'Thắp sáng' tư duy, động lực vươn lên cho phụ nữ biên giới

Mai Hoa 02/04/2023 16:28

(Baonghean.vn) - Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã, đang lan tỏa chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; góp phần “thắp sáng” tư duy, động lực vươn lên cho phụ nữ vùng biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và cán bộ Hội LHPN xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn thu hoạch lúa và lạc; hướng dẫn người dân trồng rau màu vụ đông; khám bệnh miễn phí cho phụ nữ. Ảnh: CSCC

Động lực vươn lên

Vượt gần 200km từ thành phố Vinh, chúng tôi đến bản Long Thắng, xã biên giới Hạnh Dịch, huyện Quế Phong vào một ngày đầu tháng 3. Ấn tượng đầu tiên về Long Thắng là một bản Thái trù phú với cuộc sống thanh bình giữa núi rừng hùng vĩ. Khắp các ngõ trên, lối dưới đều sạch sẽ, tinh tươm. Đặc biệt, trong bản, nhiều gia đình đã mạnh dạn biến nhà mình thành cơ sở du lịch homestay hoạt động theo tổ nhóm, do chị em phụ nữ đảm nhận.

Chị Vi Thị Hợi - Chủ tịch Hội LHPN xã Hạnh Dịch chia sẻ, bản Long Thắng có được như ngày hôm nay, ngoài vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến xã, chính là nhờ sự hỗ trợ, đồng hành kiên trì của Hội LHPN tỉnh và Đồn Biên phòng Hạnh Dịch thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Hội LHPN huyện Kỳ Sơn hỗ trợ mô hình sinh kế bò sinh sản cho hội viên phụ nữ nghèo. Ảnh: CSCC

Riêng Hội LHPN tỉnh, ngoài huy động các nguồn lực hỗ trợ chị em phụ nữ vay vốn không lấy lãi để xây dựng các mô hình sinh kế chăn nuôi, xây dựng “Mái ấm tình thương”, tặng sổ tiết kiệm…, Hội còn mở các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức sử dụng vốn hiệu quả, hội thảo dạy nghề cho phụ nữ và truyền thông nâng cao kiến thức mọi mặt cho chị em.

Tấm gương tiêu biểu ở bản Long Thắng là chị Lô Thị Lan. Là hộ nghèo, được hỗ trợ vay không lấy lãi 5 triệu đồng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi và sự đồng hành của cán bộ Hội Phụ nữ xã, sau gần 4 năm, từ 4 con lợn giống ban đầu, đến nay, kinh tế gia đình chị đã bắt đầu khấm khá, có tích luỹ.

Chị Lan cho biết, sự giúp đỡ về kinh tế, về kiến thức mọi mặt đã giúp chị tự tin hơn về bản thân để vươn lên, không chỉ thoát nghèo mà còn mạnh dạn vay thêm vốn để nuôi 7 con trâu, bò và trồng keo, xoan, quế. Hiện nay, chị Lan được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn bản Long Thắng.

Hội LHPN tỉnh hỗ trợ trồng cây xanh tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Ảnh: CSCC

Cũng ở bản Long Thắng, chị Lê Thị Dung được hỗ trợ 5 triệu đồng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để thực hiện mô hình sinh kế chăn nuôi lợn bản. Đến nay, không chỉ thoát nghèo mà gia đình chị Dung còn xây dựng được gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, kết hợp trồng rừng. Không chỉ lo cho cuộc sống của gia đình mình, với kiến thức, kinh nghiệm có được, chị cũng luôn chia sẻ, hỗ trợ đồng bào và được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, ngoài hỗ trợ xã Hạnh Dịch, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tại các xã biên giới ở huyện Quế Phong.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao quà hỗ trợ làm nhà cho chị Lâm Thị Hồng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: CSCC

Ý nghĩa nhất, theo chị Sầm Thị Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Phong là các hoạt động truyền thông về pháp luật gắn với xây dựng các mô hình: “Điểm sáng vùng biên”; “Giáo dục bà mẹ nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”; “Phòng, chống mua bán người, di dịch cư trái phép”; “Phụ nữ với pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”…

Đặc biệt, từ các hoạt động triển khai của Hội LHPN tỉnh trên địa bàn đã thúc đẩy sự trăn trở, đổi mới tư duy, nội dung và phương thức hoạt động ở các cấp Hội ở các huyện trên địa bàn tỉnh đi vào thiết thực, lấy phụ nữ là đối tượng tác động chính để lan tỏa trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, tích cực tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Hội LHPN thành phố Hà Nội trao hỗ trợ mô hình sinh kế “nuôi bò sinh sản” cho 5 phụ nữ nghèo tại xã Na Loi. Ảnh: CSCC

Xác định rõ khâu yếu để tập trung

Nghệ An là tỉnh có đường biên giới trên bộ dài gần 419km, có 27 xã biên giới thuộc 6 huyện. Địa bàn các xã biên giới rộng, địa hình phức tạp, hạ tầng yếu kém, kinh tế chậm phát triển. Đời sống, đặc biệt là kiến thức về mọi mặt nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng còn có nhiều hạn chế. Đây là yếu tố cản trở lớn nhất đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động dành cho phụ nữ.

Xác định được khâu yếu, triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hơn 5 năm qua, nhất là 2 năm 2021, 2022, Hội LHPN tỉnh tập trung công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, hái hoa dân chủ, sân khấu hóa, sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu, hội thảo, hội thi đến hình thức trực tuyến…

Trong đó đặc biệt quan tâm hình thức tuyên truyền thông qua nhóm nhỏ và tư vấn trực tiếp với từng đối tượng. Đa dạng về nội dung, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức về pháp luật, chủ quyền an ninh biên giới, vai trò của phụ nữ, kiến thức phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc; kiến thức, kỹ năng công tác hội ở địa bàn biên giới…

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng quà cho Hội Phụ nữ xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Ảnh: CSCC

Gắn với tuyên truyền, các cấp Hội cũng chú trọng vận động phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thông qua tổ chức cho hội viên, phụ nữ ở địa bàn biên giới ký cam kết không để người thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật, quy chế biên giới, đấu tranh tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc.

Hội LHPN tỉnh cũng tích cực vận động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế. Qua phát động phong trào “Đồng hành cùng phụ nữ các xã biên giới” trên phạm vi toàn tỉnh, đến nay, có 100% Hội LHPN các huyện, thành, thị xã và Hội Phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang triển khai chương trình hỗ trợ 25/27 xã biên giới.

Trong đó hỗ trợ xây dựng 28 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ; mua tặng 8 bộ máy vi tính, máy in cho Hội LHPN 8 xã biên giới và nhiều mô hình sinh kế, vật dụng đồ dùng thiết yếu trao tặng hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.

Riêng Hội LHPN tỉnh bằng nguồn huy động tiết kiệm của cán bộ, công chức cơ quan, đồng thời kết nối, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN thành phố Hà Nội, tỉnh Nam Định, Hội LHPN quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng)…, đã triển khai mô hình sinh kế chăn nuôi gà, lợn, bò sinh sản cho phụ nữ biên giới tại các xã Na Ngoi, Na Loi, Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn); xã Thông Thụ, Tri Lễ (huyện Quế Phong); xã Môn Sơn (huyện Con Cuông); xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Thông qua hoạt động truyền thông của Hội LHPN tỉnh tại huyện Quế Phong đã góp phần nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, nhiều bản, làng biên giới đang thay đổi. Ảnh: MH

Bà Hoàng Thị Thanh Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã được Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo cơ hội, điều kiện để hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tiếp tục đặt ra quyết tâm triển khai, lan tỏa chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đến các cấp, các ngành, cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo nguồn lực, vật lực, trí lực cùng chăm lo cho địa bàn biên giới nói chung và phụ nữ vùng này nói riêng. Song hành với đó là phối hợp với Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các địa phương để xác định các khâu khó, việc khó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội để vào cuộc một cách thiết thực, hiệu quả; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội, đóng góp thúc đẩy sự phát triển chung ở mỗi địa phương.

Mới nhất

x
'Thắp sáng' tư duy, động lực vươn lên cho phụ nữ biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO