Phát huy hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em
(Baonghean.vn) - Trong năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp ở Nghệ An đã có nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí lành mạnh; được đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, thân thiện.
Trong năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 11/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 840/QĐ-UBND ngày 01/4/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 04/4/2023 kế hoạch thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023 và nhiều văn bản khác liên quan.
Cùng với đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cộng đồng, gia đình về việc thực hiện quyền trẻ em và các vấn đề về trẻ em ngày càng nâng lên, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và của cộng đồng, gia đình ngày càng chặt chẽ, tích cực và hiệu quả.
Hiện, toàn tỉnh có 97% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý theo dõi trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Các vụ xâm hại trẻ em tuy vẫn giảm chậm nhưng các vụ việc được phát hiện và xử lý tăng lên. Tai nạn, thương tích (đặc biệt là đuối nước trẻ em và tai nạn giao thông) giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022; tổng số lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi có chiều hướng giảm rõ rệt.
Các chương trình, đề án bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm chỉ đạo, đầu tư và huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ. Công tác bảo trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từng bước được nâng lên, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
Việc phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được chú trọng, trẻ em nhiều nơi kể cả vùng sâu vùng xa vùng khó khăn đã được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ thiết yếu, được quan tâm chăm sóc về thể chất, tinh thần.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 13.027 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có 132.285 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số trẻ em, có 51.943 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo. Điều này dẫn tới những khó khăn trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ, bởi những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thuộc hộ nghèo thường ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế còn hạn chế. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì bố mẹ và người giám hộ trẻ cũng thường rơi vào hoàn cảnh đó và không chủ động trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ cho trẻ. Vì thế, trẻ đã khó khăn lại càng khó thoát khỏi sự nghèo túng, bệnh tật.
Một yếu tố nữa khiến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ gặp khó khăn là hiện nay trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do được tiếp cận, sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ. Nhiều trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện game, điện tử, dẫn đến bị lợi dụng, bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng.
Cùng với đó, nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, tảo hôn nói riêng của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng từ cấp tỉnh đến địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc. Công tác truyền thông vận động, nâng cao năng lực về lĩnh vực bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên, chưa rộng khắp, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa; việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho chính trẻ em, học sinh về phòng, chống đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em, tảo hôn... cũng như những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi đang còn hạn chế.
Từ thực tế trên, thời gian tới, theo trao đổi của đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - TB&XH: Chúng ta tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trẻ em; đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó, tập trung vào công tác phòng chống tai nạn thương tích đuối nước, bạo lực, xâm hại, tảo hôn và phòng chống suy dinh dưỡng...
Các sở ban ngành, địa phương không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng, hoạt động về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho mọi thành viên trong gia đình, nhà trường và cho chính trẻ em; tiếp tục tổ chức phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh, điều tra, xác minh, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng đối tượng.
Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền, cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
Tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát động phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; vận động đoàn viên, hội viên tham gia phát hiện, tố giác đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em; nhân rộng mô hình nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ bảo vệ trẻ em, văn phòng tư vấn tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; nhân rộng các mô hình, điểm tư vấn trẻ em tại cộng đồng và các trường THCS; tăng cường vận động xã hội hóa các hoạt động, dịch vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.