Phát huy lợi thế "vệ tinh"

17/03/2014 22:29

(Baonghean) - Nghi Lộc nằm ở vị trí cửa ngõ của Thành phố Vinh, có nhiều trục đường giao thông quan trọng đi qua, là vệ tinh của hai đô thị Vinh, Cửa Lò. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Nghi Lộc bứt phá trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ - du lịch.

Những ngày đầu tháng 3, thời tiết nắng ấm sau đợt mưa phùn gió bấc kéo dài, theo Quốc lộ 46 phẳng phiu, người và xe tấp nập, chúng tôi đến xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc. Khác với không khí tĩnh lặng, đìu hiu của phố biển Cửa Lò những ngày ngủ đông, ở xã Nghi Khánh, khách du lịch vẫn khá tấp nập. Đa số du khách đến Nghi Khánh là để thưởng thức các đặc sản biển, từ lâu nay vẫn gắn với thương hiệu “hồ tôm Nghi Khánh”. Là vùng giáp ranh, khi mà Cửa Lò đã trở thành một đô thị du lịch năng động, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm thì khu vực tiếp giáp của xã Nghi Khánh vẫn đang là một bãi hoang, lầy lội. Là những người năng động, chịu khó, ham học hỏi, người dân Nghi Khánh đã mạnh dạn cải tạo vùng lầy hoang này thành những hồ nuôi tôm nước lợ.

Ít năm sau, khi hiệu quả từ chăn nuôi tôm không được như mong muốn, người dân Nghi Khánh đã tính đến việc chuyển đổi. Ban đầu, vài hộ chuyển từ nuôi tôm sang kinh doanh quán ăn với đặc sản chính là các món ăn từ tôm. Nhờ sự cần cù, chịu khó, buôn bán với giá phải chăng, thực phẩm sạch, tươi ngon nên dần dần thương hiệu hồ tôm Nghi Khánh “được lòng” thực khách. Sự mạnh dạn, táo bạo của những người dân ở Nghi Khánh đã dần biến bãi lầy hoang hóa thành một vùng dịch vụ phát triển, mang dáng dấp của đô thị trong tương lai. Hiện nay, ở Nghi Khánh có chuỗi hơn 10 nhà hàng ẩm thực lớn, thu hút du khách và dần khẳng định được thương hiệu hồ tôm Nghi Khánh, phát triển ẩm thực 4 mùa thay vì chỉ riêng mùa hè như ở Thị xã Cửa Lò.

Sản xuất đồ gỗ ở Nghi Thái (Nghi Lộc).
Sản xuất đồ gỗ ở Nghi Thái (Nghi Lộc).

Rời khu ẩm thực sôi động, chúng tôi tìm về Nghi Xá, vùng đất tiếp giáp với Khu công nghiệp Nam Cấm và là nơi mà rất nhiều diện tích đất của bà con đã được thu hồi để phục vụ phát triển công nghiệp. Rẽ qua con đường Đức – Thiết vào khu vực xóm 8, 9 của xã, không khí rộn ràng, nhộn nhịp khác hẳn với vẻ tĩnh mịch của làng quê nghèo. Vừa lo bán hàng cho các công nhân, chị Võ Thị Hòa vừa trả lời một số công nhân khác về những dãy phòng trọ mới xây của mình. Là những hộ dân thuộc diện thu hồi đất, vợ chồng chị Hòa phải làm thuê đủ nghề ở khắp Bắc chí Nam để kiếm sống. Tháng 6/2013, sau khi Nhà máy điện tử BSE Hàn Quốc đi vào hoạt động ở Khu công nghiệp Nam Cấm, vợ chồng chị đã vay ngân hàng, xây dãy nhà trọ với 6 phòng khép kín.

Phòng xây xong đã có công nhân đến thuê với giá 500 ngàn đồng/phòng/tháng. Hiện nay, cả 6 phòng đều kín người ở và mang lại thu nhập đều đặn 3 triệu đồng/tháng cho gia đình. Ngoài ra, chị Hòa còn bán thêm một số mặt hàng thực phẩm để phục vụ công nhân khu công nghiệp nên cũng tạm có đồng ra, đồng vào, cuộc sống đỡ vất vả hơn so với trước đây. Ở xóm 8, xã Nghi Xá, ông Nguyễn Đình Đức được biết đến là hộ dân đầu tiên xây dựng phòng trọ cho công nhân thuê. Hiện nay, ông Đức có 20 phòng trọ, cho thu nhập ổn định. Theo nhẩm tính của Xóm trưởng Trần Đình Phước, hiện nay, cả xóm có hơn 200 phòng trọ cho thuê. Dự kiến, trong năm nay, hầu hết tất cả các gia đình trong xóm đều sẽ xây dựng nhà trọ và số phòng cũng sẽ tăng lên gấp đôi.

Từ ngày các nhà máy về làng, nếp sống của làng quê Nghi Xá cũng dần có những bước chuyển đổi trông thấy. Thay vì đầu tắt mặt tối với con trâu, cái cày, với ruộng mạ, luống khoai thì các cặp vợ chồng trẻ vào công ty làm việc theo ca, kíp, các cụ già ở nhà trông cháu, trông coi phòng trọ, một số buôn bán hàng tạp hóa lặt vặt phục vụ công nhân.

Có thể khẳng định rằng, trong vài năm trở lại đây, ngành thương mại, dịch vụ ở huyện Nghi Lộc phát triển khá nhanh với nhiều loại hình dịch vụ, nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Nếu như trước đây, các xã vùng miền núi phía Tây của huyện vốn nổi tiếng với sự khó khăn thì nay, người dân ở các khu vực này đang từng bước biến những lợi thế về đường giao thông, địa hình để phát triển các loại hình dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, buôn bán các loại lâm, đặc sản. Trong khi đó, các xã vùng phía Đông như Nghi Xuân, Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Phong cũng đang phát huy rất tốt thế mạnh của một khu vực vệ tinh Thành phố Vinh, các xã như Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Hợp, Nghi Xá cũng đang từng bước chuyển mình với vai trò là vùng vệ tinh của đô thị du lịch biển Cửa Lò,…

Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Nghi Lộc, năm 2013, toàn huyện có hơn 4.000 hộ tiểu thương và dịch vụ chuyên doanh tư nhân, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động trên địa bàn và mang lại tổng giá trị 1.253 tỷ đồng. Hiện nay, trong tổng số 30 xã, thị trấn của huyện thì có 22 đơn vị đã có chợ nông thôn. Các xã còn lại là Nghi Công Bắc, Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Xá, Nghi Phong, Nghi Thuận thể xây dựng được chợ vì những khó khăn về kinh phí. Việc phát triển các ngành dịch vụ, thương mại ở Nghi Lộc đã dần hình thành nên những khu vực năng động, mang dáng dấp đô thị như Nghi Lâm, Quán Hành, Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Thái,…

Ông Lê Anh Xuân, Phó phòng Công thương huyện Nghi Lộc cho biết, những thành tựu như trên là kết quả cụ thể của việc thực hiện Nghị quyết 09, BCH Đảng bộ khóa 26 về phát triển thương mại – dịch vụ và du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015. Với mục tiêu khai thác, phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch. Không ngừng tăng nhanh tỷ trọng về giá trị sản xuất trong cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển hạ tầng kỹ thuật. Từng bước hình thành hệ thống thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển đồng đều ở các vùng và có trung tâm trọng điểm đưa thương mại - dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế chủ yếu, góp phần chuyển nhanh cơ cấu kinh tế, tăng tốc độ đô thị hoá trên địa bàn. Thực hiện nghị quyết này, tất cả các địa phương trong huyện đều quy hoạch và phát triển các ngành dịch vụ, thương mại cũng như có một số cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển tùy theo đặc thù và vị trí địa lý của mỗi địa phương.

Là cửa ngõ của Thành phố Vinh, có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 46 và nhiều tuyến đường quan trọng khác của tỉnh đi qua như Tỉnh lộ 534, đường Vinh – Cửa Hội, đường tránh Thành phố Vinh, đường ven sông Lam. Đây cũng là vùng vệ tinh của hai đô thị Vinh và Cửa Lò, có Khu công nghiệp Nam Cấm, tiếp giáp với Khu kinh tế Đông Nam, có vùng rừng núi, vùng cửa sông, cửa biển… có thể thấy, Nghi Lộc có tất cả các yếu tố cần thiết để phát triển mạnh mẽ ngành thương mại - dịch vụ - du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành thương mại – dịch vụ - du lịch ở huyện Nghi Lộc đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Quy mô ngành còn nhỏ lẻ, phát triển chưa đồng đều, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, chưa thu hút nhiều lao động, chưa gắn kết được giữa người kinh doanh thương mại với hộ nông dân sản xuất nông, lâm, hải sản.

Hệ thống hạ tầng thương mại, chợ nông thôn trên địa bàn chưa phát triển, cả huyện chưa có một Trung tâm thương mại, siêu thị nào, các chợ nông thôn đa số là chợ tạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường, công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được quan tâm. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ và du lịch còn yếu như đường giao thông, điện, cấp thoát nước gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, mất cảnh quan chưa hấp dẫn các tổ chức và cá nhân đầu tư vào địa bàn. Tiềm năng du lịch biển, làng nghề, du lịch tâm linh lớn nhưng khai thác còn chậm. Đa phần sự chuyển biến của các ngành, nghề thương mại, dịch vụ ở huyện là do sự nhanh nhạy, chủ động của người dân, chính quyền địa phương chưa thể hiện được vai trò đậm nét của mình trong quá trình phát triển.

Trước thực trạng đó, Nghi Lộc cần có những chính sách khuyến khích phát triển ngành thương mại - dịch vụ - du lịch; sớm có sự quy hoạch hợp lý về hướng phát triển của từng địa phương cụ thể để phát huy tốt thế mạnh của từng khu vực; cần phải đồng hành, trăn trở cùng người dân trong việc tìm ra hướng đi, cách làm hiệu quả; làm tốt vai trò cầu nối giữa các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch với các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khác…

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Phát huy lợi thế "vệ tinh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO