'Phép chia' đạo đức

Nguyễn Khắc An 23/03/2021 09:27

(Baonghean.vn) - Trên đời này có nhiều thứ đáng chia lắm nhưng có lẽ đạo đức thì không. Cuộc sống không nên tồn tại phép chia dành cho đạo đức.

'Phép chia' đạo đức

Khỏi phải bàn cãi nhiều, cũng chả cần các phép tính toán tổng hợp phức tạp, chỉ thông qua quan sát xã hội bằng năng lực bẩm sinh cũng có thể nhận thấy giáo dục chính là một trong những lĩnh vực tiên phong nhất ở việc ban hành các văn bản nhằm nâng cao chất lượng toàn diện của mình. Từ nỗ lực xây dựng đội ngũ đến nâng cao hiệu quả chuyên môn giảng dạy, có lẽ năm nào Bộ GD&ĐT cũng trăn trở cho việc ấy. Quả là đáng ghi nhận và cũng đáng trân trọng. Lâu lâu cũng thành quen, cứ mỗi lần Bộ ban hành một chủ trương hay chính sách nào đó thì lại là mỗi lần dư luận xã hội được phen thảo luận rôm rả. Phải nói là xã hội rất bận lòng đến giáo dục, mà xã hội quan tâm đến giáo dục là hồng phúc cho muôn nhà.

Câu chuyện “Giáo án mẫu” vẫn chưa khô mực trong các dòng bình luận thì mới đây Bộ GD&ĐT lại làm mới diễn đàn bằng các quy định về “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp” mà cư dân mạng gán ghép là “Giấy phép con”. Nhưng có lẽ đỉnh điểm của sự quan tâm chính là Thông tư 03/2021. Theo đó giáo viên “vinh dự” được phân ra ba hạng (1,2,3). Điều làm dư luận thảo luận nhiều nhất ở Thông tư 03 chính là nội dung "Tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo". Tương ứng với tiêu chuẩn về chuyên môn thì đạo đức giáo viên cũng “phiên” ra 3 hạng, cụ thể hạng 3 phải “thường xuyên trau dồi”, hạng 2 phải “luôn luôn gương mẫu” và hạng 1 phải là “tấm gương mẫu mực”. Tôi không làm nhiệm vụ nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, nhưng lại có may mắn công tác trong lĩnh vực này thành thử cũng bận lòng ít nhiều khi nghĩ đến chuyện “phân hạng”.

Phân hạng hay phân loại nôm na là một thao tác kỹ thuật nhằm nhận diện chất lượng của một đối tượng hay sản phẩm nào đó, phục vụ cho mục đích nào đó của chủ thể quản lý. Nhớ lại ngày xưa, thời bao cấp, khi hàng hóa còn khan hiếm, cái thời mua một chiếc lốp xe đạp cũng phải bốc thăm thì người ta cũng phân lốp xe đạp ra các loại. Người may mắn thì bốc được chiếc lốp loại một, người may mắn vừa vừa thì bốc được chiếc lốp loại hai, còn người không may mắn lắm thì bốc phải cái lốp loại ba. Lốp loại ba thì thường là những chiếc lốp có lỗi, khi thì rách, lúc thì phồng rộp… Nói chung lốp loại ba rất không đảm bảo an toàn. Nhưng vì cái thủa đói kém quá thành thử người ta cũng tặc lưỡi an ủi rằng “có còn hơn không”. Rồi sang bậc thợ, người ta cũng phân ra các bậc, có khi là 7 bậc. Cái này thì người ta thi thố đàng hoàng, người ta căn cứ trên kỹ năng, trình độ để phân ra hạng bậc. Việc phân hạng này có một hữu ích quan trọng ngoài làm căn cứ xét thu nhập thì là để phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, mang lại năng suất hiệu quả tốt hơn.

Đấy là lốp, đấy là thợ, mục đích và hiệu ích rất rõ ràng! Còn mục đích cuối cùng, sâu xa và cao cả của việc phân hạng giáo viên sẽ là gì nhỉ? Dùng giáo viên “hạng một” để giảng dạy học sinh cá biệt, hay sử dụng họ cho công cuộc bồi dưỡng mũi nhọn? Theo lẽ thường thì học sinh càng kém càng cần giáo viên giỏi. Vậy liệu điều ấy có được áp dụng ưu tiên trên thực tiễn hay ngược lại? Lâu nay trên thực tế dường như mặc định cô giỏi thì dạy trò giỏi, còn trò kém thì chọn lớp, chọn cô cũng ít giỏi hơn (tác giả chỉ dám dùng chữ “ít giỏi” chứ không dám dùng chữ “kém”). Khi có kết quả phân hạng rồi thì sao? 100% phụ huynh và học sinh đều có nhu cầu chọn cô “hạng một” thì điều gì sẽ xảy ra? Có dẫn đến vấn nạn “chạy cô” hay không? Hay đến đầu năm học nhà trường lại cho học sinh bốc thăm để chọn cô như thời bao cấp bốc thăm lốp xe đạp? Và giả sử bốc thăm như vậy có dẫn đến tình trạng người bốc trúng cô “hạng một” thì nhảy cẫng reo hò, còn người bốc thăm phải cô “hạng ba” thì... tặc lưỡi “có còn hơn không”?

Lại chuyện giáo viên đạo đức hạng ba nữa. Nếu suy luận theo kiểu không có hạng tư thì rõ ràng hạng ba là hạng cuối cùng. Hay để dễ hình dung thì gắn chữ cái cho dễ nhớ (A,B,C) thì rõ ràng giáo viên đạo đức hạng hạng ba còn có thể nôm na gọi là “thầy hạng C”. Lại nhớ lại chuyện thời đi học, trên thực tế học sinh cũng chủ yếu được phân hạnh kiểm ra làm ba loại. “Hạnh kiểm tốt” “Hạnh kiểm khá” và “Hạnh kiểm trung bình” (“Hạnh kiểm kém” có trong “danh mục” nhưng trên thực tế rất cá biệt, không mấy khi có) Hầu hết học sinh đều có hạnh kiểm tốt, thi thoảng mới có em “khá” (tức là hạng hai) còn đến “Hạnh kiểm loại trung bình” thực ra là “có vấn đề” lắm rồi. Khi chuyển trường hay sau này liên hệ công tác, mở cuốn học bạ ra mà thấy ghi “hạnh kiểm trung bình” thì không thiện cảm cho lắm.

Trở lại chuyện “hạnh kiểm giáo viên”. Thiết nghĩ giáo viên mà “đạo đức hạng ba” thì làm sao đủ tự tin trước học sinh “đạo đức hạng một”? Việc phân hạng đạo đức giáo viên nghe loáng thoáng thì thấy hơi phản cảm, nhưng khi tìm hiểu rồi thì mới nhận ra là nó hình như phản cảm thật! Thật khó để hình dung một cô giáo đạo đức xếp “hạng ba” đứng trước một câu học sinh có hạnh kiểm “đồng hạng” thì nên ứng xử như thế nào. Vị thế của người thầy xét ở góc độ tự tin có còn nguyên vẹn không? Hình ảnh của người giáo viên với cậu học trò kia có còn tinh khôi không, có là “mẹ hiền” nữa không? Giáo viên hạng hai phải “Luôn luôn gương mẫu” thế hạng hai, bạng ba thì sao? Chả nhẽ hạng ba chỉ cần “thỉnh thoảng” gương mẫu sao? Khẩu hiệu “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” cơ mà!

Mọi đổi thay cũng đều nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học. Điều đó không chỉ đúng mà là cần thiết, không chỉ hôm nay mới cấp bách mà nó cấp bách từ lâu lắm rồi, không phải các nhà quản lý bận tâm, mà cả xã hội sốt sắng. Quá nhiều vụ việc trong khuôn viên trường học đáng để gióng lên hồi chuông cảnh báo. Chúng ta không thể đứng yên. Chúng ta không thể đứng ngoài giáo dục để quản lý giáo dục. Mọi nỗ lực đều đáng ghi nhận nhưng không phải biện pháp nào cũng phù hợp. Thợ có thể phân ra 7 bậc, nhưng thầy giáo lại không phải là “thợ dạy”. Ai dám chắc với cung cách quản lý hiện nay thì việc phân hạng sẽ mang lại hiệu quả? Liệu có hay không việc “chạy nâng hạng”? Có hay không giáo viên “hạng ba” tự ti, suy giảm động lực…

Thầy có thể không tối cao về mặt kiến thức nhưng nhất thiết phải mẫu mực về mặt đạo đức. Người ta nói rằng: Giáo dục một người phụ nữ tốt là được một gia đình, nhưng giáo dục được một người thầy giáo tốt là được cả một thế hệ. “Thầy giáo là kỹ sư tâm hồn”, những thứ thuộc về văn hóa thì cũng cần cách giải quyết có văn hóa , cách ứng xử với kỹ sư tâm hồn có lẽ nên khác. Hãy cố gắng cho hình ảnh người thầy được luôn luôn đẹp đẽ, luôn luôn sáng trong. Trên đời này có nhiều thứ đáng chia lắm nhưng có lẽ đạo đức thì không. Cuộc sống không nên tồn tại phép chia dành cho đạo đức.

Nguyễn Khắc An

Mới nhất
x
'Phép chia' đạo đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO