Phát huy vai trò cán bộ viên chức dân số

28/05/2015 16:45

(Baonghean) - Hiện 480 xã, phường trên địa bàn tỉnh có cán bộ viên chức dân số - KHHGĐ được tuyển dụng và trở thành cán bộ, viên chức, họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề và có những đóng góp tích cực vào chuyển biến của ngành, giúp cho công tác dân số ở cơ sở có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Cánh Tráp là bản có số hộ và số khẩu đông nhất xã Tam Thái (Tương Dương). Hiện tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của bản chiếm hơn 70%, vậy nên nhiều năm nay chị Vang Thị Trang, cán bộ viên chức dân số của xã phải bám sát địa bàn. Chị Trang cùng với cộng tác viên dân số đã phải đến từng nhà, đặc biệt là những nhà sinh con một bề để hướng dẫn, tuyên truyền, động viên các gia đình thực hiện tốt các chính sách dân số. Là người trong xã, hiểu được tập tục văn hóa, truyền thống của bà con nên trong quá trình tuyên truyền, vận động chị nắm rõ từng hoàn cảnh, từng tâm tư tình cảm của chị em để trò chuyện. Những vấn đề khó, chị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng thực hiện.

Trong số 18 cán bộ viên chức dân số của huyện Tương Dương được tuyển dụng năm 2013, Vang Thị Trang là người duy nhất được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong quá trình làm việc chị luôn trăn trở để làm sao tham mưu được nhiều kế hoạch cụ thể cho Đảng ủy, cho xã về hoạt động của công tác dân số. Chị đã tham mưu cho chính quyền địa phương đưa những quy định về thực hiện chính sách dân số vào quy ước, hương ước của thôn bản. Thông qua đó, không chỉ kêu gọi được các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc mà còn huy động được các già làng, trưởng bản, những người có chức trách trong dòng họ cùng hỗ trợ với ngành Dân số trong việc thực hiện KHHGĐ. Đồng thời đẩy mạnh mô hình tăng cường cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên đến 8/8 bản trong xã thông qua CLB “Chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Phối hợp với đài truyền thanh đưa tin, bài, các thông tin, kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ để người dân hiểu hơn về công tác dân số… Với sự nỗ lực đó, đến thời điểm này Tam Thái là xã duy nhất trong toàn tỉnh 3 năm liền không có người sinh con thứ 3. Nói về công việc của mình, chị Trang tâm sự: Từ sau khi được tuyển vào làm viên chức chính thức mình được tạo điều kiện bồi dưỡng về nghiệp vụ, nâng cao chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương).
Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương).

Ông Vi Văn Cầm, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Tương Dương cho biết: Trước đây, các xã đều có cán bộ làm công tác dân số nhưng đều là “bán chuyên trách”, nhiều người cùng một lúc phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, khi chưa tuyển dụng, trình độ viên chức không đồng đều, hiện tại tất cả cán bộ, viên chức đều đạt chuẩn, được đào tạo bài bản, có kỹ năng, nghiệp vụ nên trong quá trình tham mưu, phối hợp với các ban, ngành có hiệu quả và tích cực hơn. Tiếng nói của họ đối với chính quyền cũng có trọng lượng hơn rất nhiều…

Hai năm trở lại đây, nhiều chỉ tiêu về Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực: Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 1,16% xuống còn 1,08%; Số xóm, khối, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên tăng từ 1.855 lên 2.375 xóm, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tăng từ 79% lên đến 88%... Để có được những kết quả này một phần nhờ thời gian qua bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ được hoàn thiện và ổn định. Hầu hết cán bộ, viên chức dân số ở các địa phương đều tham mưu kịp thời để có những quy định cụ thể về chính sách khen thưởng đối với các đơn vị làm tốt công tác chính sách dân số.

Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và đưa chỉ tiêu về dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm. Và điều quan trọng là từ sau khi được tuyển dụng, tư tưởng của các cán bộ, viên chức dân số được ổn định hơn, được các địa phương tạo điều kiện hơn trong quá trình hoạt động và thực hiện các chương trình. Chia sẻ thêm về điều này, chị Nguyễn Thị Thảo, cán bộ dân số xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương tâm sự: Được tuyển dụng vào công chức là động lực giúp chúng tôi yên tâm công tác, gắn bó với nghề, phải luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Đồng thời không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Trong số 480 viên chức dân số được tuyển dụng, có 2 người có trình độ thạc sỹ, 89 người có trình độ đại học, 50 người có trình độ cao đẳng và 339 người có trình độ trung cấp. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó phòng Tổ chức tổng hợp, hành chính - Chi cục Dân số/Kế hoạch hóa gia đình tỉnh nhận xét: Sau gần 2 năm bố trí lại cán bộ, viên chức Dân số - KHHGĐ xã, phường, thị trấn, chất lượng cán bộ dân số đã được nâng lên, nhất là sau khi tỉnh ta về cơ bản đã tổ chức cho 100% cán bộ dân số được tham gia khóa học về “Bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - KHHGĐ” đạt chuẩn viên chức. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ cán bộ dân số cũng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, bởi hiện tại dù đã đạt chuẩn nhưng đa phần đều đang ở trình độ trung cấp, số người được đào tạo y tế và chuyên ngành khoa học - xã hội chỉ mới được hơn 50%, tỷ lệ chuyên trách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn còn thấp….

Mỹ Hà

Mới nhất
x
Phát huy vai trò cán bộ viên chức dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO