Phát huy ý thức mỗi người
(Baonghean) - Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt chủ đề chính thức của ngày môi trường thế giới năm 2015 tại Việt Nam là: “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một Trái Đất bền vững”. Với chủ đề đó, ngày môi trường thế giới năm nay được tổ chức mít tinh trọng thể cấp quốc gia tại tỉnh Vĩnh Phúc, trao tặng giải thưởng Môi trường Việt Nam và hội thảo về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thông điệp của ngày môi trường thế giới tại Việt Nam năm nay là kêu gọi mọi người hãy tiêu dùng có trách nhiệm để bảo vệ Trái Đất, bảo vệ môi trường sống lâu dài của con người.
Theo đánh giá của Chương trình môi trường thuộc Liên Hợp quốc (UNEP) thì hệ thống sinh thái trên trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi, nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế. Vào năm 2050 dự kiến dân số thế giới chạm ngưỡng 9,6 tỷ người. Với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì chúng ta phải cần tới 3 Trái Đất mới đáp ứng được thói quen sinh hoạt và mức tiêu dùng của con người.
Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, tăng trưởng kinh tế còn dựa vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng (chủ yếu là khai thác tài nguyên), chậm chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Với mô hình tăng trưởng đó, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức sẽ nhanh chóng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng. Sản xuất công nghiệp với công nghệ lạc hậu làm mức tiêu hao nguyên liệu và năng lượng rất lớn kéo theo tỷ suất phát thải chốt ô nhiễm rất cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của con người không ngừng tăng, cộng với những thói quen tiêu dùng lạc hậu do phong tục, tập quán để lại, đã trở thành một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái.
Xưa nay, người Việt Nam quen tiêu dùng theo nhu cầu và túi tiền cá nhân, chưa nghĩ đến cộng đồng xã hội. Một bộ phận dân cư có thu nhập cao quen tiêu dùng một cách phung phí, chỉ nhằm phô trương sự giàu có của mình mà không nghĩ tới cộng đồng. Tiêu dùng quá mức cần thiết sẽ gây nhiều hậu quả: nhu cầu cung cấp sản phẩm ngày càng tăng, khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng lớn, tiêu thụ năng lượng ngày càng nhiều, tỷ suất phát thải chất ô nhiễm ra môi trường ngày càng cao. Đã đến lúc, mỗi người Việt Nam phải tạo cho mình thói quen tiêu dùng có trách nhiệm. Phải từ bỏ thói quen tiêu dùng theo tư duy “Có tiền mua tiên cũng được”. Có tiền nhưng mua cái gì, tiêu dùng như thế nào phải nghĩ đến cộng đồng.
Trái Đất dù bao la nhưng sức chịu đựng có hạn. Nếu con người cứ đào sâu xuống lòng đất, khoan sâu xuống đáy biển, nạo vét xuống lòng sông, san phẳng những cánh rừng nhằm khai thác tài nguyên, làm ra nhiều sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng một cách phung phí thì Trái Đất vĩ đại của chúng ta sẽ đến ngày kiệt quệ. Trước cơn lốc khai thác tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, các nhà khoa học đã nghĩ tới việc tìm kiếm một hành tinh khác để con người sinh sống. Nhưng đó chỉ là tư duy viễn tưởng, thông điệp của chúng ta là hãy bảo vệ Trái Đất bằng những hành động thiết thực. Sự phát triển của con người không nhất thiết phải trả giá bằng sự suy thoái của Trái Đất. Muốn bảo vệ Trái Đất thì con người phải biết sống bền vững, nghĩa là sống theo phương châm làm ra sản phẩm nhiều hơn và tốt hơn nhưng với sự tốn kém ít hơn. Để đạt mục đích đó, mỗi người hãy tiêu dùng có trách nhiệm để bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo đảm cuộc sống lâu dài cho con người.
Trần Hồng Cơ