Phát triển hạ tầng "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế

19/05/2014 20:10

(Baonghean) - Xác định phát triển hạ tầng là đòn bẩy phát triển kinh tế, Tương Dương đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm…, góp phần cải thiện đời sống bà con. Việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

(Baonghean) - Xác định phát triển hạ tầng là đòn bẩy phát triển kinh tế, Tương Dương đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm…, góp phần cải thiện đời sống bà con. Việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trước đây xã Yên Tĩnh – Tương Dương được biết đến là xã vùng sâu, vùng xa nghèo khó nhất huyện Tương Dương. Kết cấu hạ tầng yếu kém, đường giao thông chủ yếu là đường đất, vào mùa mưa thường hay xảy ra sạt lở gây cô lập ách tắc, các loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi trâu, bò, lợn làm ra thường khó tiêu thụ do các tư thương ngán ngẩm phải đi vào “con đường đau khổ” này. Chưa kể hệ thống trường học, trạm y tế hầu hết tranh tre nứa lá…

Cầu treo bản Cửa Rào 2 (xã Xá Lượng - Tương Dương) mới đưa vào sử dụng.
Cầu treo bản Cửa Rào 2 (xã Xá Lượng - Tương Dương) mới đưa vào sử dụng.

Những năm qua được Nhà nước và các chương trình, dự án đầu tư phát triển, xã vùng sâu Yên Tĩnh đang ngày càng đổi thay. Tuyến đường đất vào trung tâm xã Yên Tĩnh đã được thay thế bằng con đường nhựa rải thảm phẳng lỳ nối từ xã Yên Na vào trung tâm xã Yên Tĩnh trị giá trên 70 tỷ đồng. Dọc đường vào các bản Na Cáng, Cành Toong, Chà Lúm… đã xuất hiện các hàng quán dịch vụ như sửa chữa xe máy, xăng dầu, đại lý nhu yếu phẩm… Ông Vi Minh ở bản Na Cáng tâm sự: Trước đây bà con thường phải ra Thị trấn Hòa Bình mua lương thực, thực phẩm dự trữ, nay đường giao thông thuận lợi, hàng hóa được đưa vào tận bản làng.

Bà Hoàng Minh Lợi - Trưởng bản Cành Toong cho biết: Từ khi có đường giao thông, bản Cành Toong đã khai thác được tiềm năng để phát triển kinh tế ổn định. Phong trào chăn nuôi phát triển khá mạnh, bản có gần 220 con bò, trên 180 con lợn, nhiều hộ nuôi từ 6-10 con bò. Riêng gia đình tôi nuôi 4 con bò thịt, bà con không phải lo đầu ra vì giao thông thuận lợi, tư thương lên tận nơi để thu mua. Bản Cành Toong còn ngăn khe suối nuôi cá, phát triển trồng rừng. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, trên 80% dân bản đã làm được nhà sàn lợp ngói, 90% bà con có ti vi, xe máy. Đường giao thông được “nhựa hóa”, bộ mặt của Yên Tĩnh đã đổi mới, thu hút được các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với trị giá hàng chục tỷ đồng như trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường THCS, trường tiểu học và trường mầm non… Yên Tĩnh bây giờ đã có xe ô tô khách Yên Tĩnh -TP. Vinh đi về trong ngày.

Xã Tam Quang có 3 bản biên giới giáp Lào là bản Tùng Hương, Tân Hương, Liên Hương. Trước đây để vào được các bản này chỉ duy nhất là đi bộ, vào mùa mưa Tùng Hương hầu như bị cô lập bởi giao thông bị chia cắt. Hàng năm Tam Quang huy động hàng nghìn ngày công để mở rộng tuyến đường nhưng sức người đào đắp thủ công nên vào mùa mưa đều bị vùi, lấp sạt lở. Cuộc sống thật sự đổi thay khi con đường nhựa Bãi Xa - Tùng Hương được Nhà nước đầu tư có trị giá gần 10 tỷ đồng “xuyên mây vượt núi” vào tận 3 bản trên. Trưởng bản Tùng Hương Lô Đình Trường cho hay: Dân bản ta không còn cảnh “vạch” lá rừng để đi bộ nữa, chỉ mất chưa đầy 15 phút là có thể phóng xe máy trên con đường nhựa ra QL7.

Bản có trên 160 hộ dân trước đây nghèo khó, nhờ Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng nên kinh tế ngày một đi lên. Bản khai hoang được trên 10 ha ruộng nước, đàn gia súc trên 300 con. Có nhiều gia đình phát triển kinh tế trang trại như ông Vi Văn Nhẫn chăn nuôi gần 10 con trâu bò, trên 70% số hộ đã có nhà ngói. Hệ thống giao thông phát triển đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế. Toàn xã đã trồng được trên 300 ha mét, 700 ha rừng keo, xoan đâu, chăn nuôi trên 2.500 con trâu bò, trên 3.500 con lợn. Xe ô tô vận tải có thể vào được các con đường liên bản để vận chuyển thu mua mét, người dân không còn mất tiền phí để “tăng bo” cây nguyên liệu như trước đây, giao thông thuận tiện nên tư thương không ép được giá sản phẩm các loại cây trồng vật nuôi. Tỷ lệ đói nghèo của Tam Quang năm 2012 là 59,8% thì nay chỉ còn 34,3%...

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó chủ tịch huyện Tương Dương cho biết: Để huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, Tương Dương đã linh hoạt vận dụng nhiều cơ chế chính sách thành phần kinh tế tham gia như các chương trình 135, 30a, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các doanh nghiệp… Những năm qua huyện Tương Dương đã xây dựng được nhiều công trình trọng điểm như đường giao thông cụm xã Lượng Minh đi bản Cà Moong, cầu treo bản Lườm -Yên Thắng, đường Na Ngân - Nga My, đường cứu hộ cứu nạn Yên Thắng -Xiêng My. Đặc biệt là mới đưa vào sử dụng công trình kè chống sạt lở bờ hữu sông Lam tổng mức đầu tư 54,6 tỷ đồng, bờ kè dài 2.445 mét. Dự án tái định cư bản Huồi Pủng xã Lưu Kiền trên 10 tỷ đồng, di dời trên 52 hộ dân, hiện đã đạt 81% kế hoạch.

Chương trình 30a đầu tư 6 công trình trị giá trên 100 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng như, hệ thống điện Tùng Hương, Tam Thái, Tam Hợp, nước sinh hoạt Tam Thái, trung tâm Y tế huyện… Hiện đường giao thông Yên Tĩnh - Hữu Khuông trị giá 650 tỷ đồng đang thi công dài 42 km, đã mở thông tuyến 25 km đạt trên 60% khối lượng. Tuyến đường này có vai trò quan trọng nối liền với các xã biên giới Nhôn Mai, Mai Sơn. Trong phong trào phát triển giao thông nông thôn, ngoài việc đầu tư của Nhà nước thì hàng năm Tương Dương còn huy động sức dân để mở mới các tuyến đường. Như đầu tháng 2/2014 huyện đã huy động được trên 3.000 lao động, mở mới 5 tuyến đường ở các bản Huồi Cọ, Piêng Cọc, Huồi Măn, Na Hỷ, bản Xàn của các xã đặc biệt khó khăn Mai Sơn, Nhôn Mai, Yên Tĩnh.

Đến nay Tương Dương có 15/18 xã có đường vào trung tâm xã, 100% số bản làng có đường giao thông vào trung tâm xã. Đặc biệt, Tương Dương đã tranh thủ sự hỗ trợ của 4 doanh nghiệp tài trợ để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, với tổng nguồn vốn trên 80 tỷ đồng. Cụ thể là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hỗ trợ 17 tỷ đồng xây dựng Trường Dân tộc nội trú THCS Tương Dương. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đầu tư trên 40 tỷ đồng xây dựng các trạm biến áp, trường học… Tổng công ty Xi măng Việt Nam tài trợ 19.180 triệu đồng, đang đầu tư xây dựng 3 công trình: Trạm Y tế Lượng Minh trị giá 3,5 tỷ đồng, Trường THCS Yên Na 7 tỷ đồng, Trường THCS Yên Hòa 5 tỷ đồng, Hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ tiền làm nhà cho 368 hộ, tổng trị giá 3,6 tỷ đồng. Công ty Cơ khí Việt Nam đã tài trợ 4 tỷ đồng để xây dựng Trạm Y tế xã Mai Sơn.

Việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tương Dương. Đời sống dân vùng hưởng lợi được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo 71,3% năm 2011 giảm xuống còn 51,22% năm 2014. Hệ thống hạ tầng được cải thiện, số hộ sử dụng nước sinh hoạt (từ các công trình nước sinh hoạt tập trung) tăng từ 86% lên 95%. Số xã có điện lưới quốc gia từ 12 xã lên 14 xã, thị trấn.

Bài ảnh: Văn Trường

Mới nhất
x
Phát triển hạ tầng "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO