Phó Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán cần chặn tham nhũng, kiểm soát chặt tài sản quốc gia

23/08/2016 17:24

Ngày 23/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán cần chặn tham nhũng, kiểm soát chặt tài sản quốc gia
Phó Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán cần chặn tham nhũng, kiểm soát chặt tài sản quốc gia

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các tài sản quốc gia, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực

Sơ bộ xử lý hành chính 7.240 tỷ đồng

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, những năm qua, quy mô kiểm toán đã tăng dần một cách hợp lý, luôn đảm bảo trên 50% tổng thu - chi ngân sách Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước đã kết hợp hài hòa ba loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động); trong đó kiểm toán hoạt động từng bước được mở rộng cả về mục tiêu, nội dung trong một cuộc kiểm toán cũng như số cuộc kiểm toán hoạt động độc lập.

Đến ngày 15/8/2016, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 161/223 đoàn kiểm toán, kết thúc 115/223 đoàn kiểm toán; xét duyệt 79 dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 38 báo cáo kiểm toán; cung cấp 7 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Tổng hợp sơ bộ kết quả từ 79 báo cáo kiểm toán đã phát hành và trình xét duyệt cho thấy, tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 7.240 tỷ đồng; trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước 1.137 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 2.093 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 4.010 tỷ đồng...

Tuy nhiên, công tác của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập như việc đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán, lựa chọn vấn đề, quy mô kiểm toán, chất lượng kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

”Hiệu lực thực hiện các kiến nghị kiểm toán chưa cao, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh”, ông Hồ Hữu Phớc cho biết.

Cho nên, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước xác định, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

Xây dựng Kiểm toán Nhà nước có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Công khai, minh bạch kết quả kiểm toán

Sau khi nghe các ý kiến đánh giá, phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, những kết quả mà Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện được thời gian qua cũng như mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quản lý tài sản công rất lớn nhưng độ phủ còn hạn chế, chưa kiểm soát hết, nhất là tài sản của Nhà nước; nhiều khoản đầu tư lớn nhưng mới chỉ kiểm toán tuân thủ, còn kiểm toán hoạt động ở mức nhất định; tính pháp lý của báo cáo kiểm toán còn chưa cao…

“Kiểm toán Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các tài sản quốc gia, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực để xây dựng và hướng tới một nền tài chính công công khai, minh bạch”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, Kiểm toán Nhà nước phải hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật trên cơ sở của pháp luật; phải làm đúng quy trình kiểm toán, từ việc đưa ra kế hoạch kiểm toán tới quá trình kiểm toán và sau khi kiểm toán; lấy hiệu quả và chất lượng kiểm toán làm chính, không hình thức và phải đi đến cùng vấn đề kiểm toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Kiểm toán Nhà nước cần củng cố lại tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức và tinh thông nghiệp vụ; tập trung nâng cao số lượng của kiểm toán và chuyển mạnh sang kiểm toán hoạt động.

Ngoài việc tổ chức kiểm toán thường xuyên, Kiểm toán Nhà nước cần đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề đối với những vấn đề bức xúc hiện nay như các dự án ODA, BOT; công khai, minh bạch kết quả kiểm toán thông qua hệ thống thông tin đại chúng…

Tháng 7/2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014 trước Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ nhất với nhiều kết quả nổi bật, được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 19.863,5 tỷ đồng(tăng thu ngân sách 8.565,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 5.562 tỷ đồng, các khoản xử lý tài chính khác 5.735,9 tỷ đồng); kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 110 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

Theo Thanhtra.com.vn

TIN LIÊN QUAN

Phó Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán cần chặn tham nhũng, kiểm soát chặt tài sản quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO