Phê duyệt phương án nổ mìn khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng ở Đô Lương

(Baonghean.vn) - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương có biên bản về việc giám sát ảnh hưởng nổ mìn và phê duyệt phương án nổ mìn phục vụ sản xuất xi măng tại khai trường mỏ đá Bài Sơn, Đô Lương.

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương có biên bản về việc giám sát ảnh hưởng nổ mìn và phê duyệt phương án nổ mìn tại khai trường mỏ đá Bài Sơn của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam thuộc địa phận xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, gần với khu dân cư xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành.

Các cơ quan chức năng đặt 5 máy giám sát đo rung chấn nổ mìn ở khu vực xã Thịnh Thành - Yên Thành, nơi giáp ranh mỏ đá Bài Sơn- Đô Lương. Ảnh Hào Nguyễn
Các cơ quan chức năng đặt 5 máy giám sát đo rung chấn nổ mìn ở khu vực xã Thịnh Thành - Yên Thành, địa bàn giáp ranh mỏ đá Bài Sơn- Đô Lương. Ảnh: Hào Nguyễn

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) - Bộ Công Thương có công văn 520/ATMT-ATKV (ngày 14/4/2022) về việc giám sát các bãi nổ mìn thí nghiệm và phê duyệt phương án nổ mìn khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Công văn của Cục ATMT được ban hành dựa trên căn cứ Báo cáo kết quả giám sát ảnh hưởng nổ mìn thí nghiệm tại khai trường mỏ đá vôi Bài Sơn ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Công ty TNHH Môi trường và Tài nguyên khoáng sản - MTK (Công ty MTK), quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14; điểm d khoản 7 Điều 5 và Bảng 1 Quy chuẩn số QCVN 01:2019/BCT.

Trước đó, ngày 22 tháng 3 năm 2022, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cùng với Sở Công Thương, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, đại diện UBND huyện Yên Thành, UBND xã Thịnh Thành, đại diện các hộ  dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam và Công ty TNHH Môi trường và Tài nguyên khoáng sản - MTK cùng thực hiện giám sát ảnh hưởng nổ mìn của 04 bãi nổ mìn thử nghiệm tại khai trường mỏ đá Bài Sơn của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Các đại diện tham gia giám sát đã thống nhất vị trí đặt các máy đo chấn động, cách thức giám sát khi thực hiện đặt máy đo và tiến hành giám sát công tác nổ mìn đảm bảo khách quan, trung thực.

Các cơ quan chức năng đặt máy giám sát đo rung chấn ở khu vực dân cư xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, Yên Thành, khu vực giáp ranh với mỏ đá Bài Sơn. Ảnh Hào Nguyễn
Các cơ quan chức năng đặt máy giám sát đo rung chấn ở khu vực dân cư xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, Yên Thành - khu vực giáp ranh với mỏ đá Bài Sơn. Ảnh: Hào Nguyễn

Các bên liên quan đã sử dụng 05 thiết bị đo giám sát, bao gồm: 03 thiết bị đo hãng Nomis do Mỹ sản xuất và 02 thiết bị đo Blastmate III do Canada sản xuất (có thông số kỹ thuật đáp ứng tại Quy chuẩn số QCVN 01:2019/BCT) để xác định mức độ ảnh hưởng của công tác nổ mìn đến các khu vực khảo sát nổ thí nghiệm.

Qua giám sát, Cục ATMT cùng với Sở Công Thương có Biên bản số 01/BB-GSNMXMSL (ngày 22/3/2022) đánh giá ảnh hưởng của nổ mìn về chấn động, sóng không khí và đá văng đến công trình của các hộ nhân dân có phản ánh và thông qua kết quả đo giám sát ảnh hưởng nổ mìn làm cơ sở xác định được sự phụ thuộc của ảnh hưởng nổ mìn vào các yếu tố điều kiện địa chất, địa hình cụ thể tại khai trường nổ mìn để lựa chọn quy mô và phương pháp nổ cũng như các các biện pháp nổ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình xung quanh.

Các bên liên quan thông báo biên bản giám sát với Công ty cổ phần xi măng Sông Lam. Ảnh Hào Nguyễn
Các bên liên quan thông báo biên bản giám sát với Công ty cổ phần xi măng Sông Lam. Ảnh: Hào Nguyễn

Biên bản nêu trên của Cục ATMT có xác nhận của Sở Công Thương, Sở Tài nguyên & Môi trường, Công an tỉnh, Công an huyện Yên Thành, UBND huyện Yên Thành, UBND xã Thịnh Thành, đại diện hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (Yên Thành)… cũng xác định: “Khi nổ các bãi mìn hộ chiếu nổ số 77/03/2022/HCNM, số 78/03/2022/HCNM, số 79/03/2022/HCNM, số 80/032022/HCNM 05 máy ghi dược 11 tín hiệu và các kết quả đều nằm dưới ngưỡng quy định tại Điều 41 Quy chuẩn số QCVN 01:2019 (khoảng cách từ bãi mìn đến công trình từ 0 đến 91,4 m, vận tốc dao động cực trị cho phép 31,75 mm/s; khoảng cách từ bãi mìn đến công trình từ 92m đến 1.524 m, vận tốc giao động cực trị cho phép 25,4 mm/s; khoảng cách từ bãi mìn đến công trình lớn hơn 1.524 m, vận tốc giao động cực trị cho phép 19 mm/s). Có 02 máy đặt các vị trí gần phía nhà dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành không ghi được kết quả do khoảng cách quá xa. 04 bãi nổ có đá văng không lớn hơn 30m, không có bụi. Như vậy, 04 bãi nổ thử nghiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình, đối tượng cần bảo vệ”.

Trên cơ sở đó, công văn 520/ATMT-ATKV (ngày 14/4/2022) của Cục ATMT cũng phê duyệt phương án nổ mìn khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Việc tiến hành nổ mìn khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng phải chấp hành theo quy định pháp luật cũng như các phương án đã phê duyệt, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN quy định tại Quy chuẩn số QCVN 01:2019/BCT, các quy định của pháp luật về VLNCN, các quy định về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường có liên quan.

Hoạt động khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng tại mỏ của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Nguyên Nguyên
Hoạt động khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng tại mỏ của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Nguyên Nguyên

Trước đó, năm 2021, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam nhận được phản ánh của một số hộ dân tại lèn Yên Mỹ, xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành về việc nhà nứt nghi do nổ mìn khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng của đơn vị. Ngay khi đó, Công ty phối hợp với chính quyền đến kiểm tra thực địa.

Để xem xét đánh giá cụ thể sự việc, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân an tâm sinh sống, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đã có công văn đề nghị UBND huyện Yên Thành, UBND xã Thịnh Thành phối hợp cùng Công ty thuê cơ quan chức năng có chuyên môn về xem xét đánh giá, đo đếm rung chấn nổ mìn. Các kết luận nêu trên là hoạt động cụ thể để làm rõ vấn đề đã phản ánh.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.