Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng sông Mekong

14/12/2015 21:34

Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tiểu vùng Mekong là chủ đề được các đại biểu tập trung bàn thảo tại “Diễn đàn Đối thoại chính sách quốc gia” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội.

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong và ngoài nước về thực phẩm chất lượng cao.

.
Nông dân thu hoạch lúa đông xuân.

Tại tiểu vùng Mekong, lao động nông nghiệp chiếm 32%-70% trong tổng lực lượng lao động, nhưng chỉ đóng góp khoảng 11%-30% vào GDP. Mặc dù chưa khai thác tối ưu sự kết nối giữa nhà sản xuất với các thị trường nội địa và quốc tế, Tiểu vùng Mekong vẫn là khu vực có tiềm năng phát triển nông nghiệp, về mặt sản lượng và giá trị gia tăng, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đến nay ASEAN vẫn tiếp tục tập trung vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp nhằm chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và xây dựng thị trường đơn nhất trong khu vực.

Thông qua thực hành nông nghiệp tốt trong ASEAN (GAP), chất lượng thực phẩm cũng như sức khỏe và sự an toàn của người lao động được đặt lên hàng đầu. Cùng đó, chất lượng sản phẩm trở thành điều kiện tiên quyết khi người tiêu dùng ngày càng coi trọng việc bảo vệ sức khỏe và ý thức được tác động của thực phẩm lên sức khỏe.

Tuy vậy, người nông dân vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng tốt cho các sản phẩm của mình. Ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cần phải đáp ứng lại sự quan tâm từ chính phủ và người tiêu dùng đối với sự an toàn thực phẩm.

Giáo sư Sisira Jayasurya - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Phát triển và Bền vững cho rằng, khu vực Tiểu vùng sông Mekong có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp như đất đai, nguồn nước, khí hậu và cả con người. Khu vực này cũng nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vấn đề là phải tận dụng được những lợi thế đó để phát triển.

Theo ông Sisira Jayasurya, Việt Nam cần nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn mà các thị trường nhập khẩu yêu cầu, Chính phủ phải hỗ trợ và có những chính sách về việc xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp đỡ các nông hộ nhỏ lẻ liên kết với các doanh nghiệp lớn để đạt được lợi ích tối đa.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng chia sẻ về cách thức biến chuyển, thay đổi trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, cùng với áp lực về nguồn tài nguyên khan hiếm, đang mở ra những cơ hội to lớn song hành với những thách thức và rủi ro đặt ra cho ngành nông nghiệp tại Tiểu vùng Mekong.

Tiến sỹ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, nền nông nghiệp mới cần đảm bảo được 3 yếu tố. Đầu tiên là lợi thế nhờ quy mô để hấp thụ được vốn và công nghệ. Thứ 2 là phải gắn kết được tất cả những bên liên quan vào trong chuỗi sản xuất, cung ứng của nông nghiệp, bắt đầu từ giống cho đến thị trường trong nước và nước ngoài. Thứ 3 là phải gắn được với các vấn đề xã hội, văn hóa, tính vùng miền của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và cách thức sống của Việt Nam, ví dụ như tính cộng đồng.

Theo ông Võ Trí Thành, tiểu vùng Mekong là khu vực có vị trí chiến lược, đi qua những thị trường đang tăng trưởng mạnh. Lợi thế này sẽ góp phần tạo ra việc làm thông qua tăng trưởng sản xuất và cải tiến quy trình chế biến rau củ, hoa quả để xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đó, quá trình sản xuất, khâu chế biến, đóng gói và phân phối cần được tăng cường hiện đại hóa và đổi mới. Trên con đường hướng tới một ngành nông nghiệp năng động, có giá trị tăng cao và phát triển bền vững tại khu vực, một số vấn đề cần được chú trọng và giải quyết như ưu tiên cơ sở hạ tàng để kết nối nhà sản xuất với các thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa; tăng cường chuỗi cung ứng nông nghiệp và trao quyền cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ.

Theo Vietnamplus

Mới nhất
x
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng sông Mekong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO