Phát triển nóng, đảo chè 'đẹp nhất Việt Nam' ế thuyền

(Baonghean.vn)- Lượng khách đến với đảo chè Thanh Chương - nơi được xem là 'đảo chè đẹp nhất Việt Nam' tăng đột biến vào ngày lễ khiến người dân đổ xô đóng thuyền máy phục vụ. Tuy nhiên, ngày thường, các thuyền máy đều 'đắp chiếu nằm chờ' vì ít khách.

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

 » Phối cảnh cực ấn tượng của khu du lịch nghìn tỷ đảo chè Cầu Cau

 » Hàng nghìn người đổ về đảo chè ngày đầu năm
 

Đảo chè Cầu Cau, xã Thanh An, huyện Thanh Chương là điểm đến mới nổi của du lịch Nghệ An. Ảnh tư liệu.
Đảo chè Cầu Cau, xã Thanh An, huyện Thanh Chương là điểm đến mới nổi của du lịch Nghệ An. Ảnh Sách Nguyễn

Dạo một vòng quanh đảo chè Thanh Chương (Còn gọi là đảo chè Cầu Cau) vào ngày thường, dễ dàng nhận ra tình trạng “ế” thuyền ở các bến. Tại bến thuyền Tâm Trung, xóm 15, xã Thanh An, nơi có đường du thuyền đến trung tâm đảo chè khá dài và đẹp, anh Trần Đình Quang (26 tuổi), một lái thuyền cho biết, bến hiện có 4 chiếc thuyền do 4 gia đình đứng chủ, hoạt động từ tháng 9/2016. Cũng như nhiều bến khác, số lượng du khách đi thuyền tại bến khá thất thường, ngày lễ thì đông quá, ngày thường thì rảnh, không có việc mà làm.

Trong những ngày lễ, Tết, đặc biệt là dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, đã có hàng vạn du khách đến đảo chè, số lượng thuyền hàng chục chiếc này đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của khách. Nhưng sau Tết, mọi sự trở lại bình thường, ngày ít có vài chục khách, ngày đông thì hơn trăm khách, hàng chục chiếc thuyền đã rơi vào tình trạng buông neo, đi cùng với đó là hàng chục lao động rơi vào "tình trạng chờ”.

12. Với vẻ đẹp yên bình, thơ mộng, non xanh nước biếc, đảo chè Thanh Chương – Hạ Long của xứ Nghệ đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa trong dịp lễ, tết.
Dịp lễ, tết, đảo chè hút khách, các bến thuyền hoạt động hết công suất. Ảnh: Huy Thư.

Ông Nguyễn Danh Sơn (63 tuổi) người chèo thuyền chở khách đầu tiên tại hồ Cầu Cau cho biết, tại bến Đập của ông, hiện có 13 thuyền hợp thành 1 tổ, ngày lễ thì huy động hết cả số thuyền này, còn ngày thường thì chỉ dùng một vài chiếc. Trước đó, các thuyền ở đây đã liên kết cùng phối hợp vận chuyển, nên vắng khách cũng phải “lời ăn lỗ chịu”.

Theo tính toán của ông Sơn, hiện trên hồ Cầu Cau đã có khoảng 40 chiếc thuyền chở khách, tập trung ở 3 bến chính và 5 - 6 bến phụ. Dọc đường Hồ Chí Minh có hàng chục bảng biển chỉ dẫn tham quan đảo chè. Từ sau Tết Đinh Dậu tới nay mới hơn 1 tháng, nhưng ở hồ đã có thêm gần 10 chiếc thuyền máy, tính ra vài ngày lại có thêm 1 chiếc thuyền, đó là tốc độ “chóng mặt” và số thuyền này chắc chắn còn tăng thêm trong thời gian tới.

Vắng khách, những con thuyền buông neo chờ đợi. Ảnh: Huy Thư
Vắng khách, những con thuyền buông neo chờ đợi. Ảnh: Huy Thư.

Thấy việc kiếm tiền bằng dịch vụ chở khách ở đảo chè khá nhẹ nhàng, nên nhiều hộ dân các xã Thanh An, Thanh Thịnh, Thanh Thủy quanh vùng hồ Cầu Cau cũng đang sắm thuyền để chuyển nghề. Riêng những hộ dân đã có thuyền trên hồ thì tích cực mở bến, sắm thuyền gia tăng cường độ chuyên chở.

Nhà ông Trần Đình Hùng ở thôn 15 xã Thanh An có 2 thuyền chở khách từ trước Tết, nay đang thuê máy múc về múc thông ao nhà với hồ Cầu Cau để mở một bến riêng cho nhà mình, bỏ hẳn chuyện nuôi cá, tập trung vào dịch vụ du lịch. Nhà hàng Khánh Huyền ở thị tứ Thanh Thủy chuyên kinh doanh ẩm thực, nhà nghỉ cũng đang đóng mới một chiếc thuyền dài 18m, rộng 3, 6m, với kinh phí vài trăm triệu đồng, dự kiến phục vụ du khách tại đảo chè trong tháng 3…

Một hộ dân ở xã Thanh Thủy đang đóng thuyền lớn phục vụ du lịch đảo chè
Một hộ dân ở xã Thanh Thủy đang đóng thuyền lớn phục vụ du lịch đảo chè.

Theo ông Trình Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, hiện trên hồ Cầu Cau có 20 chiếc thuyền đã được đăng kiểm, số phát sinh do dân tự đóng mới chưa có đăng kiểm, huyện không khuyến khích vì khi dự án lớn triển khai sẽ chỉ sử dụng thuyền chèo. Hơn nữa, việc quá nhiều thuyền máy hoạt động ở đây cũng gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến chức năng chính của hồ.

                                                    Huy Thư

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.