Phật tử Nghệ An đồng hành cùng dân tộc
(Baonghean.vn) - Phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Nghệ An và các chùa đã vận động các nhà hảo tâm, tăng, ni, phật tử tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động thiện nguyện, từ năm 2011 đến nay đã đạt trên 25 tỷ đồng.
Chương trình hoạt động phật sự của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua được Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao. Dưới sự điều hành của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, hơn 50.000 phật tử sinh hoạt tại các chùa, đạo tràng, hội phật tử đã đồng hành cùng dân tộc xây dựng, phát triển quê hương.
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 50 cơ sở thờ tự đạo Phật được chính quyền địa phương công nhận hợp pháp, trong đó có 9 chùa là di tích lịch sử văn hóa, 53 vị tăng ni phụng đạo, 4 vị tiến sĩ, 4 vị thạc sĩ và 10 cử nhân, 8 vị trung cấp.
Chùa cổ Am Diễn Minh (Diễn Châu) được phục dựng lại đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, tín đồ Phật giáo trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Internet |
Những năm gần đây, Nghệ An đã phục hồi 37 chùa có nguồn gốc Phật giáo, ban Trị sự đã quyết định bổ nhiệm trụ trì 17 chùa, nâng tổng số chùa có sư trụ trì là 27. Chương trình hoạt động phật sự của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua được Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao.
Sống tốt đời, đẹp đạo
Có thể khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử của quê hương, các tăng, ni, trụ trì các chùa thực hiện tích cực công tác hoằng dương chính pháp, chấp hành nghiêm chính sách Pháp luật của Nhà nước, Hiến chương Giáo hội Phật giáo.
Tại mọi nơi, mọi lúc các phật tử đều tích cực tham gia an cư kết hạ trau dồi Giới - Định - Tuệ, thúc liễm thân tâm. Nhiều vị tăng, ni được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh và huyện, tích cực tham gia hoạt động của MTTQ, Hội Chữ thập đỏ.
Quang cảnh Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An thứ II nhiệm kỳ 2017-2022. |
Theo Ban Trị sự tại các địa phương, các tăng, ni, phật tử đều tích cực hưởng ứng chương trình chung tay xây dựng quỹ ngày vì người nghèo, quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ đền ơn đáp nghĩa, chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng Nông thôn mới”. Tại tất cả các hoạt động Phật pháp đều được định hướng hoạt động tốt nên các chùa đều chủ động tổ chức nghi lễ bảo đảm trang trọng, thành kính, an toàn và tiết kiệm, đúng quy định.
Đặc biệt, các lễ hội truyền thống như Lễ hội Văn hóa Phật giáo “Hương sen xứ Nghệ”, Lễ hội Đền - chùa Gám, Lễ hội khai bút đầu xuân… được tổ chức trang nghiêm. Góp phần phát huy tốt giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, thu hút đông đảo tín đồ và nhân dân tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, tham quan chiêm bái lễ Phật và học hỏi, tìm hiểu về giáo lý nhà Phật.
Trong thời gian qua, để tăng, ni và tín đồ phật tử có nơi sinh hoạt tu học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như tổ chức lễ hội truyền thống, nhiều chùa đã tiến hành trùng tu, xây dựng lại.
Các công trình thờ tự bảo đảm trang nghiêm, tạo khuôn viên khang trang, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo xứ Nghệ với kinh phí hàng chục tỷ đồng như: chùa Lam Sơn, chùa Đông Yên (Quỳnh Lưu), chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang (Nam Đàn), chùa Cần Linh (TP.Vinh), chùa Cổ Am (Diễn Châu), chùa Chí Linh (Yên Thành),...
Đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu chúc mừng và tặng bức trướng với dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Đoàn kết, hòa hợp, phụng đạo yêu nước đồng hành cùng dân tộc”. Ảnh: Internet |
Phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Nghệ An và các chùa đã vận động các nhà hảo tâm, tăng, ni, phật tử tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động thiện nguyện, từ năm 2011 đến nay đạt trên 25 tỷ đồng, góp phần đưa hình ảnh Phật giáo xứ Nghệ đi vào lòng quần chúng một cách thân thiện, với những giá trị nhân văn sâu sắc.
Có thể khẳng định, hàng trăm năm nay, Phật giáo Nghệ An luôn phát huy tinh thần từ bi, kêu gọi tăng ni, phật tử tích cực trong công tác từ thiện xã hội. Bên cạnh việc cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, nghèo đói, trong công tác từ thiện xã hội các phật tử cùng chung tay xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, bảo hiểm y tế xã hội, bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu, văn hóa tham gia giao thông… và tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục mầm non.
Đồng hành cùng dân tộc
Năm ngoái, Ban Trị sự Phật giáo Nghệ An nhiệm kỳ 2017-2022 được Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ II bầu gồm 25 thành viên và Thường trực BTS với 15 thành viên. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tiếp tục được suy cử là Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ này. Có thể nói, 7 năm qua công tác xây dựng hệ thống Phật giáo Nghệ An được tổ chức bài bản, đúng quy định và phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tiếp tục được suy cử là Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: Internet |
Đánh giá cao các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Nghệ An, tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ II, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - đồng chí Lê Xuân Đại đã thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh tặng bức trướng với dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Đoàn kết, hòa hợp, phụng đạo yêu nước đồng hành cùng dân tộc". Chính quyền tỉnh mong muốn Ban trị sự tiếp tục vận động tăng, ni, phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Các tăng ni, phật tư dâng hương trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường mang tên Người. Ảnh: Internet |
Điều được các phật tử đặc biệt cảm động đó là việc chính quyền tỉnh Nghệ An ủng hộ và mong muốn Ban trị sự sớm hoàn thành các thủ tục và triển khai xây dựng Trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và các công trình liên quan. Cùng với việc củng cố tổ chức Phật giáo, việc xây dựng các cơ sở vật chất khang trang sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động Phật sự trong thời gian tới.