chị Đào cho hay: “Trước đây, gia đình tôi lấy nghề nông làm chính, là một trong những hộ nghèo thuộc diện khó khăn trong bản với 5 khẩu, 2 vợ chồng là lao động chính và 3 con đang tuổi ăn học. Nguồn thu nhập chính là từ sản xuất, chăn nuôi nông nghiệp, ngoài ra không có thu nhập gì khác.
Trong lúc khó khăn, thiếu vốn làm ăn thì trong một lần đi họp bản nghe trưởng bản phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cho vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo và gia đình chính sách, tôi đã tìm hiểu và thống nhất với gia đình đăng ký gia nhập tổ tiết kiệm và vay vốn”.
Rừng keo của gia đình chị Hà Thị Đào. Ảnh: Việt Phương |
Cuối năm 2010, gia đình chị Đào vẫn còn là hộ nghèo. “Sau nhiều suy nghĩ và qua họp ở bản, họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi được nghe cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội và cán bộ khuyến nông tuyên truyền gương làm ăn điển hình có hiệu quả; rồi tôi được tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh cho trâu, bò, biết được chu kỳ sinh sản của vật nuôi. Vì thế, vợ chồng tôi quyết tâm vay thêm tiền để mua thêm trâu bò” - chị Hà Thị Đào chia sẻ.
Tháng 7/2011, gia đình chị Đào được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng. Cùng với vốn của nhà, gia đình mua thêm 1 con bê và 2 con trâu sinh sản trị giá 25 triệu đồng. Nhờ áp dụng kiến thức học được, cộng với tập trung sức lực vào chăm sóc và tăng cường công tác tiêm phòng định kỳ nên đàn trâu bò phát triển khá. Sau đó, chị Đào tiếp tục vay thêm 8 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng thêm chuồng trại và nước sinh hoạt.
Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, năm 2013 gia đình chị Đào thoát khỏi hộ nghèo và hoàn thành trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2014 được Nhà nước cấp thêm đất rừng với diện tích 14ha canh tác 50 năm, tháng 5/2015 gia đình tôi tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để trồng cây keo và trồng cỏ chăn nuôi đàn trâu, bò.
Nhờ nguồn vốn ngân hàng chính sách, chị Đào Thị Hà ở bản Hội 3, xã Châu Hội, Quỳ Châu đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Việt Phương |
Việc chăn nuôi, sản xuất kinh doanh của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động của gia đình và địa phương. Đặc biệt, niềm vui to lớn và hãnh diện nhất của gia đình chị đó là đứa con gái út đã trúng tuyển vào Trường Đại học Vinh năm 2014, hiện nay đang tiếp tục theo học năm thứ 4, gia đình có đủ điều kiện để lo cho cháu ăn học tử tế.
Năm 2015, gia đình chị Hà Thị Đào được bình chọn là một trong những hộ gia đình sản xuất kinh doanh tiêu biểu của toàn huyện. Chị Hà chia sẻ: Để có được như ngày hôm nay có thể đối với nhiều người là điều không quá lớn lao nhưng đối với gia đình và cá nhân tôi, trong điều kiện địa phương nơi tôi sinh sống còn rất nhiều khó khăn thì đó là cả một giấc mơ thực sự, giấc mơ mà trước kia tôi chưa từng mơ tới. Trong đó Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu, cán bộ Hội Nông dân xã Châu Hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản là những người có công rất lớn... Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục sử dụng đồng vốn có hiệu quả, chấp hành trả nợ gốc lãi đầy đủ đúng theo định kỳ, đồng thời có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và vận động bà con làng bản, thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, chấp hành tốt quy ước hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn đã đề ra, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.