Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 mũi đột phá của Nghệ An
(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Nghệ An đã ngày một tăng. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu về nhân lực trong giai đoạn mới thì còn nhiều khó khăn, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao.
Chiều 18/6, đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp do đồng chí Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đến làm việc tại Nghệ An.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.
Buổi làm việc có sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà |
Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giáo dục nghề nghiệp
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo với đoàn công tác về công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ta trong giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 3 trường chất lượng cao, 16 trường nghề trọng điểm với 13 nghề cấp độ quốc tế, 9 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 36 nghề cấp độ quốc gia.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu tặng hoa chúc mừng tân Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà |
Giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh là 189.018 tỷ đồng. Nguồn kinh phí được đầu tư theo hướng tập trung, đồng bộ cho trường nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, Quốc gia, trường chuyên, trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện theo hướng dẫn của Bộ.
Đồng chí Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao về công tác đào tạo nghề ở Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh vẫn còn những khó khăn, như cơ cấu trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa hợp lý, chủ yếu trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn. Chất lượng đào tạo nghề nghiệp mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường sử dụng lao động, một số lao động có việc làm nhưng chưa đúng với ngành, nghề.
Từ những khó khăn trên, tại buổi làm việc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất nhiều vấn đề như Bộ cần sớm trình Chính phủ ban hành đề án, sắp xếp lại hệ thống GDNN toàn quốc để các địa phương có căn cứ xây dựng đề án sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, có cơ chế chính sách thu hút đội ngũ nhà giáo có trình độ, kỹ năng nghề, tránh tình trạng giáo viên nghề nghỉ việc vì thu nhập thấp. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, có giải pháp để các trường nghề giải bài toán khó tuyển sinh...
Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 mũi đột phá của tỉnh
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: Giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt để nâng cao chất lượng nguồn lao động và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Hà |
Tỉnh cũng sẽ rà soát lại các chính sách cũ và xây dựng những chính sách mới trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 24/CT – TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.
Đào tạo nghề cho học sinh tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam. Ảnh: Mỹ Hà |
Kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Nghệ An nêu ý kiến về một số khó khăn trong quá trình hoạt động, đặc biệt là công tác tuyển sinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Về phát triển trường trọng điểm chất lượng cao, ngoài trách nhiệm của Trung ương thì cũng cần phải xác định đây là trách nhiệm của địa phương.
Trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng mong muốn tỉnh sẽ quan tâm và có những kế hoạch cụ thể để trong năm tới tổ chức thành công Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc tại Nghệ An.