Phát triển chưa xứng tiềm năng
Trong khi nguồn nguyên liệu để sản xuất giấy và bột giấy trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế. việc thu hút đầu tư, tạo cơ chế chính sách, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao vị thế của ngành công nghiệp giấy, tạo sinh kế cho người dân vùng nguyên liệu cần được các cấp, ngành, và doanh nghiệp quan tâm thỏa đáng.
(Baonghean) - Trong khi nguồn nguyên liệu để sản xuất giấy và bột giấy trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế. việc thu hút đầu tư, tạo cơ chế chính sách, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao vị thế của ngành công nghiệp giấy, tạo sinh kế cho người dân vùng nguyên liệu cần được các cấp, ngành, và doanh nghiệp quan tâm thỏa đáng.
Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên rừng dồi dào để sản xuất giấy và bột giấy đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Theo đánh giá sơ bộ, hiện diện tích rừng có khả năng làm nguyên liệu giấy của tỉnh là gần 85.000 ha (gồm rừng hỗn giao, gỗ nứa, rừng tre nứa thuần loài, rừng trồng). Trữ lượng gỗ có khả năng làm nguyên liệu giấy là 351.079m3 (keo, bồ đề, bạch đàn), tre nứa khoảng 960.335 tấn, cho ra 108.660 tấn bột giấy. Toàn tỉnh có diện tích đất trống có khả năng trồng rừng nguyên liệu giấy là 131.000 ha. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, cộng với chủ trương xác định là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của tỉnh, đây là điều kiện để thu hút các dự án lớn vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trái ngược với tiềm năng trên thì năng lực sản xuất giấy và bột giấy thực tại của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hiện cả tỉnh có 4 doanh nghiệp sản xuất giấy, đó là Công ty CP giấy Sông Lam, Công ty TNHH An Phú, Nhà máy sản xuất giấy Kraft Thiên Phú thuộc Công ty TNHH Thiên Phú, Công ty TNHH Long Thành. Tổng công suất sản xuất giấy của Nghệ An mới chỉ đạt 17.000 tấn/năm, chủ yếu là giấy Kraf.
Các doanh nghiệp sản xuất giấy công suất còn nhỏ, chưa thật sự có chỗ đứng trong ngành công nghiệp của tỉnh. Trong đó, công suất lớn nhất là Công ty CP giấy Sông Lam, với dây chuyền sản xuất giấy Kraf, thiết bị công nghệ của Trung Quốc công suất 10.000 - 12.000 tấn/năm. Chỉ có Công ty CP giấy Sông Lam là sử dụng tre nứa làm nguyên liệu sản xuất giấy. Còn đối với các doanh nghiệp khác đang ở dạng quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu và sử dụng nguồn nguyên liệu là giấy tái chế để sản xuất.
Sản xuất giấy tại Công ty CP giấy Sông Lam.
Xác định là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thu hút một số dự án đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy. Trong đó, có 2 dự án lớn về sản xuất bột giấy. Dự án sản xuất bột giấy của Công ty cổ phần XNK Giấy Anteco Nghệ An có công suất 130.000 tấn/năm được UBND tỉnh cấp phép đầu tư và địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc). Kèm theo đó, tỉnh đã phê duyệt dự án trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy ở 8 huyện: Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Ðô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Ðàn, Yên Thành và Quỳnh Lưu với diện tích 67.900 ha.
Năm 2010, dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng, đóng tại Chi Khê (Con Cuông) với dây chuyền thiết bị công suất 45.000 tấn/năm, tạo đầu ra cho gần 50 nghìn ha vùng nguyên liệu tại 2 huyện Con Cuông và Thanh Chương. Tuy nhiên, 2 dự án này đều không mang lại hiệu quả. Đối với dự án Công ty cổ phần XNK Giấy Anteco Nghệ An thì không hiểu vì nguyên nhân gì đã ngừng triển khai. Còn đối với Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng, sau hơn 3 tháng chạy thử, Nhà máy bỗng nhiên dừng hoạt động và hiện tại đang bỏ hoang.
Một nghịch lý đang diễn ra là trong khi nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng doanh nghiệp sản xuất giấy lại rơi vào cảnh khan hiếm nguyên liệu. Hàng trăm nghìn lao động ở các huyện miền núi sống dựa vào nghề rừng nhưng đang có cuộc sống rất vất vả, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp. Ông Hoàng Phùng, Giám đốc Công ty CP giấy Sông Lam cho biết: Nguồn nguyên liệu của công ty để sản xuất có 2 loại là giấy tái chế và tre, nứa. Trong đó, tre nứa chiếm khoảng 60%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công ty của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất. Để đáp ứng công suất 10.000 tấn giấy/năm, cần khoảng 12.000 tấn nguyên liệu. Nhưng hiện nay, nguyên liệu từ tre nứa mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% để sản xuất. Trước tình hình đó, chúng tôi phải thu mua thêm mét, luồng và chuyển địa bàn sang Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh vào thu mua nguyên liệu trên địa bàn, gây rối thị trường nên những doanh nghiệp như Công ty CP giấy Sông Lam gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số Làng nghề mây tre đan, khi sử dụng nguyên liệu để sản xuất đã lãng phí nguồn nguyên liệu rất lớn do chỉ lấy những cây có đốt dài, và chủ yếu sử dụng phần vỏ ngoài của nguyên liệu còn ruột bỏ đi. “Công ty chúng tôi phải nhập khẩu bột giấy để sản xuất nhưng do giá cao nên số lượng nhập có hạn. Vì thế, công suất sản xuất giấy của công ty bị ảnh hưởng”, ông Phùng cho biết.
Tháng 5/2012, tỉnh Nghệ An đã công bố quy hoạch vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2020, sản lượng bột giấy đạt 150.000 - 200.000 tấn. Số bột giấy này sẽ được sử dụng để sản xuất giấy trong tỉnh. Các vùng nguyên liệu của các dự án này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, làm cho nhiều người lao động ở các huyện quy hoạch vùng nguyên liệu sẽ có thêm việc làm và thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm diện tích đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu nhà đầu tư, thiếu các dự án có hiệu quả thực tế.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện nay, đa số doanh nghiệp ngành giấy mất thế chủ động do còn phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã khiến ngành giấy lao đao mấy năm qua khi giá bột giấy thế giới biến động mạnh. Trong lúc nhu cầu bột giấy mới đáp ứng 45% sản xuất ở trong nước. Còn năng lực sản xuất giấy của Nghệ An mới đạt 17.000 tấn/năm, chủ yếu là giấy Kraf. Vì vậy, các dự án sản xuất giấy và trồng rừng ở Nghệ An muốn thành công thì điều tiên quyết đòi hỏi các nhà đầu tư không chỉ có nguồn lực tài chính mạnh mà còn phải có giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để tập trung giải quyết một số khó khăn đặt ra. Ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Nguồn nguyên liệu cho sản xuất giấy không thiếu nhưng để đáp ứng được sản xuất cho các nhà máy giấy hay không là tự bản thân các DN này phải chủ động. Tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất giấy nhưng với cơ chế thị trường doanh nghiệp nào nhạy bén thì sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Giấy là mặt hàng đặc biệt mang tính xã hội cao, đối tượng hưởng thụ lớn. Ngành sản xuất giấy có những đặc trưng riêng về công nghệ, dây chuyền thiết bị. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh cần rà soát lại và chấn chỉnh việc thực hiện quy hoạch ngành giấy và thu hoạch nguyên liệu để đảm bảo lợi ích bền vững. Tỉnh cần có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy. Đối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu tái chế, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách miễn thuế cho hoạt động thu gom, buôn bán giấy đã qua sử dụng, giấy loại.
Vấn đề lo ngại nữa hiện nay là công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn quá lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Vì vậy, các DN nội địa phải nhanh chóng đổi mới công nghệ sản xuất giấy. Bên cạnh đó, các DN nội phải tự tạo cho mình vùng nguyên liệu, cần phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với người trồng rừng để có nguồn nguyên liệu ổn định. Điều quan trọng là phải xem xét khả năng mua hàng của khách hàng để có phương án sản xuất và sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng, giá thành hợp lý để hạn chế cao nhất lượng hàng tồn kho.
Bài, ảnh: Bằng Phạm