Phạt nặng hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp

10/11/2017 13:06

Đại diện Liên minh châu Âu (EU) khuyến nghị Việt Nam cần có chế tài xử phạt và tăng mức xử phạt thật cao đối với các hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không theo quy định.

Đây là được một trong những biện pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng khai thác thuỷ hải sản bất hợp pháp (IUU) có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hải sản của DN Việt Nam vào EU.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất Trưởng ban Thương mại và Kinh tế của EU tại Việt Nam, chứng từ trường hợp của Thái Lan bị EU cảnh cáo "thẻ vàng" do không đáp ứng quy định về chống khai thác IUU từ tháng 4/2015.

Từ đó cho đến nay, mặc dù nước này đã có nhiều nỗ lực và triển khai một số giải pháp khắc phục như thay đổi khung pháp lý, thực hiện truy xuất nguồn gốc, quản lý tàu cá... nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để nước này được gỡ bỏ "thẻ vàng".

Khai thác hợp pháp sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Khai thác hợp pháp sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Hậu quả là đến nay, FTA Thái Lan – EU vẫn chưa được phê chuẩn khiến doanh nghiệp Thái Lan lỡ nhiều cơ hội phát triển thương mại.

“Với việc bị EU cảnh cáo thẻ vàng, nếu thời gian tới Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, quy định của EU về chống khai thác IUU thì không chỉ hải sản Việt Nam bị “thẻ đỏ” cấm xuất khẩu vào EU, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)”, bà Miriam Garcia Ferrer nói.

Không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng ở một số thị trường lớn khác nếu bị “thẻ đỏ” của EU.

Không những vậy, tất cả các sản phẩm hải sản Việt Nam, bao gồm cả sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu, đều không được phép nhập khẩu vào EU.

Đáng lo ngại, từ tháng 1/2018, Mỹ cũng bắt đầu triển khai chống IUU.

Ngay sau khi nhận được cảnh cáo "thẻ vàng" từ EU, Việt Nam đã triển khai một số giải pháp khắc phục theo các khuyến nghị của EU đưa ra.

Nội dung của các khuyến nghị này chủ yếu liên quan đến vấn đề khung pháp lý và thực thi; quản lý đội tàu và năng lực khai thác; hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát; hệ thống chứng nhận thủy sản khai thác và truy xuất nguồn gốc; các vấn đề liên quan đến vấn đề tàu khai thác hải sản bất hợp pháp. Bao gồm cả việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu nước ngoài khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và tàu Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các nước khác.

Theo bà Miriam Garcia Ferrer, khuyến nghị của EU đưa ra về IUU không phải mang tính áp đặt, cứng nhắc mà đưa ra cho Việt Nam tham chiếu tiêu chuẩn quốc tế để có những quy định đưa vào dự thảo luật Thủy sản sửa đổi.

Đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực hơn, để hoàn thiện các chính sách quản lý thông tin, quản lý nguồn lợi hải sản, kế hoạch đánh bắt.

Khi đó hải sản vùng biển Việt Nam sẽ dồi dào hơn, khai thác bền vững hơn, gia tăng uy tín.

Được biết, sắp tới Đoàn Công tác của Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Uỷ ban Châu âu (EC) sẽ sang thanh tra việc thực hiện quy định IUU của Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
x
Phạt nặng hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO