Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu: Thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm, kết nạp đảng viên mới
(Baonghean.vn) - Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu, nếu làm tốt công tác thu hút đầu tư, Nghệ An có điều kiện đưa con em Nghệ An trong và ngoài tỉnh về làm việc tại địa phương. Từ đó địa phương sẽ có điều kiện để phát triển đảng viên mới.
Đảm bảo quyền lợi cho cán bộ luân chuyển về cơ sở
Tại hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với hơn 1.000 người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đặt câu hỏi với Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Lê Viết Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam(Hưng Nguyên) cho biết, bản thân là cán bộ cấp huyện được luân chuyển, điều động về cơ sở. Bày tỏ vui mừng về Quyết định 09 của tỉnh quy định về một số nội dung về cán bộ luân chuyển, điều động, biệt phái, nhưng sau khi tiến hành luân chuyển được hơn 1 năm thì lương từ 14 triệu xuống còn 11 triệu đồng bởi lý do cán bộ khối Đảng, đoàn thể ở cấp huyện có phụ cấp % nhưng về cấp xã không được hưởng phụ cấp công tác Đảng.
“Hiện nay, tỉnh đã có Đề án về việc thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ đi cơ sở, trong đó có đề cập đến chế độ, chính sách từ chế độ công tác phí, nhà công vụ… Nhưng số cán bộ thuộc khối Đảng được luân chuyển, điều động về cơ sở lại bị cắt giảm thu nhập (phụ cấp công tác Đảng không còn). Vậy, tỉnh có giải pháp như thế nào để động viên anh em đi luân chuyển, điều động xuống cấp xã yên tâm cống hiến?" - Đồng chí Lê Viết Hùng nêu câu hỏi.
Trao đổi làm rõ băn khoăn của Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam , đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ đi cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch được trải qua thực tiễn, có thêm kinh nghiệm.
Đối với các chế độ, chính sách cho cán bộ đi luân chuyển, điều động, biệt phái được Bộ Chính trị quy định tại Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ; Chính phủ quy định tại Nghị định số 138/2000/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định tại Quy định số 21 QĐ/TU, ngày 12/5/2023. Các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu của cán bộ luân chuyển đi cơ sở.
Đánh giá phản ánh của đồng chí Lê Viết Hùng là đúng thực trạng, hiện nay cán bộ thuộc khối Đảng được luân chuyển, điều động về cơ sở công tác, theo quy định của Trung ương thì không được hưởng phụ cấp 30% khối Đảng, do Trung ương chỉ quy định phụ cấp cho cán bộ, công chức làm việc ở cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp Trung ương đến cấp huyện.
"Về nội dung này, Tỉnh ủy cũng đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương để bổ sung cho đối tượng cán bộ khối Đảng được luân chuyển, điều động về cấp xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.”- đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu thông tin, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP, ngày 10/7/2023 nhằm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chế độ tiền lương, theo đó sẽ xây dựng và ban hành bảng theo chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương.
Đối với tỉnh Nghệ An, thực hiện Quy định số 21-QĐ/TU, hiện nay UBND tỉnh đang dự thảo để trình HĐND tỉnh về chính sách đối với cán bộ luân chuyển nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy đã lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của cán bộ làm công tác đảng đi luân chuyển ở cơ sở cấp xã. Nội dung này Thường trực Tỉnh ủy tiếp thu, giao cho các ngành chức năng nghiên cứu có giải pháp đảm bảo tính công bằng, quyền lợi cho cán bộ làm công tác Đảng luân chuyển về cấp xã.
Chính sách cho địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp
Liên quan đến chính sách cho các địa phương bị thu hồi đất phát triển công nghiệp, đồng chí Nguyễn Đình Tâm - Chủ tịch UBND xã Nghi Đồng (Nghi Lộc) cho rằng: Trong những năm qua, việc thực hiện nhiều dự án đầu tư trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã giúp cho người dân có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, đặc biệt là xây dựng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nhiều xã ở Nghi Lộc nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, nhiều dự án đầu tư trọng điểm đang triển khai như cao tốc Bắc Nam, WHA và nhiều dự án quan trọng khác nên các diện tích, đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều để phục vụ cho các dự án, do vậy các xã không có quỹ đất để làm hạ tầng phân lô đất ở quy hoạch, quy trình đấu giá sử dụng đất làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và các công trình phúc lợi của địa phương. Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cần có chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam.
"Sau khi triển khai các dự án, ở địa phương còn một số bất cập, nhất là các diện tích thu hồi đất nông nghiệp xen kẽ nhiều dự án giữa đường cao tốc, đường quốc lộ dân cư, các diện tích này nằm trong vùng sâu trũng không có đường đi lại, gây khó khăn trong sản xuất cho nhân dân, thậm chí nhiều diện tích không sản xuất được. Do vậy đề nghị tỉnh cần chỉ đạo sát sao các ngành xuống kiểm tra hiện trạng, tiến hành thu hồi diện tích còn lại ngoài dự án”- Chủ tịch UBND xã Nghi Đồng cho biết thêm.
Trao đổi nội dung liên quan về đất nông nghiệp xen kẽ sau khi thu hồi các dự án khó sản xuất, không đủ điều kiện để sản xuất, đồng chí Phạm Văn Toàn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tại Quyết định 24 Điều 12 ngày 14/2/2000 của UBND tỉnh quy định về đất xen kẽ, quy định cứng diện tích đất nông nghiệp dưới 50m2 dân không có nhu cầu thì chuyển về địa phương quản lý, còn diện tích nằm trong khoảng trên 50m2 nhưng dưới 150m2 đủ điều kiện để thu hồi và các trường hợp đặc thù khác, giao UBND huyện xem xét để trình hội đồng bồi thường thu hồi cho phù hợp điều kiện thực tế. Quyết định 24 của UBND tỉnh giao toàn quyền xử lý tình huống này cho UBND cấp huyện.
Trả lời làm rõ thêm câu hỏi này, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Phát triển công nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 3 khu công nghiệp chính: VSIP, WHA và Hoàng Mai 1. Hàng năm, các khu công nghiệp thu hút từ 45.000 – 47.000 lao động, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là xây dựng kinh tế - xã hội; tạo bộ mặt đổi mới cho tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, trong cái được chung của tỉnh thì những địa phương bị thu hồi đất có những thiệt thòi nhất định, nhiều diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp có quy hoạch phải nhường chỗ cho phát triển công nghiệp; có những địa phương không nằm trong diện này thì có đủ điều kiện quy hoạch đất ở, bán đất ở được trích lại để có nguồn thêm nguồn thu ngân sách.
Đối với những xã bị thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, tỉnh có chủ trương ưu tiên kinh phí để phục hồi sản xuất lúa, giúp địa phương có điều kiện phục hồi sản xuất. Còn đối với các xã thuộc Khu kinh tế Đông Nam, xã nào thuộc vùng quy hoạch đất ở có vị trí phù hợp với Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tham mưu chấp thuận cho phép khảo sát lựa chọn các địa điểm lập quy hoạch xây dựng chia lô đất ở dân cư theo đề xuất của UBND huyện Nghi Lộc.
"Thường trực Tỉnh ủy sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh có chính sách phù hợp làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đảm bảo quy định pháp luật hiện hành”- đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết.
Quan tâm phát triển đảng viên
Đặt câu hỏi với Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Hà Mạnh Linh - Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục(Con Cuông) cho rằng: Hàng năm, số quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng hầu như ngoài độ tuổi Đoàn, thậm chí không đạt kế hoạch đề ra (trên 30 tuổi, trình độ văn hóa mới đạt 9/12), lý do là đa số đoàn viên có trình độ văn hóa 12/12, sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường hầu hết đi làm ăn xa nhưng không ổn định.
"Nếu chúng ta không quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong độ tuổi Đoàn thì trong tương lai sẽ dẫn đến tình trạng già hóa đảng viên. Nếu già hóa đảng viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Trong thời gian tới, tỉnh cần có các cơ chế, chính sách để tạo việc làm cho con em tại địa phương, vừa là tạo nguồn để phát triển tổ chức Đảng đảm bảo chất lượng", Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục về cơ chế, chính sách gì để tạo việc làm cho con em tại địa phương, vừa là tạo nguồn để phát triển Đảng đảm bảo có chất lượng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đó là phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, đào tạo con người và cải cách hành chính.
Trong đó, để xây dựng hạ tầng đồng bộ, tỉnh tập trung thu hút các dự án lớn như cảng biển nước sâu Cửa Lò, nâng cấp sân bay Vinh,… Đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Đối với hạ tầng khu công nghiệp, tỉnh thu hút được ba nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp lớn: WHA, VSIP, Hoàng Mai 1…, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh.
Kết quả, năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất cả nước (tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 31/12/2022 là 961,3 triệu USD). Đặc biệt, tỉnh Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD; trong 6 tháng đầu năm thu hút được 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD.
Đi cùng với đó, tỉnh tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp. Đồng thời, Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn thu hút đầu tư nước ngoài.
Từ chỗ thu hút đầu tư trên địa bàn tốt, chúng ta có điều kiện đưa con em Nghệ An trong và ngoài tỉnh về làm việc tại địa phương. Từ đó, chúng ta sẽ có điều kiện để phát triển đảng viên mới.
Bên cạnh đó, chúng ta quan tâm phát triển đảng viên trong lực lượng học sinh PTTH là nguồn đảng viên trẻ, có trình độ. Liên quan đến công tác phát triển đảng viên, tỉnh Nghệ An đã ban hành đề án 01, đề án 5155 và tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc phát triển Đảng vùng đặc thù và trong doanh nghiệp.
"Tuy nhiên ở vùng sâu, vùng xa, việc thu hút đầu tư, tạo việc làm cho lao động gặp nhiều khó khăn hơn, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vùng miền núi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là triển khai có hiệu quả các chương trình dự án mục tiêu quốc gia để tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân được tốt hơn"- Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết.