Phim Việt về tục tảo hôn thắng giải ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 6

Theo Thu Huế (vnexpress.net)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
"Khu rừng của Páo" thắng giải "Phim ngắn xuất sắc" tại bế mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần sáu, tối 12/11.

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt cảm ơn ban tổ chức cho anh có cơ hội giới thiệu phim với khán giả trong nước, quốc tế. "Tác phẩm kể về Páo, một cậu bé H'Mông, kết hôn theo hủ tục năm 14 tuổi. 18 tuổi, Páo lần đầu biết yêu, liên tục lạc giữa hai lựa chọn: tình yêu cá nhân và trách nhiệm gia đình. Đây cũng là câu chuyện của bạn thân em - Phá - nam chính trong phim. Xin gửi lời cảm ơn đến những người đã cùng em làm nên bộ phim", Thành Đạt nói.

"Khu rừng của Páo" thắng giải Phim ngắn xuất sắc ở Haniff.

"Khu rừng của Páo" thắng giải Phim ngắn xuất sắc ở Haniff.

Giàng A Phá (nam chính phim, đóng vai Páo) cho biết hạnh phúc, bất ngờ với kết quả. Khi đến dự buổi lễ, anh còn không biết sẽ đi thảm đỏ, không ăn mặc trịnh trọng. Phá là người H'Mông nên không gặp nhiều khó khăn khi đóng bộ phim lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình. Khu rừng của Páo tranh giải cùng 19 phim ngắn từ các nước.

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt.

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt.

Ở hạng mục phim dài, lần đầu tiên giải Nam chính xuất sắc cùng lúc vinh danh bảy diễn viên thuộc đoàn Maariya của Sri Lanka. Họ gồm: Mahendra Perera, Priyantha Sirikumara, Hemal Ranasinghe, Darshan Dharamaraj, Ashan Dias, Suran Dissanayaka, Dasun Patirana. Đạo diễn phim, Aruna Jayawardana, thay mặt các nghệ sĩ nhận giải. Tuy nhiên, ông không có thời gian phát biểu. Hoa hậu Liên lục địa 2022 Bảo Ngọc là người trao giải. Cô nói ngưỡng mộ các nghệ sĩ điện ảnh, bởi họ phải hóa thân nhiều nhân vật, cuộc đời và hy sinh vì vai diễn.

Hoa hậu Bảo Ngọc trao giải Nam chính xuất sắc cho đại diện đoàn phim "Maariya".

Hoa hậu Bảo Ngọc trao giải Nam chính xuất sắc cho đại diện đoàn phim "Maariya".

Tác phẩm kể về Wiillie, Bennet, Anthony, Osca, Daiya và Tenny, cùng làm việc trong đoàn đánh cá. Họ tình cờ gặp Malan - một người có ý định vượt biên sang Australia - bằng cách lợi dụng những người ngư dân thật thà. Bảy nghệ sĩ có đất diễn, vai trò ngang nhau trong tác phẩm.

Giải Phim xuất sắc thuộc về Paloma của Brazil. Đạo diễn Marcelo Gomes kể câu chuyện về Paloma - một phụ nữ chuyển giới - và hành trình vượt định kiến, tìm kiếm hạnh phúc. Cô chăm chỉ làm việc, tích góp đủ tiền để làm đám cưới tại nhà thờ, nhưng bị linh mục từ chối. Phim đặt ra vấn đề về nạn kỳ thị giới, sự bất công của tôn giáo với cộng đồng LGBT. Kiki Sena (vai Paloma) đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc.

Dù được giới chuyên môn đánh giá cao trước giờ trao giải, Ghép tủy chỉ giành một giải "Đạo diễn xuất sắc" cho Hamid Reza Ghorbani (Iran). Ban giám khảo đánh giá các phim tham gia tranh giải năm nay đa dạng, đề tài phong phú.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (trái) trao giải "Phim dài xuất sắc" cho đại diện đoàn phim "Paloma".

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (trái) trao giải "Phim dài xuất sắc" cho đại diện đoàn phim "Paloma".

Đại diện Việt Nam duy nhất ở thể loại phim dài - Hoa nhài của đạo diễn Đặng Nhật Minh - được ban tổ chức tặng bằng khen vì có nội dung đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Giải phụ Phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình Toàn cảnh phim Việt Nam đương đại được trao cho Bố già.

Lễ trao giải diễn ra ngắn gọn trong một tiếng rưỡi, không có nhiều điểm nhấn. Ngoài đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt của Việt Nam, những người chiến thắng đều không phát biểu. Một trong những tiết mục gợi nhiều cảm xúc là bài Hoa sữa (nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác), Phạm Thu Hà trình diễn. Ca khúc từng là nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ (1978). Trước đó, lễ khai mạc cũng được tổ chức đơn giản. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - cho biết do ảnh hưởng đại dịch, ban tổ chức nhận được ít tiền tài trợ hơn Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần năm (2018).

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ sáu diễn ra từ ngày 8 đến 12/11, quy tụ 123 tác phẩm của 56 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó có 11 phim dài, 20 phim ngắn, 7 phim trong chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, 63 phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới và 22 phim Việt Nam đương đại. 11 phim dài, phim ngắn sẽ tranh giải Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nam/nữ chính xuất sắc.

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần đầu tổ chức năm 2010, sau đó tiếp diễn hai năm một lần với tên viết tắt là Haniff (Hanoi International Film Festival). Sự kiện điện ảnh này từng có sự góp mặt của nhiều sao quốc tế như hai tài tử Hong Kong Ngô Ngạn Tổ - Trương Gia Huy (2010), nữ diễn viên Hàn Quốc Kim Min Hee (2012), nam diễn viên Go Soo (2014), David Wenham (2018, từng tham gia loạt phim The Lord of the Rings). Năm 2020, Haniff không được tổ chức vì Covid-19.

Các giải thưởng chính của Haniff lần sáu

Phim xuất sắc: Paloma (Brazil)

Giải của ban giám khảo: Người phụ nữ trên tầng áp mái (Ba Lan, Thụy Điển)

Nam diễn viên xuất sắc: Mahendra Perera, Priyantha Sirikumara, Hemal Ranasinghe, Darshan Dharamaraj, Ashan Dias, Suran Dissanayaka, Dasun Patirana (Maariya, Sri Lanka)

Nữ diễn viên xuất sắc: Kiki Sena (Paloma, Brazil)

Đạo diễn xuất sắc: Hamid Reza Ghorbani (Ghép tủy, Iran)

Phim ngắn xuất sắc: Khu rừng của Páo (Việt Nam)

Đạo diễn phim ngắn xuất sắc: Surya Shahi (Những bánh xe buýt, Nepal)

tin mới

diễn viên Huỳnh Uyển Ân

Em gái Trấn Thành nói gì khi bị chê 'một màu'!

Nữ diễn viên Huỳnh Uyển Ân, em gái của Trấn Thành, thổ lộ rằng cô còn trẻ, còn thời gian để phát huy ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, cô có duyên với vai diễn trong phim các phim gia đình, xã hội thì nỗ lực nắm bắt, thể hiện tốt nhất vai diễn để tạo đặc trưng, điểm nhấn trong khán giả trước.