Phe Dân chủ chính thức “khai chiến” với Tổng thống Trump

(Baonghean) - Một nhóm thượng nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ vừa nộp đơn kiện Tổng thống Mỹ lên một tòa án liên bang, cáo buộc ông Donald Trump tự ý bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker là hành động vi hiến.

Đây là bước đi đầu tiên của phe Dân chủ nhằm vào ông Trump sau khi giành quyền kiểm soát Hạ viện, đồng thời khởi động một giai đoạn đối đầu khó khăn giữa ông Donald Trump và phe Dân chủ.

Mazie Hirono và Sheldon Whitehouse – hai trong ba Thượng nghị sĩ đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump lên một Tòa án liên bang (Politico)
Mazie Hirono và Sheldon Whitehouse – hai trong ba Thượng nghị sĩ đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump lên một Tòa án liên bang (Politico)
Quyết định gây tranh cãi

Đứng đơn kiện ông Donald Trump lên Tòa án liên bang ở Washington DC lần này là 3 Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, Sheldon Whitehouse và Mazie Hirono. Ba Thượng nghị sĩ này là thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện có trách nhiệm duyệt xét việc bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp.

Họ cho rằng việc ông Donald Trump tự ý bổ nhiệm ông Matthew Whitaker lên nắm quyền thay cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions mà chưa thông qua sự bàn bạc và tư vấn từ Thượng viện là sai Hiến pháp.

Ông Whitaker từng là công tố viên của bang Iowa, làm việc ở Bộ Tư pháp dưới thời cựu Tổng thống George Bush và được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng cho ông Jeff Sessions.

Các nghị sĩ Dân chủ đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump cho rằng Hiến pháp Mỹ quy định những quan chức liên bang chủ chốt chỉ được nhậm chức khi đã có tư vấn và đồng thuận của Thượng viện, vì vậy việc bổ nhiệm ông Whitaker sẽ tạo tiền lệ xấu, làm xói mòn vai trò tư vấn và phê duyệt của Thượng viện theo quy định của Hiến pháp.

Đơn kiện cũng cáo buộc ông Donald Trump vi phạm quy định về thứ tự kế nhiệm một khi chức vụ Bộ trưởng Tư pháp bị bỏ trống, theo đó, Thứ trưởng Tư pháp mới là người tạm nắm toàn quyền chứ không phải bổ nhiệm một người mới theo cách của ông Donald Trump.

Trong hồ sơ kiện, các nghị sĩ còn yêu cầu cần có thời gian thẩm tra thêm về tư cách của ông Matthew Whitaker sau khi có những thông tin cho rằng ông có quan hệ với Tập đoàn World Patent Marketing - công ty đang bị cáo buộc gian lận số tiền hàng triệu USD của người tiêu dùng. Vì thế trong thời gian này, ông Whitaker không thích hợp để làm việc ở bất cứ vị trí nào trong chính phủ liên bang.

Trước những chỉ trích của phe Dân chủ về việc bổ nhiệm ông Matthew Whitaker, cả Tổng thống Donald Trump lẫn Bộ Tư pháp đều đưa ra lý lẽ để bảo vệ quyết định này. Ông Donald Trump khẳng định  chỉ làm điều đúng đắn và việc bổ nhiệm Matthew Whitaker đơn giản vì ông này là người thích hợp.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp lập luận quyết định của ông Donald Trump là phù hợp với Hiến pháp, các luật liên bang cũng như một số trường hợp trước kia. Bộ Tư pháp viện dẫn các điều khoản của Đạo luật Cải cách về tuyển chọn quan chức kế nhiệm, theo đó, ông Whitaker chỉ tạm thời đảm nhận chức quyền Bộ trưởng Tư pháp nên không cần phải được Thượng viện phê chuẩn trước.

Bộ Tư pháp đã lấy ví dụ về hai trường hợp, một lần vào năm 1866 khi Bộ trưởng Tư pháp được bổ nhiệm mà không được Thượng viện thông qua, một lần vào năm 1898 khi Tòa án Tối cao cũng ra phán quyết rằng Bộ trưởng Tư pháp “đảm nhiệm chức vụ tạm thời trong thời gian giới hạn và trong điều kiện đặc biệt hoặc cấp thiết” thì không cần Thượng viện thông qua.

Dù vậy, các nghị sĩ Dân chủ đã bác bỏ quan điểm này và cho rằng trường hợp của ông Matthew Whitaker không hội tủ điều kiện “đặc biệt” cũng như “cấp thiết”.

Khởi đầu cuộc chiến lâu dài

Theo giới phân tích, vụ kiện Tổng thống Donald Trump lên Tòa án liên bang ở Washington DC sẽ mất hàng tuần, thậm chí là hàng tháng trước khi có phán quyết cuối cùng.

Nhưng bên cạnh việc ông Matthew Whitaker có đủ điều kiện để kế nhiệm ông Jeff Sessions hay không, điều mà dư luận quan tâm chính là cuộc đối đầu giữa Tổng thống Donald Trump với phe Dân chủ sẽ diễn tiến như thế nào sau vụ kiện này, liệu phe Dân chủ có tiếp tục có những bước đi quyết liệt hơn nhằm “gây khó” cho ông Trump như đã được dự báo trước đó hay không.

Trên thực tế, việc lựa chọn ông Matthew Whitaker thay ông Jeff Sessions được cho là bước “phòng thủ từ xa” của Tổng thống Donald Trump. Còn nhớ, ngay sau khi nắm được quyền kiểm soát Hạ viện, phe Dân chủ đã không hề che giấu ý định sẽ tìm mọi cách hạn chế quyền lực của Tổng thống thông qua các hoạt động giám sát.

Ông Matthew Whitaker – người được Tổng thống Donald Trump tin tưởng giao vị trí Bộ trưởng Tư pháp (US News)
Ông Matthew Whitaker – người được Tổng thống Donald Trump tin tưởng giao vị trí Bộ trưởng Tư pháp. Ảnh: US News
Các bước đi mà phe Dân chủ có thể tính đến là điều tra việc kê khai thu nhập để được hoàn thuế, về khả năng có xung đột lợi ích trong hoạt động điều hành của ông Trump; đồng thời thúc đẩy cuộc điều tra Tổng thống Donald Trump liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và sẽ tiến hành luận tội Tổng thống nếu tìm đủ bằng chứng.

Từ khi ông Donald Trump nhậm chức, nghi vấn Nga can thiệp bầu cử vẫn luôn là bóng mây đen bao phủ Nhà Trắng, là nguyên nhân khiến không ít nhân vật thân tín với ông Trump “ngã ngựa”.

Bởi vậy, Tổng thống Trump rõ ràng muốn một người có thể tin cậy trong việc bảo vệ ông khỏi cuộc điều tra này. Và Matthew Whitaker là một người quá thích hợp khi từng công khai chỉ trích Công tố viên đặc biệt Robert Muller vượt “lằn răn đỏ” khi điều tra những vấn đề tài chính của gia đình ông Trump, đồng thời lên tiếng bênh vực con trai của Tổng thống về việc gặp gỡ luật sư người Nga - người được cho là hứa hẹn cung cấp thông tin bất lợi của bà Hillary Clinton.

“Trấn giữ” vị trí Bộ trưởng Tư pháp, ông Matthew Whitaker có thể ngăn chặn cuộc điều tra này bằng cách thu hẹp phạm vi điều tra, cắt giảm ngân quỹ cho cuộc điều tra, thậm chí là cách chức Công tố viên đặc biệt Robert Muller.

Bên cạnh bố trí một “chốt chặn” vững chắc, ông Donald Trump được cho là sẽ thiết lập một phòng tuyến vững chắc hơn để đối phó với khả năng phe Dân chủ gây khó khăn cho ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời cũng chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020.

Bản thân ông Donald Trump cũng thẳng thắn tuyên bố rằng Nhà Trắng cần những nhân tố mới để đối phó với việc Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Vì vậy sau Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, một số quan chức cấp cao khác cũng có thể ra đi ngay trong năm nay…

Ngoài ra, ông Donald Trump còn đe dọa sẽ điều tra ngược lại các thành viên của đảng Dân chủ tại Thượng viện nếu phe Dân chủ “tiếu tục lãng phí tiền thuế vào việc điều tra ở cấp Hạ viện”.

Ông Trump từng thừa nhận hai năm cuối nhiệm kỳ sẽ là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, và việc phe Dân chủ đệ đơn kiện Tổng thống về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp có thể coi là “phát súng” đầu tiên. Cả phe Dân chủ và phe Cộng hòa đều hiểu rằng, các bước đi mà họ đang tính toán không phải nhằm vào cá nhân Tổng thống, mà đó là việc “định hình thế trận” cho một cuộc chiến lớn hơn, đó là cuộc bầu cử Tổng thống vào hai năm sau. Vì vậy, sẽ khó có thể chờ đợi sự nhượng bộ từ bất kỳ bên nào trong cuộc đấu “dài hơi” này.

Chú thích ảnh:

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.