Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói về hiện tượng địa chính xã tránh dân, tiếp ‘cò’

Nhật Lân 04/03/2023 08:14

(Baonghean.vn) - “Dân đến thì bận việc này việc khác, nhưng “cò” đến thì tiếp” - lãnh đạo huyện Thanh Chương chỉ thẳng ra biểu hiện thiếu lành mạnh, vi phạm đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ địa chính xã trên địa bàn.

Vấn nạn “cò” sổ đỏ

Ở huyện Thanh Chương, “cò” sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) được xác định là có tồn tại, và đây là tồn tại gây bức xúc, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền. Cụ thể như tại Kỳ họp thứ 5, HĐND huyện Thanh Chương khóa XX đã chất vấn nội dung: “Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Vẫn còn hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu, hướng dẫn nhân dân chưa đầy đủ; việc phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm liên quan chưa tốt dẫn đến tình trạng sai sót, phải trả hồ sơ, việc giải quyết kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi; hiện tượng “Cò cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” vẫn còn diễn ra... Những hạn chế nói trên gây bức xúc, làm suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân, trách nhiệm và hướng khắc phục trong thời gian tới?".

Xã Ngọc Sơn là địa phương có cán bộ địa chính vi phạm pháp luật, đang bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Nhật Lân

Sau phiên chất vấn, tại Kết luận số 68/KL-HĐND ngày 21/7/2022, HĐND huyện Thanh Chương ghi nhận UBND huyện, các cơ quan, phòng, ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân; quan tâm chỉ đạo công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có tiến triển tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó đã nhận xét: “Thực tế cho thấy, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Vẫn còn hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu, hướng dẫn nhân dân chưa đầy đủ; việc phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm liên quan chưa tốt dẫn đến tình trạng sai sót, phải trả hồ sơ, việc giải quyết kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi; hiện tượng “Cò cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” vẫn còn diễn ra... Những hạn chế nói trên gây bức xúc, làm suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân”.

Để từ đó có yêu cầu:

“UBND huyện kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, lãnh đạo các ngành liên quan khi để xảy ra tình trạng các hạn chế, yếu kém trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài qua nhiều năm, nhiều kỳ họp HĐND huyện mà không được xử lý dứt điểm.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thanh Chương, UBND các xã, thị trấn chủ động bố trí đủ cán bộ hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân theo từng thời điểm, không được để nhân dân chờ đợi lâu khi nộp hồ sơ; việc xử lý phải đảm bảo trước hạn hoặc đúng hạn, nếu chậm thời gian công vụ do lý do khách quan phải có giấy xin lỗi nhân dân và hẹn lại thời gian nhận kết quả; trong quá trình xử lý hồ sơ nếu có sai sót thì xác định rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị bổ sung hồ sơ và chỉ được hướng dẫn và yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần.

Xóm Lam Thắng, xã Ngọc Sơn là địa bàn có nhiều hộ dân đã "tạm ứng" tiền để hy vọng "được" cán bộ địa chính làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Nhật Lân

Nghiêm cấm tuyệt đối cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở gây nhũng nhiễu, phiền hà, cấu kết với “cò” môi giới để nhận hồ sơ, vòi vĩnh tiền của nhân dân. UBND huyện tiến hành kiểm tra, rà soát để nắm bắt chính xác những địa phương còn để xảy ra hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu, hướng dẫn nhân dân chưa đầy đủ và kiên quyết xử lý trách nhiệm theo quy định hiện hành.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Quy chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND huyện; không để nhân dân phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

UBND huyện có các giải pháp để bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường các xã, thị trấn; đánh giá, xếp loại công chức khách quan, chính xác; kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống đối với các cán bộ, công chức chuyên môn nghiệp vụ yếu, đạo đức công vụ, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân để lấy lại niềm tin trong nhân dân”.

Tránh dân, tiếp "cò"

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông Lê Đình Thanh khi được hỏi cũng nhìn nhận trong xã hội đang có tình trạng “cò”. Theo ông Thanh, đây là tình trạng lợi dụng những người dân ngại trực tiếp đi thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để kiếm tiền.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phân tích: “Dẫn đến việc người dân ngại, cơ bản là vì thiếu hiểu biết, không tìm hiểu về các quy định để rồi đối tượng “cò” tìm đến rủ rê. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, thậm chí vòi vĩnh cũng là nguyên nhân khiến người dân tìm đến “cò” để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trao đổi với PV Báo Nghệ An về những hệ lụy từ "cò" sổ đỏ. Ảnh: Nhật Lân

Ông Lê Đình Thanh trao đổi, hiện nay pháp luật chưa có quy định cấm “cò”, nhưng huyện nhìn nhận “cò” đang lấy vô tội vạ những đồng tiền của người dân, bên cạnh đó, để lại những hệ lụy không nhỏ. “Khi "cò” lấy tiền của dân thì mình không biết. Chỉ khi xảy sự việc thì mới nghe nói. Như cán bộ địa chính xã Ngọc Sơn Hoàng Xuân Thành, chỉ khi biết tin ông này luân chuyển công tác, biết sổ đỏ của mình không được thì người dân mới tố, huyện mới biết, cơ quan chức năng mới biết” – ông Thanh nói.

Đồng thời cho biết, huyện Thanh Chương đã đặt câu hỏi: Cán bộ địa chính có sự tiếp tay cho "cò” hay không? Theo quy định, khi công dân đến Trung tâm một cửa của xã để làm sổ đỏ thì công chức địa chính xã sẽ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ gồm có những gì. Sau khi kiểm tra thì hướng dẫn công dân mua hồ sơ, hướng dẫn cho họ đọc các thông số, viết nháp kỹ trước khi viết một bộ hồ sơ chuẩn để nộp. Thế nhưng có một số cán bộ địa chính xã không làm được. “Có tình trạng dân đến thì bận việc này việc khác, nhưng “cò” đến thì tiếp, huyện đã chỉ đạo Công an theo dõi” – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh cho biết.

Có một số liệu đã được công bố tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5 – HĐND huyện Thanh Chương để chứng mình sự tồn tại của “cò” sổ đỏ trên địa bàn huyện này. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thanh Chương tiếp nhận 4479 lượt hồ sơ. Qua phân tích, 1.341 hồ sơ do cán bộ địa chính nộp; 2103 hồ sơ do người dân nộp; phần còn lại, 1035 hồ sơ do người ủy quyền nộp.

Theo ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thanh Chương, trong số người được ủy quyền nộp 1035 hồ sơ, có nhiều người làm “dịch vụ” mà xã hội quen gọi là “cò”. Về tình trạng “cò”, có nhiều thời điểm gây khó khăn, ùn tắc cục bộ, do phải soát xét lại hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ phải trả rất cao, lên đến 57% cho thấy có sự kiểm soát lỏng lẻo ở cấp xã; bên cạnh đó, chắc chắn người dân phải chi phí rất nhiều!

Mới nhất

x
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói về hiện tượng địa chính xã tránh dân, tiếp ‘cò’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO