Phát huy truyền thống đất học

Giữ vững chất lượng mũi nhọn, nâng cao chất lượng đại trà và thực hiện kiên trì, có hiệu quả về đổi mới giáo dục là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục Nghệ An trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đây cũng là một nhiệm kỳ mà Nghệ An đã có nhiều bứt phá, vượt qua khó khăn để tiếp tục khẳng định là một trong những “đầu tàu” trong hệ thống giáo dục cả nước.

Trong 5 năm qua, đồng hành với ngành Giáo dục, tỉnh Nghệ An đã ban hành các cơ chế, chính sách, nghị quyết, kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực của tỉnh. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao tập trung mọi nguồn lực đầu tư, ưu tiên trước hết cho phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực đã tạo tiền đề để ngành Giáo dục tỉnh nhà triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời, tạo cơ chế để ngành mạnh dạn tiên phong xây dựng những chương trình hiệu quả và ý nghĩa, có tính thiết thực, sát với cơ sở. Thực tế, nhiều vấn đề lớn của giáo dục cả nước có sự tham gia đóng góp từ thực tiễn phát triển của giáo dục và đào tạo Nghệ An.

Điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 được sát nhập từ 2 điểm trường Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2
Điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 được sát nhập từ 2 điểm trường Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2

Tỉnh cũng đã tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 – 2020. Trong đó, vấn đề được chỉ đạo quyết liệt đó là sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, lẻ, đến nay đã giảm được 416 điểm trường lẻ, sáp nhập giảm được 49 trường có quy mô nhỏ. Hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, yêu cầu phát triển của địa phương, yêu cầu đổi mới, chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa giáo dục và đào tạo.

Thực hiện đổi mới giáo dục, ngành Giáo dục Nghệ An cũng xác định chất lượng giáo viên là tiêu chí đầu tiên tạo nên thành công. Vì thế, trong thời gian qua, ngành đã tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, có năng lực chuyên môn sâu, trình độ sư phạm vững vàng, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; đặc biệt đến nay, cơ bản đảm bảo yêu cầu quy định của Luật Giáo dục 2019 sớm hơn theo lộ trình chuẩn hóa.

Phòng học tiếng Anh tại THPT Mường Quạ, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Phòng học tiếng Anh tại THPT Mường Quạ, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

Để có được kết quả này, Nghệ An ưu tiên bồi dưỡng và tập huấn cho hơn 2.000 giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán ở các trường tiểu học để triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 1. Đến nay, hơn 500 hiệu trưởng các trường THCS và THPT cùng hơn 10.051 giáo viên THCS triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu sẽ được thực hiện từ lớp 6 ở năm học tới.

Trong những năm qua, việc xây dựng, triển khai linh hoạt các mô hình trường học mới được chú trọng như các chương trình dự án SEQAP, VVOB; đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá ở giáo dục phổ thông; trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; làm tiền đề để đúc rút kinh nghiệm trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và GDMN sau 2020. Ngành cũng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, gắn việc xây dựng trường với cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực...
Đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực...

Từ năm học 2019 – 2020, mô hình trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã được thí điểm tại 14 trường trung học. Qua đó làm nòng cốt, đi đầu trong thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, năng khiếu của học sinh, tiến tới xây dựng mô hình trường học tiên tiến theo hướng chuẩn quốc tế.

Trong những năm gần đây, chúng ta cũng đã bước đầu kết nối và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Đó là hợp tác với Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam xây dựng đề án thành lập Trung tâm Khảo thí và Đào tạo quốc tế tại thành phố Vinh; hợp tác với Tập đoàn TH, TH School triển khai dự án đào tạo tích hợp chương trình quốc tế tại các trường trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục tiên tiến cho người học. Đặc biệt, xác định ngoại ngữ là “cầu nối” quan trọng để nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đáp ứng hội nhập quốc tế và thời đại công nghệ 4.0, nên việc dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường được thúc đẩy với nhiều chính sách “mở” như đẩy mạnh chương trình dạy Tiếng Anh tăng cường, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá chương trình theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, tăng cường môi trường giao lưu thực hành cho giáo viên và học sinh.

Dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường được thúc đẩy với nhiều chính sách “mở”...
Dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường được thúc đẩy với nhiều chính sách “mở”...

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi: Với những thành công đã đạt được, bước sang nhiệm kỳ mới, tin tưởng ngành Giáo dục Nghệ An sẽ tiếp tục giữ vững được thành tích và là một trong những đơn vị tiên phong trong quá trình đổi mới giáo dục; lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực phát triển để xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà.

Trong giai đoạn 2015-2020, số lượng học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế của Nghệ An liên tục đứng tốp đầu cả nước. Toàn tỉnh có 437 học sinh đạt giải HSG Quốc gia; 14 Huy chương các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Riêng năm học 2018 – 2019, Nghệ An là tỉnh có số lượng học sinh đạt giải tất cả các môn thi HSG quốc tế.

Kết quả thi THPT hàng năm có sự tăng trưởng, hàng năm số học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao thuộc tốp đầu toàn quốc. Chất lượng giáo dục miền núi từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và số học sinh khá giỏi tăng qua các năm. Kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2019 – 2020, có 39 em học sinh người dân tộc thiểu số đạt điểm cao (từ 23,55 điểm trở lên) ở các khối thi, trong đó có 8 em được UBND tỉnh khen thưởng, vinh danh.