Philippines - Trung Quốc trước giờ phán quyết

11/07/2016 08:00

(Baonghean) - Ngày mai (12/7) sẽ là mốc Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay đưa ra phán quyết về vụ kiện yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc trên Biển Đông của Philippines. Trước thềm sự kiện chính trị quan trọng này, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an xung quanh vấn đề này.

P.V: Thiếu tướng có thể cho biết tại sao Philippines khởi kiện Trung Quốc và nội dung của vụ kiện là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vụ Philippines kiện Trung Quốc đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Hiện nay trên thế giới còn tồn tại hơn 50 điểm tranh chấp về biển đảo và các bên phải giải quyết tranh chấp bằng nhiều hình thức.

Tranh chấp Biển Đông đang tạo ra nguy cơ an ninh trong khu vực. Ảnh: Internet
Tranh chấp Biển Đông đang tạo ra nguy cơ an ninh trong khu vực. Ảnh: Internet

Trong trường hợp tranh chấp với Trung Quốc, Philippines đã chọn đưa ra Tòa Trọng tài thường trực (gọi tắt là PCA) ở La Hay (Hà Lan) bởi quốc gia này cũng đã tiến hành đối thoại hòa bình với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, sau nhiều năm không thành công, cựu Tổng thống Philippines Aquino buộc phải lựa chọn phương thức kiện Trung Quốc tại PCA - tòa án được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp quốc. Về tư cách pháp nhân, PCA là cơ quan tài phán quốc tế của Liên Hợp quốc nhưng không có quyền phán quyết các vấn đề về chủ quyền vì thế trong hồ sơ kiện dày 4.000 trang, Philippines tập trung 15 điểm nhưng cốt lõi nhất là yêu cầu PCA phải đưa ra phán quyết rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là đi ngược lại với công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

P.V: Tại sao Trung Quốc lại phản ứng việc Philippines kiện và nhất quyết không tham gia vụ kiện?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm 2013, ngay khi Philippines gửi hồ sơ lên PCA, Trung Quốc tuyên bố công khai với thế giới rằng, PCA không có tư cách pháp nhân, không có chức năng, quyền hạn thụ lý và giải quyết vụ kiện này vì thế không tham gia quá trình tố tụng.

Trung Quốc cũng cho rằng giữa họ và 10 nước ASEAN đã có tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Quan điểm của Bắc Kinh cho rằng đây đã là một giải pháp cho vấn đề tranh chấp nên không cần đến cơ quan tài phán quốc tế. Nhưng thực chất điều mà Trung Quốc không nói ra là bản thân Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào đối với xác định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt đối với yêu sách “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”.

Năm 2009, trong công hàm gửi Liên Hợp quốc, lần đầu tiên, Trung Quốc công bố quan điểm cho rằng, Trung Quốc có chủ quyền trong vùng được bao chiếm “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn”. Tuy nhiên điều này hoàn toàn mơ hồ bởi Trung Quốc không hề xác định được tọa độ, không có căn cứ nào để đưa ra yêu cầu chủ quyền. Chính vì không có cơ sở pháp lý nên họ rất sợ các nước kiện tại PCA.

P.V: Vậy, Thiếu tướng có dự báo gì về phán quyết của PCA?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày mai (12/7), PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Cả thế giới đang nghiên cứu, dõi theo và đưa ra nhiều phán đoán.

Phán quyết đầu tiên của PCA ngày 29/10/2015 dài 151 trang cho thấy, thứ nhất căn cứ theo phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, PCA có toàn quyền xử lý và thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc. Thứ 2, việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện này không ảnh hưởng đến kết luận của PCA bởi lẽ cả Trung Quốc và Philipppines đều đã tham gia công ước Luật biển tất yếu phải tuân thủ những vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp. Cũng trong phán quyết này, PCA đã xử lý 7 trong số 15 điểm Philippines đưa ra và sẽ tiếp tục đưa ra phán quyết vào ngày 12/7 tới.

Tôi nghĩ từ phán quyết trên, PCA sẽ có các phương án: Thứ nhất, PCA sẽ đưa ra phán quyết theo yêu cầu của Philippines đó là 100 địa vật ở Trường Sa chỉ có 2 loại. Loại thứ nhất là các đá nửa chìm nửa nổi, theo Công ước LHQ về Luật biển 1982 hoàn toàn không có vùng lãnh hải 12 hải lý, hoàn toàn không có đặc quyền kinh tế. Loại thứ 2 là đá và đảo hoặc đảo có người ở, dạng này có vùng lãnh hải 12 hải lý. Riêng đảo còn có vùng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Nếu PCA đưa ra phán quyết rằng tất cả các địa vật ở Trường Sa chỉ là nửa chìm nửa nổi hoặc là đá thì điều này rất có lợi cho Philippines nói riêng và các nước có tranh chấp hoặc không có tranh chấp ở Trường Sa nói chung bởi lẽ các tàu đánh cá, tàu thương mại, tàu chiến được tự do lưu thông qua vùng biển Trường Sa mà không ai có quyền ngăn cản.

Từ 7-13/7, Tòa Trọng tài Thường trực tổ chức phiên điều trần kín ở Hà Lan để nghe Philippines giải trình các luận điểm quanh vụ kiện. Hình ảnh bên trong phiên tòa chỉ được Philippines công bố sau khi nước này nhận thư điện tử từ PCA.
Từ 7-13/7, Tòa Trọng tài Thường trực tổ chức phiên điều trần kín ở Hà Lan để nghe Philippines giải trình các luận điểm quanh vụ kiện. Hình ảnh bên trong phiên tòa chỉ được Philippines công bố sau khi nước này nhận thư điện tử từ PCA.

Nhưng tôi nghĩ rằng PCA phải lựa chọn để đưa ra phán quyết vừa có lợi cho Philippines, nhưng không đẩy Trung Quốc đến chân tường. Ví dụ phán quyết toàn bộ đá chìm ở Trường Sa không có tư cách pháp nhân để xác định hải phận 12 hải lý, hoàn toàn không có khả năng xác định 200 hải lý đặc quyền kinh tế, trừ 1 số trường hợp đặc biệt gọi là đá thì có 12 hải lý.

Khu vực Trung Quốc tập trận trái phép. Đồ họa: Takungpao
Khu vực Trung Quốc tập trận trái phép. Đồ họa: Takungpao

Có thể, nếu diễn biến tích cực, PCA sẽ đưa ra phán quyết rằng những yêu sách “đường 9 đoạn” là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Và có thể, PCA khẳng định rằng các hoạt động cải tạo các đá chìm ở Trường Sa của Trung Quốc là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường sinh thái biển. Chúng ta cũng không loại trừ kịch bản, PCA có thể không đề cập đến các vấn đề trên mà chỉ đưa ra những vấn đề chung, không thiên về bên nào. Một khả năng được tính đến là PCA đưa ra phán quyết trên 100 địa vật ở Trường Sa chỉ có Ba Bình là đảo, tất cả các địa vật khác đều là đá hoặc nửa chìm nửa nổi. Nếu thế, đảo Ba Bình có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, và như vậy sẽ chồng lấn lên toàn bộ các khu vực đảo đá khác của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.

Theo đó, dù Ba Bình đang bị Đài Loan chiếm thì Trung Quốc vẫn có khả năng xua đuổi các tàu cá Việt Nam, Philippines đánh bắt trong vùng này. Nhìn chung, dư luận quốc tế dự đoán phán quyết của PCA ngày 12/7 dễ thiên về hướng có lợi cho Philippines, bất lợi cho Trung Quốc cả trên phương diện pháp lý, cả trên phương diện chính trị ngoại giao.

P.V: Theo Thiếu tướng Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu PCA phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, theo tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa biển Đông, sẵn sàng bồi đắp Scarborough - đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông và có khả năng tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tiếp tục bao vây đảo Cỏ Mây, tăng cường tàu hải giám xua đuổi các tàu cá của nước ngoài hoạt động trong “đường 9 đoạn”. Trong các hành động trên thì thiết lập vùng nhận dạng phòng không Biển Đông sẽ là nguy hiểm nhất bởi đụng chạm lợi ích lớn của cộng đồng quốc tế, bởi nếu Trung Quốc tiến hành hành động này ở Trường Sa thì sẽ làm chồng lấn lên toàn bộ vùng thông tin bay 10 thành phố lớn của Việt Nam, Singapore, Philippines và Malaysia.

P.V: Dư luận thế giới cho rằng, Tân Tổng thống Philippines Duterte đã có nhiều thay đổi chính sách đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc. Theo Thiếu tướng, sự điều chỉnh ấy có ảnh hưởng đến quá trình phán quyết của vụ kiện này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Suốt thời kỳ tranh cử, trong chương trình hành động của mình, về đường lối đối ngoại, ông Duterte nêu rõ sẽ tổ chức đối thoại với Trung Quốc. Và ngay sau khi nhậm chức, vị Tổng thống này ngay lập tức điều chỉnh chính sách đối ngoại. Quan điểm của ông là vẫn hợp tác với Mỹ về mặt quân sự an ninh, nhưng không dựa hẳn vào Mỹ, đồng thời Manila mở ra một cánh cửa đối thoại với Bắc Kinh. Phía Trung Quốc nhìn thấy rõ Philippines đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống đường sắt, đường bộ cao tốc...

Luật sư Florin Hilbay, trưởng đoàn luật sư của Philippines, tham gia tranh tụng. Trung Quốc bác bỏ quyền hạn của Tòa Trọng tài và từ chối tham dự.
Luật sư Florin Hilbay, trưởng đoàn luật sư của Philippines, tham gia tranh tụng. Trung Quốc bác bỏ quyền hạn của Tòa Trọng tài và từ chối tham dự.

Và Trung Quốc cho biết sẵn sàng hỗ trợ Philippines xây dựng cơ sở hạ tầng, khôi phục kinh tế, thậm chí giúp đỡ Philippines tạo ra giống lúa mới để quốc gia này có thể tự túc lương thực trong thời gian ngắn nhất. Như vậy xem ra, từ 30/6 trở đi, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng khác. Và điều này tác động trực tiếp đến tranh chấp và vụ kiện tranh chấp trên Biển Đông.

Nhưng tôi nghĩ rằng, Tổng thống Duterte cũng chỉ điều chỉnh quan hệ trong một biên độ nhất định bởi ông Duterte không thể từ bỏ cam kết với Mỹ trên lĩnh vực quân sự và an ninh, ông dẫm vào lối đi cũ của bà Arroyo trước đây. Nhưng muốn hay không muốn, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông của riêng Philippines và cố kết trong nội bộ các nước ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông sẽ chịu tác động.

An Nhân

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Philippines - Trung Quốc trước giờ phán quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO