Phi công Việt Nam được huấn luyện trên CASA-295
Theo báo PK-KQ, thời gian tới, phi công máy bay vận tải Việt Nam sẽ được huấn luyện với máy bay 2 động cơ mới CASA C-295.
Mua máy bay mới
Thông tin này được Đại tá Nguyễn Tiến Học - Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Sĩ quan Không quân) nói đến trong bài viết "Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự là cần thiết".
"Theo dự kiến của Quân chủng và của Bộ Quốc phòng, Yak-130 là loại máy bay hiện đại, thế hệ 4 và nó tương thích với trang thiết bị của các loại máy bay Su-27, Su-30.
Do đó, nó rất thuận lợi cho việc phi công sau khi tốt nghiệp đào tạo tại Trường Sĩ quan Không quân về chuyển loại đào tạo tại đơn vị trên các loại máy bay Su-27, Su-30.
Về đào tạo phi công vận tải hay phi công trực thăng cũng tốt nghiệp trên các loại máy bay mới hơn, hai động cơ, theo dự kiến sẽ là máy bay CASA-295, CASA-212...", Đại tá Nguyễn Tiến Học cho biết.
Máy bay C-295M của Không quân Việt Nam. |
Trước khi báo PK-KQ đăng tải thông tin này, truyền thông phương Tây hồi đầu năm 2016 đã cho biết, Việt Nam sẽ mua thêm máy bay C-295 và NC-212i mới.
Nếu như thông tin Việt Nam đặt mua 3 chiếc NC-212i đã được Việt Nam và phía công ty Airbus Defence & Space xác nhận thông qua bảng thống kê số lượng máy bay quân sự đặt hàng, chuyển giao và vận hành tính đến ngày 31/12/2015, thì việc chúng ta mua thêm vận tải cơ C-295 là khá bất ngờ.
Hiện nay Không quân nhân dân Việt Nam được trang bị 3 máy bay vận tải C-295M, chuyển giao theo hợp đồng ký kết vào năm 2013 có giá trị khoảng 100 triệu USD. Tính đến cuối năm 2015, cả 3 chiếc C-295M đều đang phục vụ tại Lữ đoàn 918.
Tuy nhiên, với phạm vi hoạt động rộng trong khi phần lớn các máy bay An-26 đều đã quá cũ thì chỉ 3 chiếc C-295M là khó có thể đáp ứng hết nhu cầu sử dụng. Việc đặt mua thêm C-295 sẽ là giải pháp tối ưu giúp đảm bảo năng lực vận tải và giảm quá trình đào tạo trên dòng máy bay mới.
Chưa rõ nhà máy nào sẽ chịu trách nhiệm chế tạo những chiếc C-295 mới, nhưng khả năng cao vẫn là dây chuyền ở Seville, Tây Ban Nha - nơi từng lắp ráp 3 chiếc C-295M cho Việt Nam.
Nhiệm vụ không ngờ của C-295M
Dù là vận tải cơ, nhưng máy bay C-295M của Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành máy bay cường kích và săn ngầm bằng loạt trang bị mới. Theo thông tin vừa được công bố, Tập đoàn Airbus Defence & Space đã ký thỏa thuận với hãng Roketsan Thổ Nhĩ Kỳ về việc tích hợp các hệ thống vũ khí do hãng này phát triển cho dòng máy bay vận tải C-295W.
Hay nói cách khác là phát triển phiên bản cho nhiệm vụ cường kích hạng nhẹ trên nền tảng dòng máy bay vận tải C-295. Nội dung được ký kết sẽ tích hợp lên máy bay C-295W gồm: Rocket dẫn đường laser CIRIT cỡ 70mm; tên lửa chống tăng UMTAS và bom thông minh Mk81 155kg và Mk 82 270kg lắp bộ dẫn đường chính xác cao.
Điều đặc biệt là C-295W là phiên bản mở rộng của dòng máy bay vận tải C-295 với cánh phụ ở đầu cánh chính, nâng cấp động cơ đem lại hiệu suất bay tốt hơn.
Cơ bản thì C-295W vẫn sử dụng khung thân gốc phiên bản tiêu chuẩn máy bay vận tải C-295M xuất khẩu tới Việt Nam và nhiều nước khác. Chính vì thế, nếu nâng cấp thành công C-295W trang bị vũ khí dẫn đường thì sẽ mở ra cơ hội cho các máy bay vận tải C-295 của Việt Nam trở thành cường kích hạng nhẹ.
Ngoài ra, những máy bay vận tải C-295M như của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành máy bay tuần tra săn ngầm nhờ vào gói nâng cấp do Tập đoàn PT Dirgantara của Indonesia (PTDI) thực hiện. Theo hãng thông tấn ANTARA News, hiện nay nhà sản xuất này của Indonesia đang sản xuất CN-295 - phiên bản của chiếc C-295.
Những nhiệm vụ của chiếc CN-295 này bao gồm vận tải quân sự, đối phó với những tình trạng khẩn cấp và di tản y tế, tìm kiếm cứu nạn, tuần tra hàng hải, hoặc thậm chí là các nhiệm vụ phức tạp hơn như tác chiến chống ngầm hoặc trinh sát điện tử.
Máy bay vận tải chiến thuật CN-295 được trang bị 2 động cơ tua-bin cánh quạt cho phép đạt tốc độ tối đa gần 600 km/h, tầm bay tới 4.600km, trần bay 9.100m. Máy bay có khả năng chở 71 người cùng 2 phi hành đoàn hoặc hơn 9 tấn hàng hóa.
Hiện nay, Việt Nam hiện đã nhận bàn giao 3 chiếc vận tải C-295M của Airbus và biên chế về Lữ đoàn Không quân 918 đóng tại Gia Lâm vốn trước đó đang vận hành các máy bay vận tải An-26 sắp hết niên hạn sử dụng.
So với An-26, C-295M có tải trọng gần gấp đôi, tầm bay xa hơn và khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.
C-295M được trang bị cặp động cơ tuốc bin cánh quạt do Canada sản xuất - PW127G với cánh quạt 6 lá cung cấp tải trọng, tốc độ và hành trình bay tương tự như phiên bản CN-295 do Indonesia sản xuất.
Clip máy bay C-295M trong Quân đội Việt Nam:
Theo Baodatviet
TIN LIÊN QUAN |
---|