Phát huy vai trò nông dân trong hội nhập và phát triển

12/10/2017 16:00

(Baonghean) - Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn Nghệ An tích cực chủ động phối hợp và trực tiếp triển khai các chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện giúp các hội viên và nông dân phát triển kinh tế - xã hội. Nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2017), Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Bà con nông dân xóm 7, xã Nam Sơn tích cực sản xuất cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa. Ảnh: Xuân Hoàng
Bà con nông dân xóm 7, xã Nam Sơn (Đô Lương) tích cực sản xuất cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa. Ảnh: Xuân Hoàng

P.V: Đồng chí có những đánh giá như thế nào về kết quả nổi bật của các cấp Hội và hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị: Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh ta đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Phong trào này đang phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực; trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, tính đến nay toàn tỉnh đã có 272.491 hộ nông dân đăng ký trở thành hộ nông dân kinh doanh giỏi các cấp, trong đó số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2016 là 125.760 hộ, trong đó, cấp Trung ương đạt 556 hộ, cấp tỉnh đạt 4.072 hộ, cấp huyện 16.359 hộ và cấp cơ sở 104.638 hộ.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng cán bộ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An và thị xã Cửa Lò thăm quan học hỏi mô hình trồng rau trên đất cát ven biển ở xã Thạch Văn (Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Lê
Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng cán bộ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An và thị xã Cửa Lò thăm quan học hỏi mô hình trồng rau trên đất cát ven biển ở xã Thạch Văn (Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Lê

Song song với đó, Hội chỉ đạo các cấp Hội xây dựng được 266 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả nhằm khôi phục và phát triển các loại cây, con là đặc sản địa phương và ngành nghề truyền thống, theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi dê thịt ở Nghĩa Đàn, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng ở xã Tân Lạc (Quỳ Châu), mô hình làm nhà lưới trồng rau trái vụ ở thành phố Vinh, mô hình trồng cam chất lượng cao ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp); mô hình trồng nấm và mộc nhĩ ở xã Thái Sơn (Đô Lương)...

Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Kết quả, tính đến nay các cấp hội Nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân toàn tỉnh đóng góp được 6.948,8 tỷ đồng, chiếm 28,5% tổng nguồn vốn huy động để xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, đóng góp bằng tiền là 5.194 tỷ đồng; hiến đất được 5.761.000m2 đất; gần 5 triệu ngày công lao động. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 152/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân đã được nâng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình trồng cam ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thanh Lê
Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình trồng cam ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thanh Lê

P.V: Được biết, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị: Đúng vậy! Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội gắn với triển khai Quyết định 673- QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020.

Kết quả cụ thể trong 5 năm qua, các cấp hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp theo hình thức cho nông dân vay trả chậm không lãi suất được hơn 96.000 tấn vật tư phân bón các loại và nhiều loại thức ăn chăn nuôi với số lượng đạt trên 500 tấn, giúp nông dân phát triển sản xuất.

Để giúp nông dân thuận lợi trong việc vay vốn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đứng ra tín chấp ký hợp đồng thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp nông dân vay vốn sản xuất, đến nay đã xây dựng được 1.145 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 12.664 thành viên, dư nợ đạt 784,038 tỷ đồng; nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng 2.450 tổ tiết kiệm và vay vốn với 77.656 thành viên tham gia chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, dư nợ 2.095 tỷ đồng.

Đồng thời, các cấp hội Nông dân tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã được thành lập ở tỉnh và 21 huyện, thành, thị. Tính đến ngày 30/9/2017, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và huyện quản lý hơn 48,2 tỷ đồng, số vốn trên để cho các hộ nông dân vay đầu tư xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế.

Cùng với việc khai thác nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh, các sở, ban, ngành các cấp để thu hút nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến nay Hội Nông dân tỉnh đã được cấp hơn 4,6 tỷ đồng để mở 122 lớp đào tạo nghề cho 4.111 lao động nông thôn. Cùng đó, các cấp Hội đã bước đầu phối hợp với các doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ nông sản, đồng thời được cung cấp thông tin về giá cả thị trường tạo định hướng cho sản xuất, kinh doanh của nông dân phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình nuôi bò nhốt tại xã Văn Lợi (Quỳ Hợp). Ảnh: Thanh Lê
Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình nuôi bò nhốt tại xã Văn Lợi (Quỳ Hợp). Ảnh: Thanh Lê

P.V: Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung nhiệm vụ, giải pháp như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nhị: Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân để họ hiểu đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chỉ đạo các cấp Hội, đặc biệt là chi hội xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; kế hoạch, nhiệm vụ, bước đi cụ thể nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, từ cấp Hội đến hội viên nông dân sẽ nỗ lực tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010 - 2020”, Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đầu tư đúng mức, có chính sách hợp lý, tập trung xây dựng người nông dân mới có kiến thức và thể lực; có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, có tay nghề cao và chuyên nghiệp, hiểu biết về pháp luật, thị trường và phải biết liên kết với nhau để cạnh tranh thì mới đáp ứng yêu cầu của hội nhập.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh rất mong các ngành chức năng ưu tiên phối hợp với Hội Nông dân để giúp hội viên bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực như: nâng cao tri thức, kỹ năng ngành nghề, khả năng tiếp cận vốn vay, hướng dẫn nông dân tham gia có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được hưởng lợi từ thành quả đóng góp của chính mình. Đồng thời, đề nghị cấp trên ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, hợp lý để nông dân đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc liên kết “bốn nhà” để góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, phát triển bền vững, từ đó nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống cho người nông dân.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Lê (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Phát huy vai trò nông dân trong hội nhập và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO